"Chúng tôi đang nỗ lực đẩy mạnh việc cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine trên toàn NATO. Tuy nhiên, Ukraine cần nhiều hơn như thế. Đó là lý do tại sao nếu các đồng minh phải đối mặt với sự lựa chọn giữa việc đáp ứng các mục tiêu của NATO và cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine. Thông điệp của tôi rất rõ ràng: gửi nhiều viện trợ hơn cho Ukraine", ông Stoltenberg nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo ở Brussels.
Ông Stoltenberg chỉ ra Đan Mạch là "một ví dụ điển hình" khi hồi tháng 2/2024 nước này đã hứa sẽ gửi toàn bộ pháo cho Kiev. Ông ca ngợi Đan Mạch và Hà Lan về kế hoạch cung cấp máy bay F-16, đồng thời nói thêm rằng ông "được động viên" trước thông tin Hạ viện Mỹ sẽ sớm bỏ phiếu về khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine sau nhiều tháng trì hoãn.
Lời kêu gọi của người đứng đầu NATO được đưa ra vào thời điểm các quốc gia thành viên của khối quân sự này đang vất vả tìm cách cung cấp đủ lượng vũ khí cho Ukraine mà không làm cạn kiệt kho dự trữ của chính họ, điều có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng. Các quan chức ở Kiev đang đổ lỗi rằng tình trạng thiếu đạn dược là nguyên nhân khiến chiến dịch phản công mùa hè năm 2023 thất bại, cũng như những tổn thất lớn trên chiến trường thời gian gần đây.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích gay gắt Đức vì từ chối viện trợ tên lửa hành trình phóng từ trên không Taurus và đảng Cộng hòa Mỹ vì đã ngăn chặn dự luật viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden khởi xướng. "Nếu Hạ viện Mỹ không giúp Ukraine, Ukraine sẽ thua trận", ông Zelensky cảnh báo trong tháng này.
Berlin gần đây đã đồng ý cung cấp hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất cho Kiev. Tuy nhiên, họ nhất quyết từ chối cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine, lập luận rằng việc gửi tên lửa sẽ cần lực lượng Đức trên mặt đất để vận hành.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson tuyên bố sẽ đưa dự luật viện trợ cho Ukraine ra bỏ phiếu vào 20/4. Dự luật này đã bị trì hoãn đến nay do những bất đồng gay gắt giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa về vấn đề nhập cư và an ninh biên giới.