"Tôi biết sẽ có người đặt câu hỏi này. Hãy nhìn xem: Xung đột khác nhau, không phận khác nhau, bối cảnh mối đe dọa khác nhau. Và Tổng thống Joe Biden đã nói rõ ràng ngay từ khi chiến sự Ukraine nổ ra rằng Mỹ sẽ không tham gia vào cuộc xung đột đó với vai trò chiến đấu", ông Kirby nói.
Các cường quốc phương Tây cam kết hỗ trợ Kiev "chừng nào còn cần thiết" để đánh bại Nga. Tuy nhiên, các nước này cũng nhiều lần bác bỏ ý tưởng giao chiến trực tiếp với Moscow. Ngay cả chính phủ Pháp, vốn không loại trừ khả năng triển khai quân đội tới Ukraine, cũng chỉ tuyên bố sẽ hỗ trợ các nhiệm vụ phi chiến đấu cho binh sĩ Ukraine, để Kiev có thể gửi thêm quân ra tiền tuyến.
Ngoại trưởng Anh David Cameron cũng được yêu cầu trả lời câu hỏi tương tự như ông Kirby trong một cuộc phỏng vấn với đài LBC hôm 15/4.
"Trên thực tế, việc đặt các lực lượng NATO trực tiếp xung đột với Nga, tôi nghĩ đó sẽ là một sự leo thang nguy hiểm", ông nói. Thay vì "kêu gọi các máy bay chiến đấu của phương Tây bay trên bầu trời và cố gắng bắn hạ mọi thứ", Ukraine nên tập trung vào việc yêu cầu viện trợ các hệ thống phòng không, ông Cameron gợi ý.
Moscow coi cuộc xung đột Ukraine là một cuộc chiến ủy nhiệm do Mỹ dẫn đầu nhắm vào Nga, trong đó người Ukraine đang được sử dụng làm "bia đỡ đạn". Phía Nga cảnh báo rằng họ sẽ coi bất kỳ tài sản quân sự nào trực tiếp tham gia vào chiến sự là mục tiêu hợp pháp, bất kể ai vận hành chúng.
Tuyên bố từ một số quan chức phương Tây dường như củng cố quan điểm của Nga về tình hình. Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson tuần trước tuyên bố rằng Mỹ và các đồng minh đang nhận được "giá trị tuyệt vời" từ số tiền chi cho Ukraine, bởi vì "Kiev đang chiến đấu thay cho phương Tây".