| Hotline: 0983.970.780

Cái Tết vội của người dân thương hồ trên chợ nổi Cái Răng

Thứ Bảy 21/01/2023 , 14:41 (GMT+7)

Cần Thơ Những ngày Tết với người dân thương hồ ở chợ nổi Cái Răng là thời điểm vội vã nhất. Vội giao chuyến hàng, vội ăn Tết để quay trở lại cuộc sống mưu sinh.

Ở miền Tây Nam Bộ, những bà con sống lấy ghe làm nhà, buôn bán ở các chợ nổi để mưu sinh, lênh đênh trên sông nước, mọi người hay gọi là “thương hồ”.

Còn nhớ cách đây hơn 20 năm, việc buôn bán, phát triển kinh tế ở miền Tây tương đối khó khăn. Cha mẹ tôi cũng là dân thương hồ, lênh đênh trên chiếc thuyền gỗ, phải chèo bằng tay, để đi buôn phế liệu, đồ nhựa. Rồi dần tích góp, sắm được chiếc xuồng máy để đỡ vất vả hơn. Mỗi chuyến đi như vậy hơn nửa tháng mới trở về nhà. Rồi chưa kể những lúc trời mưa bão ghe bị chìm, xem như chuyến hàng đó lỗ vốn.

Người dân thương hồ trên chợ nổi Cái Răng tất bật những chuyến hàng ngày cuối năm. Ảnh: Kim Anh.

Người dân thương hồ trên chợ nổi Cái Răng tất bật những chuyến hàng ngày cuối năm. Ảnh: Kim Anh.

Những ngày cuối năm, chiếc ghe máy du lịch đưa tôi dạo một vòng trên chợ nổi Cái Răng, còn rất nhiều ghe xuồng của bà con đang tranh thủ chuyển những chuyến hàng cuối cùng để kịp về quê đón Tết.

Bà Trang Thị Tím ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, Tết này đã bước sang tuổi 66. Thế nhưng, cả gia đình vẫn phải lênh đênh trên chợ nổi Cái Răng để buôn khoai lang. Theo bà Tím thì đây là nghề truyền thống của gia đình. Gia đình có tổng cộng 3 chiếc ghe, 2 chiếc được dùng để chứa hàng hóa và 1 chiếc để làm nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi. Quanh năm, cùng với chiếc ghe, gia đình xuôi ngược khắp nơi, từ tỉnh này sang tỉnh khác, vào tận sâu trong các rẫy để thu mua khoai lang, rồi quay lại neo đậu ở chợ nổi Cái Răng để giao cho bạn hàng.

Bà Trang Thị Tím ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang vừa kịp giao xong chuyến hàng để về quê đón Tết. Ảnh: Kim Anh.

Bà Trang Thị Tím ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang vừa kịp giao xong chuyến hàng để về quê đón Tết. Ảnh: Kim Anh.

Hôm nay đã là ngày 30 Tết, gia đình cũng vừa kịp giao chuyến hàng cuối cùng cho khách, rồi nhổ sào, trở về quê chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà, đón Tết cùng con cháu. Đến mùng 3 Tết lại quay trở lại chợ nổi Cái Răng để tiếp tục cuộc sống mưu sinh. Cái Tết đối với gia đình bà Tím lúc nào cũng vội vã như vậy.

“Sống trên ghe quen rồi, cứ đi đi về về. Ở chợ nổi Cái Răng này, nhiều ghe từ mùng 2 Tết đã bắt đầu khai trương chuyến hàng đầu năm rồi”, bà Tím chia sẻ.

Chiếc bè nổi của gia đình ông Dương Vĩnh Bé ở khu vực Yên Thuận, phường Lê Bình, quận Cái Răng những ngày cuối năm cũng được trưng bày, sắm sửa không khác gì các ngôi nhà trên đất liền. Do gia đình ở xa, việc buôn bán khó khăn, nên anh Bé quyết định bỏ ra trên 100 triệu đồng để làm bè nổi, sinh sống trên sông Hậu.

Cuộc sống lênh đênh trên sông nước này cũng đã được trên 29 năm. Nghề buôn bán thức ăn cho khách du lịch trên chợ nổi Cái Răng nói làm giàu thì không đúng, nhưng thu nhập khá ổn định.

“Ban đầu sống trên bè nổi còn hơi lụp chụp, riết rồi quen. Con cái đi học cũng gần trường nơi bè neo đậu. Mỗi lần đi học lại bơi xuồng vào bờ, đi học về lại bơi ra. Chiếc ghe này là ngôi nhà thứ hai của gia đình tôi rồi. Ăn Tết trên bè rồi đến sáng mùng 1 mới về quê”, anh Bé bộc bạch.

Chiếc bè nổi của gia đình anh Dương Vĩnh Bé những ngày cuối năm cũng được trưng bày, sắm sửa không khác gì các ngôi nhà trên đất liền. Ảnh: Kim Anh.

Chiếc bè nổi của gia đình anh Dương Vĩnh Bé những ngày cuối năm cũng được trưng bày, sắm sửa không khác gì các ngôi nhà trên đất liền. Ảnh: Kim Anh.

Năm mới chiếc bè cũng được trang hoàng như ngôi nhà nhỏ, dọn dẹp sạch sẽ. Chiếc bè nhỏ được tận dụng phía trước trồng cây, bên trong là phòng ngủ, còn phía sau chỉ vài mét vuông là khu bếp, vệ sinh, giặt giũ. Cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình anh Bé được cấp sổ tạm trú dài hạn từ đó việc học hành của các con cũng trở nên thuận lợi. Gia đình anh cố gắng làm thêm vài năm để có nguồn vốn, chuyển lên bờ sinh sống, phát triển kinh tế.

Những phiên chợ Tết là dịp để người dân thương hồ kiếm thêm thu nhập ăn Tết. Ảnh: Kim Anh.

Những phiên chợ Tết là dịp để người dân thương hồ kiếm thêm thu nhập ăn Tết. Ảnh: Kim Anh.

Chợ nổi Cái Răng vẫn còn đó rất nhiều hộ dân thương hồ, quanh năm gắn bó với cảnh lênh đênh nước sông để mưu sinh. Những phiên chợ Tết lại trở thành dịp để mọi người kiếm thêm chút thu nhập để ăn Tết. Một cái Tết nữa với dân thương hồ vẫn lại là niềm mong ước một năm mới bớt vất vả mưu sinh.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất