| Hotline: 0983.970.780

Ngành giao thông nhận trách nhiệm các dự án chậm tiến độ, chưa đạt chất lượng

Thứ Năm 09/06/2022 , 16:38 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể nói ngành giao thông vận tải nhận trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm liên quan một số dự án chậm tiến độ, chưa đạt chất lượng.

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể nói ngành giao thông vận tải nhận trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm.

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể nói ngành giao thông vận tải nhận trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm.

Ngành giao thông vận tải nhận trách nhiệm

Ngày 9/6, Quốc hội chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Trong đó bao gồm: Tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc.

Công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT.

Thay mặt ngành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết giao thông vận tải là mạch máu của nền kinh tế. “Ngành GT-VT luôn luôn phấn đấu để cố gắng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao và trong những nhiệm kỳ qua”, ông nói.

Bộ trưởng cho biết, đến thời điểm này, một số dự án giao thông trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào khai thác rất hiệu quả. Bên cạnh đó cũng có một số dự án chậm tiến độ, chưa đạt chất lượng, có biểu hiện lãng phí.

“Trong thời gian vừa qua, Quốc hội đã chất vấn ngành giao thông về các dự án BOT, Bộ đã nghiêm túc tiếp thu, thực hiện các kết luận của Quốc hội. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, vẫn có một số dự án chậm tiến độ, chưa đạt chất lượng, chậm giải quyết các vấn đề BOT”, lãnh đạo Bộ GV-TV chia sẻ và khẳng định thêm, ngành GT-VT nhận trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm này.

Cân đối dự án cao tốc giữa các vùng miền

Trả lời câu hỏi về việc triển khai thực hiện các tuyến đường cao tốc đang còn mất cân đối giữa các vùng, miền, Bộ trưởng cho biết, Bộ GT-VT và các Bộ, ngành, địa phương liên quan đang tập trung triển khai quyết liệt các dự án, công trình giao thông trọng điểm như: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, đúng như một số đại biểu đã chỉ ra, trong danh sách bổ sung các tuyến cao tốc vào quy hoạch này, khu vực phía bắc vẫn được ưu tiên với chiều dài chiếm gần 2/3, còn lại là khu vực phía nam và miền Trung Tây Nguyên.

Để khắc phục tình tình trạng “lệch pha” trong đầu tư cao tốc hiện nay, Bộ trưởng cho biết vừa qua một số tuyến cao tốc phía Nam đã được phê duyệt, mạng lưới đường bộ cao tốc trong quy hoạch đã được đánh giá, cân đối kỹ lưỡng về điều kiện khu vực, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế giữa các vùng, miền. Hy vọng rằng với các quy hoạch điều chỉnh thì mạng lưới đường bộ cao tốc tại khu vực miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn thiện hơn, nâng cao tính hấp dẫn khi thu hút đầu tư các tỉnh, thành trong khu vực…

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, các dự án trọng điểm quốc gia đều mang tính liên vùng và trọng điểm của các địa phương. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ. Ban chỉ đạo đã tổ chức họp định kỳ hàng tháng và trực tiếp kiểm tra công trường để kiểm điểm tiến độ, chất lượng và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án.

Về giải pháp triển khai một số dự án đường xuyên rừng quốc gia, rừng tự nhiên mà không làm ảnh hưởng lớn đến rừng và môi trường sinh thái, Bộ trưởng Bộ GT-VT cho biết, Bộ có nhiều giải pháp, đã được ứng dụng trong việc xây dựng đường Hồ Chí Minh xuyên qua rừng Cúc Phương. Có thể thực hiện làm đường trên cao, hoặc để tiết giảm chi phí hơn thì làm đường chừa nhiều cầu, hầm để thú rừng có thể đi lại, tránh làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế bảo vệ rừng sinh thái, rừng đặc dụng. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc làm đường qua rừng đặc dụng là bất khả kháng mới phải làm, sẽ hết sức tránh để bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo các yêu cầu của các tổ chức quốc tế.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết phải ưu tiên bố trí nguồn lực hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc - Nam.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết phải ưu tiên bố trí nguồn lực hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc - Nam.

Ưu tiên bố trí nguồn lực hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc - Nam

Trong phiên chất vấn về lĩnh vực giao thông vận tải chiều 9/6, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000km đường cao tốc, tới năm 2030 hoàn thành 5.000km đường cao tốc.

Trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị đã xác định tuyến đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 phải được hoàn thành, phải ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai dự án này. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình Quốc hội và được Quốc hội thông qua kế hoạch và đầu tư công trung hạn, bổ sung nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội bố trí cho đường cao tốc.

Về các danh mục triển khai đường cao tốc trong giai đoạn 2021 - 2025, sẽ tập trung vào các dự án lớn sau: Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có chiều dài là 654km; tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có chiều dài 729km. Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp này 5 tuyến cao tốc có chiều dài 549km. Như vậy, tổng chiều dài toàn bộ các tuyến cao tốc đang triển khai là 1.932km, số km đường cao tốc đã hoàn thành tới thời điểm hiện nay là 1.290km. Như vậy, tính cả các công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác và các công trình đang triển khai, chúng ta có 3.222km cao tốc.

Về tiến độ triển khai cụ thể các dự án, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được Quốc hội phê chuẩn chủ trương đầu tư năm 2017 với chiều dài 654km, đã khởi công rải rác trong 3 năm 2019, 2020 và 2021, sẽ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2023.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 với chiều dài 729km được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường tháng 1/2022 vừa qua, hiện nay đã triển khai lập dự án đầu tư, kiểm đếm, cắm mốc chỉ giới, lập phương án đền bù, toàn bộ 729km sẽ khởi công vào năm 2022, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025, thông toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025 với tổng chiều dài là 2.063km từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Các tuyến còn lại gồm tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dự kiến khởi công tháng 6/2023 nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác, sử dụng năm 2026.

Xem thêm
ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong: Công an đã xác định nguyên nhân

ĐỒNG NAI Sau khi vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc điều tra nguyên nhân của vụ việc.

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...