Đắng lòng vụ cam của ông Rết
Huyện Cầu Kè được coi là vùng trồng cây ăn trái lớn nhất nhì của tỉnh Trà Vinh, bởi những năm gần đây nông dân đã chuyển dần sang trồng cam, dừa để thay thế lúa. Theo nhiều nông dân chia sẻ, trồng lúa mỗi năm 3 vụ thì dù với giá đạt đỉnh như năm nay, một công đất (1 công = 1.000m2) người trồng lãi tối đa khoảng 12 triệu đồng/năm. Trong khi đó, trồng cam nếu biết sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đúng cách làm cây cho trái mùa nghịch, lợi nhuận có thể cao hơn lúa gấp vài lần.
Tuy nhiên, chất lượng của các loại thuốc chuyên trị bệnh cho cây cam đang khiến nông dân đau đầu, bởi trên thị trường xuất hiện nhiều loại có mẫu mã, nhãn mác và công dụng tương đồng như nhau được bày bán tràn lan. Có trường hợp, bà con mua phải hàng kém chất lượng, dẫn đến mất tiền, mất thời gian và sử dụng không đạt hiệu quả, làm cây trồng không phát triển, tác động trực tiếp đến kinh tế địa phương.
Nông dân Thạch Rết ở xã Thông Hòa đượm buồn chia sẻ câu chuyện về vụ cam trước đó. Tin tưởng vào người bạn giới thiệu, ông đến đại lý ở địa phương khác để mua thuốc trị bệnh loét trái và sâu cuốn với giá ưu đãi, hy vọng sẽ bảo vệ vườn cam gần ngày thu hoạch. Tuy nhiên, sau nhiều lần phun thuốc mà không thấy tác dụng, ông mới phát hiện ra mình đã mua phải hàng giả. Đắng lòng hơn, cam đang có giá cao nhưng hơn một nửa lượng trái trong vườn của ông đã bị sâu cuốn rụng đầy ra đất, số trên cây thì vỏ sần sùi bị thương lái trả giá thấp. Tính ra, ông Rết thất thoát khoảng 50 triệu đồng.
Theo lời ông Rết, người nông dân thời nay đối mặt không chỉ với những nỗi lo về “trúng mùa” hay “mất giá”, mà còn phải đối mặt với áp lực lớn về chất lượng đầu vào. Nỗi lo liên quan đến thuốc BVTV giả mạo ngày càng trở nên phổ biến trên từng mảnh đất, từng thửa ruộng. Nhiều loại thuốc kém chất lượng được bán ra có cả mã vạch và tem chống giả, việc phân biệt giữa hàng thật và hàng nhái là một thách thức lớn đối với nhà nông.
Theo ông Rết, mới đây, một số đại lý kinh doanh thuốc BVTV tại xã Thông Hòa đã tung ra chương trình giảm giá 50% cho hàng thuốc diệt cỏ của một hãng nổi tiếng, với điều kiện mua theo thùng (mỗi thùng = 20 chai). Nhiều bà con đã mua số lượng lớn bởi tin tưởng vào sản phẩm đã được đánh giá cao trước đó. Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng, cỏ không chết mà nông dân còn phải mất thêm tiền thuê nhân công phun thuốc, một ngày lên đến vài trăm nghìn đồng.
Ông Rết cho rằng, vấn đề hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng là một thách thức đang tồn tại trong xã hội. Việc sản xuất và lưu thông các sản phẩm chất lượng thấp mang lại siêu lợi nhuận cho người tham gia. Ông hy vọng các cơ quan chức năng sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể để giảm thiểu tình trạng này, đồng thời giúp nông dân có thêm niềm tin khi tham gia quá trình sản xuất.
Người bán cũng than khổ
Trên thực tế từ đầu năm đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh đã tiến hành 6 đợt kiểm tra, thanh tra 64 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, và đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 15 cơ sở, với tổng số tiền hơn 130 triệu đồng. Các vi phạm liên quan đến buôn bán thuốc BVTV, phân bón giả, việc giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì, hết hạn sử dụng, và thông tin không đúng trên nhãn...
Có thể thấy rõ rằng, một số cơ sở sản xuất phân bón và thuốc BVTV giả, kém chất lượng đang ngày càng trở nên tinh vi trong hoạt động của mình. Không chỉ nông dân mà những đại lý, cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV chấp hành tốt quy định cũng trở thành nạn nhân của những doanh nghiệp làm ăn thiếu đạo đức, cố tình sản xuất hàng kém chất lượng.
Anh Trần Văn Hùng ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang - chủ cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật - chia sẻ, mặc dù cơ sở của anh tuân thủ tốt các quy định pháp luật, nhưng kinh doanh nhầm sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng là không tránh khỏi. Có sản phẩm kinh doanh thời gian dài vẫn đảm bảo chất lượng, nhưng sau đó, vì hám lợi, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm kém chất lượng. Khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý, đại lý bị ảnh hưởng nặng nề, bị nông dân tẩy chay với lý do cơ sở, đại lý bán hàng "chui". Làm mất danh tiếng và lòng tin với người nông dân.
Anh Hùng cho rằng, để giải quyết vấn nạn trên, ngoài nâng cao nhận thức của các chủ cơ sở, đại lý kinh doanh, cơ quan chức năng cần có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng.
Cần siết chặt khâu sản xuất
Thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đến các cơ sở SXKD và người dân để nâng cao nhận thức và cách phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Đồng thời, tăng cường công tác nắm bắt, xử lý thông tin, chú trọng việc phản ánh về chất lượng vật tư nông nghiệp, niêm yết giá tại các địa phương.
Thực hiện quy chế phối hợp giữa Sở NN-PTNT, Cục Quản lý thị trường phối hợp các sở, ngành và địa phương thường xuyên thực hiện kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, vận chuyển vật tư nông nghiệp, xử lý các hành vi vi phạm về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tuy nhiên, hiện nay, những sản phẩm phân bón và thuốc BVTV lưu thông trên địa bàn tỉnh Trà Vinh phần lớn đều do các doanh nghiệp sản xuất có trụ sở ngoài tỉnh, nên việc thanh, kiểm tra các cơ sở buôn bán phân bón và thuốc BVTV là chủ yếu.
Do đó, ông Lê Trường Sơn, Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Trà Vinh, đề xuất cơ quan chức năng cần phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ từ quy trình sản xuất chứ không chỉ dừng ở cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra các nhà máy, cơ sở sản xuất, đây là nguồn gốc của các loại phân bón thuốc BVTV giả, kém chất lượng.
Từ nay đến cuối năm, Chi cục tiếp tục quản lý các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với những doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV có dấu hiệu vi phạm, từng có vi phạm hoặc có thông tin, tài liệu về hoạt động vi phạm để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.
Ông Sơn cho rằng, doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc BVTV cần xây dựng chiến lược chống hàng giả, nhất là công tác truyền thông về sản phẩm và chủ động đề xuất với các cơ quan nhà nước trong cuộc đấu tranh chống hàng giả.
Còn nông dân, cần lựa chọn nhãn hiệu uy tín, thương hiệu tốt, đại lý có uy tín và không nên ham rẻ. Khi nông dân mua phân bón, thuốc BVTV cần lấy hóa đơn. Đối với hộ mua phân bón, thuốc BVTV với số lượng lớn có thể yêu cầu kiểm nghiệm sản phẩm. Khi có những dấu hiệu nghi ngờ về chất lượng phân bón thì báo cho ngành nông nghiệp để có hướng xử lý kịp thời.