| Hotline: 0983.970.780

Nâng tầm thủy lợi Hải Phòng: [Bài 2] 3.500 tỷ cho các dự án trọng điểm

Thứ Hai 04/11/2024 , 07:56 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Hải Phòng đã quyết định chi 3.500 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi với 2 phương án trọng tâm để đáp ứng yêu cầu sản xuất trong tình hình mới.

Sẽ chi 3.500 tỷ đồng cho thủy lợi

Hệ thống thủy lợi của Hải Phòng, trải dài từ đất liền đến đảo, với 5 hệ thống trên đất liền và 1 hệ thống trên đảo, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và dân sinh.

Một cống dưới đê tại huyện Tiên Lãng đã xuống cấp, được xây từ những năm 80 của thế kỷ XX. Ảnh: Đinh Mười.

Một cống dưới đê tại huyện Tiên Lãng đã xuống cấp, được xây từ những năm 80 của thế kỷ XX. Ảnh: Đinh Mười.

Hệ thống thủy lợi của thành phố được thiết kế để phục vụ đa mục tiêu, vừa tưới tiêu cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, vừa cấp nước thô cho các nhà máy nước sạch phục vụ sinh hoạt, giao thông đường thủy, du lịch dịch vụ và cải tạo môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, những năm gần đây, hệ thống này đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Việc duy tu, bảo dưỡng gặp khó khăn do kinh phí hạn hẹp, khiến nhiều công trình xuống cấp, cần đầu tư sửa chữa và nâng cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao.

Bên cạnh đó, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, lượng nước đổ về các sông ở Hải Phòng giảm sút đáng kể, khiến việc khai thác nước ngọt phục vụ sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Hệ thống thủy lợi thường xuyên thiếu nước từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 4 năm sau, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và các hoạt động khác.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do nguồn nước từ thượng nguồn giảm sút, dòng chảy biến đổi thất thường, hoạt động khai thác cát trái phép, ô nhiễm nguồn nước và việc xử lý chất thải chưa triệt để từ các khu dân cư và làng nghề. Thêm vào đó, giá dịch vụ thủy lợi không thay đổi kể từ năm 2012, trong khi chi phí quản lý, khai thác và bảo vệ công trình tăng từ 50% đến 100%, gây khó khăn cho việc vận hành.

Nhiều cống xung yếu đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Đinh Mười.

Nhiều cống xung yếu đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Đinh Mười.

Để ứng phó tạm thời, các công ty thủy lợi đã phải sử dụng nhiều giải pháp như lắp đặt trạm bơm dã chiến, tận dụng thời điểm các hồ thủy điện xả lũ để tích trữ nước. Tuy nhiên, việc lấy nước vẫn rất khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và các hoạt động khác.

Giai đoạn 2026-2030, Hải Phòng sẽ dành 3.500 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công để triển khai các dự án trọng điểm liên quan đến thủy lợi. Sở NN-PTNT được giao nhiệm vụ rà soát, đề xuất các dự án cụ thể theo quy định, trong đó nguồn vốn đầu tư hạng mục đê điều và cống dưới đê là 980 tỷ đồng, hạng mục thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp là 1.200 tỷ đồng, đầu tư cải thiện chất lượng nguồn nước sông Giá, sông Đa Độ (xử lý môi trường) là 620 tỷ đồng và nguồn vốn đầu tư cứng hóa hệ thống kênh, trạm bơm,... phục vụ sản xuất nông nghiệp là 700 tỷ đồng.

“Việc đầu tư lớn như vậy thể hiện quyết tâm của Hải Phòng trong việc nâng cấp hệ thống thủy lợi, hướng đến đa mục tiêu, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân”, ông Phạm Xuân Nam - Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Kiến Thụy đánh giá.

Một công trình thủy lợi tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng vừa được đầu tư nâng cấp. Ảnh: Đinh Mười.

Một công trình thủy lợi tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng vừa được đầu tư nâng cấp. Ảnh: Đinh Mười.

Bảo vệ nguồn nước ngọt, ngăn chặn ô nhiễm

Để đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng từ biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, thành phố Hải Phòng đang nỗ lực nâng cấp hệ thống thủy lợi, đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững. Sở NN-PTNT đã đề xuất hai phương án nâng cấp hệ thống thủy lợi, nhằm thích ứng với những thay đổi của môi trường và đã được UBND thành phố Hải Phòng đồng ý phê duyệt cho triển khai.

Phương án đầu tiên tập trung vào bảo vệ nguồn nước ngọt, ngăn chặn ô nhiễm từ các dòng chảy chứa hàm lượng ô nhiễm cao, đảm bảo nguồn nước sạch cho toàn thành phố. Phương án thứ hai hướng đến việc khai thác hiệu quả nguồn nước, ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.

Hải Phòng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, thành phố tập trung vào việc nâng cao hiệu quả khai thác nước, lắp đặt trạm bơm dã chiến, bảo vệ chất lượng nguồn nước. Về lâu dài, Hải Phòng sẽ ứng dụng công nghệ theo dõi tự động mực nước và độ mặn, nâng cao hiệu quả vận hành công trình thủy lợi; thay đổi phương thức khai thác nước ngọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu mới.

Sông Đa Độ sẽ được triển khai các phương án để có vai trò như một hồ chứa nước ngọt mùa khô hạn. Ảnh: Đinh Mười.

Sông Đa Độ sẽ được triển khai các phương án để có vai trò như một hồ chứa nước ngọt mùa khô hạn. Ảnh: Đinh Mười.

Hải Phòng cũng sẽ ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp để đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi, xây dựng đề án phòng chống xâm nhập mặn và hạn hán.

Riêng UBND các quận, huyện cần nâng cao nhận thức và ứng phó linh hoạt với biến đổi khí hậu, trong khi các công ty khai thác công trình thủy lợi phải chủ động các phương án đảm bảo cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và nhu cầu dân sinh.

Theo ông Đoàn Văn Ban - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hải Phòng, về lâu dài, thành phố sẽ đầu tư các công trình thu gom và xử lý triệt để nước thải, đặc biệt là nước thải từ các hoạt động sinh hoạt của người dân trong lưu vực, nhằm ngăn chặn dòng chảy ô nhiễm đổ vào các tuyến sông cung cấp nước ngọt.

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn ngày càng tăng, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã đưa ra phương án nâng cấp hệ thống thủy lợi. Dự kiến, một số công trình sẽ được đầu tư để nâng cao năng lực trữ nước của các kênh trục chính, biến đổi chúng thành hồ chứa nước, giúp trữ nước trong mùa kiệt, phục vụ cho các hoạt động sản xuất và dân sinh trên địa bàn.

Cống đầu mối Trung Trang, đầu vào hệ thống thủy lợi Đa Độ. Ảnh: Đinh Mười.

Cống đầu mối Trung Trang, đầu vào hệ thống thủy lợi Đa Độ. Ảnh: Đinh Mười.

Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng sẽ tập trung cải tạo các công trình đầu mối, chuyển hướng từ phương thức khai thác nước tự chảy sang khai thác nước bằng động lực, nhằm đảm bảo nguồn nước ổn định trong mọi điều kiện thời tiết. 

"Hệ thống thủy lợi hiện tại của Hải Phòng đóng vai trò quan trọng, phục vụ tưới tiêu cho gần 100.000ha diện tích nông nghiệp và thủy sản, đồng thời cung cấp hơn 90 triệu m3 nước thô mỗi năm cho các nhà máy sản xuất nước sạch. Việc nâng cấp hệ thống thủy lợi là giải pháp cần thiết để đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững cho thành phố Hải Phòng trong tương lai", ông Đoàn Văn Ban cho hay.

Ngoài đầu tư lớn cho thủy lợi, thành phố Hải Phòng cũng đã phê duyệt kế hoạch phân bổ 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư, cải thiện hạ tầng kinh tế - xã hội cho một số địa phương có nhiều diện tích đất nông nghiệp, bao gồm: Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến An, khu vực đảo Cát Hải, với mức hỗ trợ trung bình 500 tỷ đồng/địa phương.

Xem thêm
Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình

Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu bài viết của Thủ tướng Phạm Minh Chính đầu năm mới 2025, cùng mong muốn đất nước phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

Xuất khẩu gạo lập kỳ tích vượt 9 triệu tấn và 5 tỷ USD

Xuất khẩu gạo gây ấn tượng mạnh mẽ cả về lượng và kim ngạch trong năm 2024 khi thiết lập những cột mốc lịch sử cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

'Làng Nủ hạnh phúc'

Đó sẽ là tên gọi mới của ngôi làng mà 3 tháng trước từng là tâm điểm tang thương trong trận lũ quét lịch sử xảy ra tại Làng Nủ (huyện Bảo Yên, Lào Cai).