Thắt chặt quản lý dịp cuối năm
Ngày 21/2, tại Km 18, thuộc địa phận xã Đội Bình, huyện Yên Sơn, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Tuyên Quang đã kiểm tra, phát hiện ông Đ.Đ.D, trú tại phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang vận chuyển 188kg xúc xích không có nguồn gốc xuất xứ, một số sản phẩm đã hư hỏng. Theo khai nhận của ông D., số lượng xúc xích trên được mua từ Lào Cai về để bán lẻ cho người tiêu dùng.
Tiếp đến, khoảng 19 giờ ngày 6/3, tại khu vực tổ 7, phường Hưng Thanh, thành phố Tuyên Quang, phòng Cảnh sát Môi trường và phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Đội Quản lý Thị trường số 1 tỉnh Tuyên Quang phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 22A-074.36 do bà N.T.N, sinh năm 1971, trú tại tổ 6 phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang điều khiển, vận chuyển 378kg thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Số thực phẩm trên gồm 278kg xúc xích và 100kg chả mực, toàn bộ là hàng đông lạnh. Khi làm việc với cơ quan chức năng, bà N. không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của số hàng nêu trên. Số thực phẩm này cũng không ghi hạn sử dụng và bốc mùi hôi thối.
Bà N. khai nhận đã mua số thực phẩm trên tại thành phố Yên Bái với giá rẻ, vận chuyển về Tuyên Quang để tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm, bàn giao cho Đội quản lý thị trường số 1, thành phố Tuyên Quang để xử lý và tiêu hủy theo quy định.
Theo Cục Quản lý Thị trường tỉnh Tuyên Quang, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan như Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở NN-PTNT… thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và hành vi gian lận thương mại. Kết quả, đã kiểm tra, xử lý 42 vụ việc vi phạm, phạt tổng số tiền hơn 200 triệu đồng; tang vật vi phạm buộc tiêu hủy trị giá hơn 250 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Tuyên Quang cho biết, thời điểm cuối năm, các đối tượng lợi dụng nhu cầu mua bán của nhân dân tăng cao để sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Phương thức gian lận thương mại của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn nhằm che giấu sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, ví dụ như bán hàng qua ứng dụng điện thoại zalo, facebook không có địa chỉ kinh doanh cụ thể; xé lẻ hóa đơn vận chuyển bằng ô tô, xe khách gây khó khăn cho việc phát hiện, bắt giữ và xử lý…
Cục Quản lý Thị trường cũng tham mưu cho Ban chỉ đạo 389 của tỉnh Tuyên Quang thực hiện kế hoạch ngăn chặn, xử lý hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam; kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép lợn và các sản phẩm từ lợn qua biên giới.
Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ở Tuyên Quang
Dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ lan rộng vào dịp cuối năm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ thị trường, hạn chế tối đa việc buôn bán, vật chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm trái phép là hết sức cần thiết.
Ông Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm chế biến từ thịt lợn nhập lậu nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước nói chung và tỉnh Tuyên Quang nói riêng. Nếu như lợn chăn nuôi trong nước được giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng thì với lợn nhập lậu, không thể biết được quy trình chăn nuôi rõ ràng. Chúng có thể được cho ăn các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, không được kiểm dịch... Nếu vận chuyển trót lọt, nguy cơ các bệnh dịch nguy hiểm xâm nhiễm vào đàn lợn sẽ không thể tránh khỏi.
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc gia cầm, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Tuyên Quang tiếp tục duy trì 5 chốt tại các điểm giao thông giáp ranh như chốt Hợp Thành nằm trên Quốc lộ 37 tiếp giáp tỉnh Thái Nguyên; chốt Mỹ Bằng nằm trên Quốc lộ 37 tiếp giáp tỉnh Yên Bái; chốt Sơn Nam, nằm trên Quốc lộ 2C tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc; chốt Đội Bình, nằm trên Quốc lộ 2 tiếp giáp với tỉnh Phú Thọ; chốt Yên Lâm, nằm trên Quốc lộ 2 tiếp giáp với tỉnh Hà Giang.
Quản lý tốt việc kiểm dịch, Chi cục cũng yêu cầu các cơ sở chăn nuôi, hoặc thu mua động vật vận chuyển trong và ngoài tỉnh có giấy kiểm dịch khi qua các chốt; tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân đăng ký trên Cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh. Đối với các cơ sở chưa đủ điều kiện về an toàn dịch bệnh để lưu thông, Chi cục sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm tra, đảm bảo an toàn mới cho xuất bán ra khỏi tỉnh. Với hơn 500 cơ sở giết mổ, chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, ngành chức năng của tỉnh Tuyên Quang cũng yêu cầu thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch, giết mổ và sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện cơ sở nào nhập sản phẩm không rõ nguồn gốc để lưu thông trên thị trường.
Có thể thấy, việc buôn bán vật chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu… liên quan đến giống vật tư nông lâm nghiệp, gia súc, gia cầm… trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có lúc, có nơi vẫn diễn ra, tuy nhiên không có điểm nóng nổi cộm. Bởi trên thực tế, tỉnh không có đường biên giới, không có các khu sản xuất, chế biến lớn.
Hàng giả, hàng lậu nhập về Tuyên Quang chủ yếu thông qua các tỉnh lân cận rồi xé lẻ đưa vào thị trường Tuyên Quang, trong đó tập trung nhiều nhất tại các chợ phiên, chợ nông thôn ở vùng sâu, vùng xa.
Thực hiện tốt hơn việc quản lý, kiểm soát việc buôn bán gia súc, gia cầm, giống vật tư nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng, tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là các địa bàn giáp ranh; tăng cường công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tiêu thụ tại địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.