| Hotline: 0983.970.780

Cuộc chiến chống thuốc bảo vệ thực vật độc hại: Muôn kiểu lách luật

Thứ Năm 07/12/2023 , 11:00 (GMT+7)

ĐBSCL Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng có nhiều cách lách luật, tránh truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu gặp đại lý chủ động bán hàng giả thì nông dân luôn là người chịu thiệt. Ảnh: HT.

Nếu gặp đại lý chủ động bán hàng giả thì nông dân luôn là người chịu thiệt. Ảnh: HT.

Lách, né tinh vi

Hàng giả, hàng nhái kém chất lượng trong lĩnh vực nông nghiệp đang gây nên những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng, là tác nhân gây ô nhiễm và suy thoái môi trường. Đồng thời, tác động lớn đến đời sống tinh thần nhà nông, từ hoang mang đến thiệt hại khi mua nhầm phải hàng kém chất lượng.

Bên cạnh đó, còn làm ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp, tình hình kinh tế và xã hội của địa phương. Hàng giả, hàng nhái xuất hiện nhiều trong những giai đoạn dịch hại cao và giá lúa hấp dẫn như hiện nay bởi nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) lớn.

Các đối tượng buôn bán hàng giả thường chọn những sản phẩm có uy tín, những sản phẩm đã được nông dân tin dùng trước đó nhằm tăng tính phổ biến và dễ bán sản phẩm.

Việc sản xuất hàng giả, hàng nhái gây thất thoát lớn cho doanh nghiệp bị hại. Có thể thấy qua những vụ khởi tố, khi cơ quan cảnh sát khám xét lượng tem nhãn và vỏ chai thuốc giả mạo được tính bằng tấn. Trong đó, nhóm thuốc chữa bệnh cho lúa và cây ăn trái thường bị giả mạo nhiều nhất, bởi chúng là những loại thuốc mà nông dân sử dụng rộng rãi trong quá trình canh tác.

Theo đại diện của một công ty kinh doanh thuốc BVTV uy tín thì khu vực giáp ranh Việt Nam – Campuchia, cũng như tại Bình Chánh và Củ Chi (TP.HCM) là những địa điểm thường xuyên xuất hiện các sản phẩm giả mạo. Các tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ cũng đối mặt với vấn đề tương tự.

Cũng theo vị này, các đối tượng buôn bán hàng giả thường rất ma mãnh, yêu cầu người mua thanh toán bằng tiền mặt và giao hàng chậm một vài ngày để đánh lạc hướng cơ quan chức năng. Để tránh truy cứu trách nhiệm hình sự, các đối tượng thường chia nhỏ đơn hàng và cung cấp các số điện thoại liên lạc khác nhau. Họ có thể giao một lượng hàng nhỏ ban đầu để xây dựng lòng tin, sau đó tăng cường cung cấp khi đã thiết lập mối quan hệ với đại lý và đảm bảo họ đồng ý bán hàng giả.

Các loại hàng giả thường xuất hiện với hàm lượng hoạt chất thấp hoặc thậm chí không có hoạt chất. Nguyên liệu làm hàng giả được nhập từ Trung Quốc với giá rẻ được “phù phép” sử dụng bao bì và nhãn mác giống hệt hàng chính hãng.

Nông dân thường mua các sản phẩm được đăng ký đúng với tên và công ty, nhưng thực tế là hàng giả. Đồng thời hàng nhái là những sản phẩm được thiết kế bao bì, nhãn mác và tên gọi tương tự để tạo sự nhầm lẫn cho người nông dân.

Một ví dụ là sản phẩm chính hãng có tên là "Anvil 5SC", trong khi hàng giả lấy tên tương tự như "T- Anvil 5SE", hoặc Pre Tilt Super 300 EC thay vì Tilt Super 300 EC.

Hiện nay có hai nhóm chính tiếp cận trực tiếp với sản phẩm giả mạo và hàng kém chất lượng. Nhóm đầu tiên bao gồm các đại lý hoạt động chân chính; họ chủ yếu mua hàng từ các nguồn đáng tin cậy và có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Những đại lý này thường từ chối hợp tác với các đối tượng buôn bán hàng nhái và giả mạo, thậm chí còn cung cấp thông tin cho công ty khi phát hiện hàng giả.

Nhóm thứ hai thường là các đại lý mới hoặc đối tượng cạnh tranh không lành mạnh. Chúng thường đưa ra giá cạnh tranh để thu hút người nông dân. Điều quan trọng là các đối tượng thường tập trung vào các khu vực nông thôn hoặc mới mở rộng vào thị trường mới.

Chiến lược của những đối tượng bất lương thường liên quan đến việc giảm giá để thu hút người nông dân, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của doanh nghiệp. Khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, các đối tượng này đổ lỗi mua nhầm và không biết nên khó xử lý.

Nếu gặp đại lý chủ động bán hàng giả, thì nông dân luôn là người chịu thiệt. Bởi nông dân thường gặp khó khăn không có khả năng thanh toán tiền mặt cho đại lý. Vì vậy trong quá trình mua hàng, khi phát hiện vấn đề họ thường ngần ngại khi lên tiếng.

Theo đại diện của Công ty Syngenta Việt Nam, khi nhân viên thị trường phát hiện sản phẩm giả mạo, họ ghi nhận hình ảnh và thông báo cho bộ phận quản lý chất lượng. Bộ phận này kết hợp với cơ quan sở hữu trí tuệ để kiểm tra hành vi vi phạm, bao gồm những thông tin đã đăng ký trước đó. Nếu vi phạm được xác nhận, cơ quan sở hữu trí tuệ thông báo cho đơn vị sản xuất vi phạm.

Công ty sản xuất có thể phản hồi và cam kết thu hồi hàng vi phạm. Tuy nhiên, quyết định về việc thu hồi và xử lý hàng vi phạm còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm số lượng sản phẩm và mức độ vi phạm. Vấn đề thu hồi sản phẩm nhái trên thị trường cần được giám sát chặt hơn nữa.

Để ngăn chặn tình trạng này, các công ty như Syngenta thường hướng dẫn cho nông dân về cách phân biệt hàng chính hãng. Các đặc điểm như logo Syngenta, việc mua sản phẩm từ đại lý chính hãng và các cửa hàng uy tín.

Công nghệ mực in đặc biệt được áp dụng trên nhãn của Syngenta; khi được chiếu dưới ánh sáng mặt trời, chữ "Syngenta" sẽ nổi lên. Họ cũng tích hợp mã nhận dạng trên chai thuốc, giúp nông dân kiểm tra thông tin chi tiết về sản phẩm bằng cách quét mã trên điện thoại di động.

Syngenta còn phối hợp chặt chẽ với các chi cục bảo vệ thực vật địa phương để tổ chức các buổi tập huấn về việc nhận diện hàng chính hãng và thông tin về hậu quả của hàng giả. Mục tiêu là nâng cao ý thức cho đại lý và người nông dân về việc bán và sử dụng sản phẩm chính hãng và duy trì mối quan hệ đáng tin cậy giữa đại lý và khách hàng.

Theo đại diện của một công ty sản xuất thuốc BVTV có uy tín, hầu như 100% đại lý kinh doanh thuốc BVTV đều phân biệt được hành giả, hàng nhái nhưng do họ ham lợi nhuận gây ảnh hưởng đến nông dân. Ảnh: HT.

Theo đại diện của một công ty sản xuất thuốc BVTV có uy tín, hầu như 100% đại lý kinh doanh thuốc BVTV đều phân biệt được hành giả, hàng nhái nhưng do họ ham lợi nhuận gây ảnh hưởng đến nông dân. Ảnh: HT.

Cần biện pháp, chế tài mạnh

Đại diện của Công ty Syngenta Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng như cảnh sát kinh tế đóng vai trò hỗ trợ trong việc phát hiện và ngăn chặn hàng giả. Tuy nhiên, các cơ quan như Chi cục Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, nhưng đôi khi khó khăn trong việc phân biệt hàng giả chỉ dựa vào đặc điểm bên ngoài. Ví dụ, có những sản phẩm làm giả bao bì, nhãn mác giống đến 99% sản phẩm thật nên cần lấy mẫu kiểm nghiệm. Vấn đề của hàng giả vẫn là một thách thức đáng kể trong ngành nông nghiệp.

Để ngăn chặn sự lan tràn của hàng giả trên thị trường, điều quan trọng nhất là cần tập trung vào việc quy trách nhiệm của các đại lý tiếp tay buôn bán hàng giả. Các đại lý phải chịu trách nhiệm khi mua sản phẩm, đảm bảo có chứng từ hóa đơn và nguồn gốc của sản phẩm. Nếu có vấn đề về chất lượng họ phải chịu trách nhiệm và giải quyết với người nông dân.

Ví dụ, nông dân phát hiện hàng giả mua từ đại lý nhưng đại lý lại nói đã mua nhầm, vậy phải chứng minh được chứng từ, hóa đơn từ đơn vị nào cung cấp nếu không phải chịu trách nhiệm.

Một cách khác là tăng cường kiểm soát trực tuyến. Các biện pháp như theo dõi mạng và chặn các trang web bán hàng giả có thể giúp giảm bớt sự phổ biến của sản phẩm giả. Ngoài ra, cần có sự hướng dẫn cho nông dân và người tiêu dùng về cách phân biệt hàng chính hãng.

Thêm vào đó, cần tiến hành việc thu thập mẫu và tiến hành phân tích chi tiết về sản phẩm, nhằm đánh giá toàn diện về mức độ thiệt hại gây ra. Nâng mức độ răn đe đối với những người thực hiện hành vi vi phạm, như việc chia nhỏ đơn hàng để tránh sự kiểm soát pháp lý, mặc dù có thể không đủ để khởi tố trách nhiệm hình sự, nhưng thực tế lại tạo ra tổn thất đáng kể cho doanh nghiệp.

Để giải quyết vấn đề hàng giả và hàng nhái, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ các đại lý đến người nông dân và người tiêu dùng. Nâng cao trách nhiệm và hướng dẫn là chìa khóa để ngăn chặn hiện tượng này và bảo vệ ngành nông nghiệp.

Xem thêm
Khoản 3, Điều 15 Luật Thuế sửa đổi nguy cơ vào 'vết xe đổ câu chữ'

Việc hiểu sai giữa thuế GTGT 0% với không chịu thuế khiến ngành phân bón bầm dập gần một thập kỷ, nay Điều 15 Luật Thuế GTGT sửa đổi lại tồn tại kẽ hở lớn.

Áp dụng khẩu phần đạm thô thấp mang hiệu quả kép cho chăn nuôi lợn

Giảm tỷ lệ protein thô trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi lợn đem lại tác động đa lợi ích, vùa hướng tới giảm phát thải khí nhà kính vựa hạ giá thành chăn nuôi.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?

Bình luận mới nhất