Chỉ trong 5 ngày từ 20 - 24/1 (tức từ 29 tháng Chạp đến mùng 3 Tết Nguyên đán), tỉnh Cà Mau đã đón trên 88.000 lượt du khách, mang về doanh thu cho tỉnh hơn 76 tỷ đồng, vượt trên 35 tỷ đồng so với năm 2022. Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau đánh giá, con số này khá ấn tượng, vượt mong đợi của ngành. Hiện nay, không khí du xuân của người dân vẫn còn diễn ra, đây là cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành tập trung tour, tuyến phục vụ du khách.
Du khách Nguyễn Thị Ngọc Anh đến tham quan Khu du lịch sinh thái Thư Duy ở phường 6, TP Cà Mau chia sẻ, giá cả các dịch vụ ở đây giữ ổn định, cơ sở mở cửa xuyên Tết để phục vụ du khách du xuân. Đặc biệt, chị Ngọc Anh thích nhất là hoạt động check-in các tiểu cảnh tết độc đáo, các trò chơi dân gian.
Trong khi đó tại tỉnh Bạc Liêu cùng nằm trên cung đường tham quan, từ 30 tháng Chạp đến hết mùng 3 Tết cũng ghi nhận trên 165.500 lượt du khách đến tham quan. Một số địa điểm du xuân được ưa chuộng là khu Quán âm Phật đài, nhà thờ Tắc Sậy, khu biển nhân tạo… Trong đó, có khoảng 5.200 lượt khách quốc tế. Thống kê của Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, doanh thu dịch vụ du lịch trong dịp Tết của tỉnh đạt khoảng 85 tỷ đồng.
TP Cần Thơ là địa phương thu hút đông nhất du khách trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Sở VH-TT&DL thành phố cho biết, số lượng du khách tham quan, lưu trú trên địa bàn ước đạt khoảng 370.000 lượt, mang về nguồn thu 340 tỷ đồng, tăng 250% so với năm 2022.
Ghi nhận đến ngày mùng 8 tháng Giêng, tại các địa điểm vui chơi như Làng du lịch Mỹ Khánh, Khu du lịch sinh thái Ông Đề, Chợ nổi Cái Răng và điểm du lịch tâm linh Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam… lượng du khách và phương tiện đổ về tham quan, chụp ảnh, cúng bái khá đông. Các cơ sở lưu trú đã phục vụ khoảng 95.000 lượt khách, riêng khách quốc tế ước khoảng 2.900 lượt. Công suất phòng tại các cơ sở lưu trú bình quân đạt khoảng 82%.
Còn tại tỉnh Kiên Giang ước tính đón gần 340.000 lượt du khách, doanh thu gần 375 tỷ đồng, tập trung tại các địa điểm ở TP Phú Quốc. Tỉnh Bến Tre, đón trên 64.000 lượt, doanh thu đạt trên 77 tỷ đồng. Tỉnh Đồng Tháp, từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), đón và phục vụ hơn 127.000 lượt khách, doanh thu đạt hơn 12,5 tỷ đồng. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang cũng thống kê từ ngày 28 tháng Chạp đến hết ngày mùng 4 tháng Giêng có khoảng 500.000 lượt khách đến vui chơi, tham quan tại các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh như Khu du lịch Núi Sam; Điểm du lịch Đồi Tức Dụp, Khu du lịch Núi Cấm ở huyện Tịnh Biên cũng dành khoảng 80 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục riêng dành cho dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Trước đó, các địa điểm, khu du lịch ở các địa phương đã đầu tư nâng cấp, bổ sung thêm nhiều hoạt động tham quan, vui chơi, đặc biệt là các góc check-in mang đậm phong vị Tết để du khách thỏa sức khám phá. Ngoài ra, giá cả, chất lượng dịch vụ vẫn được giữ ổn định.
Hầu hết, số lượng du khách đến tham quan dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 ở các địa phương vùng ĐBSCL đều tăng cao so với năm 2022, kéo theo doanh thu tăng gấp 2 - 3 lần. Đây là tín hiệu khởi sắc mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành du lịch của vùng. Người dân cũng như các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng ngày càng đa dạng nhu cầu của du khách trong thời gian tới.