| Hotline: 0983.970.780

Tiêu chuẩn hóa

Nền tảng kết nối trong sản xuất nông nghiệp hiện đại và bền vững

Thứ Ba 11/10/2022 , 20:30 (GMT+7)

Các chuyên gia đều cho rằng, việc xây dựng, mở rộng và cập nhật các tiêu chuẩn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, sẽ giúp Việt Nam phát triển bền vững.

PGS.TS. Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Bảo Thắng.

PGS.TS. Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Bảo Thắng.

Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển nông nghiệp. Ngay cả khi bị Covid-19 ảnh hưởng, ngành nông nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng trưởng gần 2,9%; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục 48,6 tỷ USD vào năm 2021, tăng 14,9% so với 2020. Các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện có mặt ở hầu khắp thị trường nước ngoài, kể cả những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tuy nhiên, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang gặp một số thách thức. Tại hội thảo chiều 11/10, PGS.TS. Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra một số vấn đề như: xuất khẩu thô và sơ chế vẫn chiếm 60%, tỷ lệ sản phẩm theo tiêu chuẩn bền vững, chứng nhận quốc tế mới khoảng 10%, nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu, một số đơn hàng xuất khẩu bị trả về vì không đảm bảo trong quá trình sản xuất và chế biến.

"Tiêu chuẩn hóa là yêu cầu thiết yếu cho sản xuất kinh doanh nông nghiệp trong quá trình toàn cầu hóa. Sản xuất theo phương thức và công nghệ hiện đại, với tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam giảm thiểu rủi ro, phát triển bền vững, chủ động trước những sự biến động của môi trường tự nhiên cũng như nền kinh tế thế giới", ông Nhượng nói.

Theo ông Nhượng, sản xuất được tiêu chuẩn hóa sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh; giúp mở cửa thị trường và nâng cao vị thế nền nông nghiệp nước nhà trên thị trường trong nước và thế giới.

Tính đến năm 2021, trong tổng số 13.350 tiêu chuẩn trong hệ thống quốc gia, tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế của Việt Nam đạt khoảng 60%, trên 42 lĩnh vực. Để tham gia sâu hơn trong hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, PGS.TS. Bùi Huy Nhượng lưu ý việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng.

Ông David John Whitehead, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mavin phát biểu trực tuyến tại diễn đàn. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông David John Whitehead, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mavin phát biểu trực tuyến tại diễn đàn. Ảnh: Bảo Thắng.

Chung quan điểm với Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, ông David John Whitehead, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mavin cho biết, nền nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều đột phá trong gần 20 năm qua. Ông kể lại kỷ niệm năm 2004, khi Mavin mới thâm nhập thị trường, gần như không có tiêu chuẩn kỹ thuật nào thuộc lĩnh vực nông nghiệp cũng như kinh doanh nông, lâm, thủy sản. 

"Chúng tôi ý thức được vấn đề này, và tự phấn đấu phải trở thành một địa chỉ sản xuất, cung ứng các sản phẩm có thông tin minh bạch, truy xuất được nguồn gốc, cũng như đảm bảo các vấn đề về vệ sinh, an toàn thực phẩm", ông Whitehead chia sẻ.

Trước những biến đổi của toàn cầu, ngành nông nghiệp có nhiều cơ hội trong việc tham gia các chuỗi giá trị, theo ông Whitehead. Tuy nhiên, để chớp được thời cơ, ngành nông nghiệp Việt Nam cần lồng ghép các kế hoạch hành động về ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các chỉ đạo sản xuất.

Từ năm 2007, khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO, nền nông nghiệp chịu những ràng buộc theo thông lệ quốc tế. Lãnh đạo Mavin cho rằng việc bảo hộ thông qua các chính sách thuế giảm sút, buộc những nhà sản xuất phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng là để tận dụng dòng vốn từ khối ngoại. 

"Chúng tôi đánh giá cao việc Bộ trưởng Lê Minh Hoan định hướng người dân chuyển đổi tư duy từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, với trọng tâm là sản xuất nhiều hơn các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh đó, ngài Bộ trưởng cũng đề ra nhiều kế hoạch xây dựng nông thôn trở thành một nơi đáng sống. Mục tiêu là đưa nền nông nghiệp Việt Nam trở nên tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường", ông Whitehead bày tỏ.

Ông Cho Kee-heon, Tổng thư ký Hiệp hội đánh giá doanh nghiệp Hàn Quốc (KVA). Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Cho Kee-heon, Tổng thư ký Hiệp hội đánh giá doanh nghiệp Hàn Quốc (KVA). Ảnh: Bảo Thắng.

Từng có nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam, ông Cho Kee-heon, Tổng thư ký Hiệp hội đánh giá doanh nghiệp Hàn Quốc (KVA) trình bày cách tiêu chuẩn hóa công nghệ khi xây dựng những trang trại thông minh. 

Tại các mô hình KVA đã xây dựng tại Hàn Quốc, trang trại thông minh là tổng hòa của nhiều yếu tố. Ngoài các nhiệm vụ sản xuất, tiêu thụ, phân phối như thông thường, mô hình hiện đại này hướng đến tích hợp đa giá trị, khi đầu ra của chuỗi sản xuất này là đầu vào của chuỗi khác. Chẳng hạn, phân gia súc được dùng để bón cây, hoặc nước từ hồ nuôi có thể được dẫn vào những khu vườn cây ăn trái.

Phủ ngoài hạ tầng này là các công nghệ như IoT, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo... Ở đó, bất cứ một thay đổi nào của chuỗi sản xuất khép kín cũng đều được theo dõi tại trung tâm điều khiển, nhằm kịp thời có những điều chỉnh cần thiết.

"Trang trại thông minh không đơn thuần là khái niệm sản xuất mà còn là sự cải cách nông nghiệp dựa trên công nghệ hiện đại thông qua chuỗi giá trị. Vấn đề là cần mở rộng các tiêu chuẩn của trang trại thông minh, tránh xung đột do không tương thích, đồng thời tìm giải pháp phù hợp cho điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương", ông Cho khuyến cáo.

Ông Trần Văn Học, đại diện Hội Khoa học kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam (VINASTAQ) cho biết, hệ thống tiêu chuẩn nước ta hiện dựa nhiều vào cấu trúc phân loại ISO. Thời gian gần đây, Việt Nam chấp nhận và có thêm một số chuẩn khác như VietGAP, GlobalGAP...

Hiện Việt Nam có hơn 1.700 tiêu chuẩn trong hệ thống quốc gia về nông nghiệp, và được chia thành 2 lĩnh vực là nông nghiệp (mã số ICS 65) và công nghệ thực phẩm (mã ICS 67). Trong số này, số lượng tiêu chuẩn về sữa và các sản phẩm sữa chiếm nhiều nhất. Tính đến hiện tại là hơn 200 tiêu chuẩn. Xếp sau là rau quả, thịt và các sản phẩm thịt, vi sinh vật trong thực phẩm.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.