Theo kế hoạch, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất về nông nghiệp từ 8h - 8h30 sáng 8/6.
Sau đó, Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực tài chính.
Cụ thể bao gồm, tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội.
Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường; giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới.
Các biện pháp chống thất thu thuế, nhất là trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.
8 giờ 20
Tái khởi động Diễn đàn 970
Trả lời trước Quốc hội về các vấn đề nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, hôm nay Bộ NN-PTNT đã tái khởi động Diễn dàn kết nối nông sản 970 của Tổ công tác 970 – được lập trong lúc 19 tỉnh thành phía Nam bị giãn cách để kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con khi thị trường đóng băng.
Mặc dù có thể không hoàn toàn đúng vai nhưng hoạt động này của Bộ NN-PTNT phần nào góp phần hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho bà con nông dân. Với kinh nghiệm của Tổ công tác 970 trong công tác kết nối tiêu thụ nông sản thời gian qua cho thấy những nông sản từ HTX sẽ ít gặp rủi ro hơn các sản phẩm tự phát bên ngoài.
8 giờ 13
Chúng ta ít khi nghĩ đến cái giá phải trả nếu không thay đổi
Trả lời câu hỏi của đại biểu Thổ Út, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, liên quan giá cả, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng đây là vấn đề thị trường và thị trường thì luôn biến động, qua đó ông cũng cảm ơn Bộ Công thương đã có sự hợp tác kịp thời với Bộ NN-PTNT, siết chặt công tác quản lý thị trường để tránh lợi dụng găm hàng tăng giá vật tư đầu vào nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đã có các chỉ đạo kịp thời đến các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng kinh doanh những mặt hàng này để góp phần giảm thiểu đà tăng giá của vật tư đầu vào.
“Việc tăng giá phải tuân theo quy luật thị trường, chúng ta chỉ có thể giảm thiểu mà thôi”, Bộ trưởng NN-PTNT nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng chia sẻ về việc thay đổi trong sản xuất, có thể tiết kiệm được đến 30-40% chi phí đầu vào nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất như ở ĐBSCL.
Trách nhiệm của Bộ NN-PTNT sẽ có trách nhiệm tổng kết, đánh giá, so sánh từng mô hình này rồi sau đó sẽ lan tỏa, nhân rộng cho bà con nông dân.
“Chúng tôi sẽ kiến nghị với Chính phủ để có chính sách giúp bà con tiếp cận với các mô hình mới vì khi chuyển đổi ít nhất cũng cần cơ chế hỗ trợ để tạo động lực cho bà con”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ thêm.
Bộ trưởng cũng nhắn nhủ với bà con rằng, mọi sự thay đổi đều khó khăn nhưng nếu không thay đổi còn khó khăn hơn nữa: “Chúng ta thường cân nhắc cái giá phải trả nếu thay đổi mà ít khi nghĩ đến cái giá phải trả nếu không thay đổi”.
8 giờ 05
Phát triển nguồn vốn xã hội để phục vụ nền kinh tế nông nghiệp
Đại biểu Bế Trung Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Niềm tin còn được gọi là hồn cốt của vốn xã hội”. Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới quan tâm đến nguồn vốn này. Trong khi các nguồn vốn truyền thống như lao động, tiền, công nghệ, tài nguyên đã tới hạn thì vốn xã hội lại tiềm tàng tái tạo được giàu có, đặc biệt là lúc tồn tại trù phú trong khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số hơn là những vùng khác.
Ông Anh đưa ra câu hỏi: Với vai trò lãnh đạo ngành, Bộ trưởng dành sự quan tâm của mình cho loại vốn này như thế nào? Nếu ở mức cao thì Bộ trưởng có giải pháp gì cho sự phát triển nguồn vốn này để phục vụ cho nền kinh tế nông nghiệp mà Bộ trưởng đang tiến hành?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nguồn vốn xã hội (cũng giống như niềm tin) là vấn đề vô hình. Và, nếu biết chuyển hóa những cái vô hình thành cái hữu hình thì sẽ tạo ra sức mạnh và cộng hưởng cho cái hữu hình.
Người đứng đầu ngành Nông nghiệp nói thêm, người ta phát triển dựa trên nguồn vốn kinh tế (nhà cửa, đất đai, tài sản, ngân khố, con người...) nhưng những nhà kinh tế học gần đây nghiên cứu rằng “bản thân xã hội và văn hóa cũng là một nguồn vốn, hoặc một nguồn lực”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan liên hệ đến Chương trình MTQG xây dựng NTM, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá rằng mang lại một kết quả “to lớn, toàn diện, mang tính lịch sử”.
Đó là nhờ chúng ta tạo được niềm tin của người dân từ các thôn bản, làng xã, niềm tin xã hội và niềm tin người dân. Vốn xã hội đó, cấu kết cộng đồng nông thôn đó đã góp phần rất lớn trong thành quả của chương trình xây dựng NTM mà chúng ta có thể chứng minh bằng những con số cụ thể từ ngày công, từ diện tích đất hiến tặng, bằng sự vào cuộc của người dân...
“Tôi hay dùng từ cái gì hữu hình thì sẽ hữu hạn, cái gì vô hình thì sẽ vô hạn”, Bộ trưởng chia sẻ. "Chúng ta giành được độc lập tự do cũng là do tinh thần đoàn kết, tinh thần cố kết cộng đồng".
Và trong làm ăn kinh tế, sản xuất đời thường, chúng ta cũng cần một tư duy như thế. Nếu không có tinh thần hợp tác trong đời thường thì sẽ không có hợp tác trong sản xuất kinh doanh, bà con sẽ không vào HTX. Họ sẽ vào HTX một cách thiên cưỡng và một khi bà con có niềm tin rồi thì có một mạng lưới xã hội, thiết chế xã hội ở nông thôn.
Và trong chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025, chúng tôi cũng đã thiết kế một điều khoản để đáp ứng điều này. Đó là xây dựng thiết chế xã hội nông thôn, nhóm xã hội nông thôn cùng với chính quyền cấp cơ sở để tạo ra mạng lưới xã hội, một mô hình xã hội thực sự tham gia vào phát triển xã hội ở nông thôn.
“Tôi cảm nhận được điều này khi đi thăm những mô hình Hội quán ở Đồng Tháp, những mô hình Ngôi nhà trí tuệ ở Hà Tĩnh, những mô hình Nông hội của Gia Lai, đã kích hoạt được sự tham gia của doanh nghiệp", Bộ trưởng cho biết.