53 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra việc cấp mã số cho doanh nghiệp Việt Nam. Xuất khẩu gạo khởi sắc trở lại. Măng cụt được mùa được giá.
Chiều 7/6, Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn bộ trưởng và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn bộ trưởng, với 53 Đại biểu đăng ký đặt câu hỏi.Trả lời câu hỏi của các Đại biểu chủ yếu xoay quanh vấn đề giá vật tư nông nghiệp tăng cao trong khi giá nông sản thấp ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống nông dân và chiến lược, định hướng phân khúc, thương hiệu nông sản Việt trên thị trường quốc tế trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, hoàn toàn chia sẻ và thấu hiếu khó khăn của bà con trong giai đoạn đứt gãy chuỗi liên kết do ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19 vừa qua.Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đã được Thủ tướng phê duyệt xác định rõ, chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường.Do đó, ở góc độ của mình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh và nhất là cao điểm ùn ứ cửa khẩu phía Bắc, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế thấp nhất thiệt hại tới nông dân.Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng cùng các Bộ xác định 3 thị trường lớn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam là Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc, mỗi thị trường này đều đang được xây dựng đề án riêng.Bộ trưởng nhấn mạnh, nền nông nghiệp nước nhà cần phải thoát khỏi tình trạng đi buôn chuyến, thay vào đó là một chương trình xúc tiến bài bản để tiếp cận thị trường với số đông doanh nghiệp tham gia. Rồi từ thị trường đó, chúng ta chuẩn hóa vùng nguyên liệu để đáp ứng từng yêu cầu, từng chủng loại tại mỗi thị trường khác nhau. Đặc biệt, cần lấy thị trường để quy hoạch lại sản xuất thông qua các câu lạc bộ, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu và đặc biệt là các hợp tác xã với nòng cốt là xã viên nông dân.
HẢI QUAN TRUNG QUỐC SẼ KIỂM TRA VIỆC CẤP MÃ SỐ CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
Ngày 7/6, Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định và thực thi cam kết về SPS trong hiệp định thương mại tự do thế giới và cập nhật yêu cầu về SPS tại thị trường Trung Quốc. Ông Ngô Xuân Nam Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, yêu cầu kỹ thuật về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật đang trở thành rào cản lớn nhất cho việc xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới. Trung Quốc đang ngày có nhiều quy định chẽ trong hoạt động nhập khẩu, không chỉ là vấn đề về kỹ thuật như bao bì, nhãn mác sản phẩm mà còn là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sinh vật gây hại… Hiện, phía Việt Nam đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt trên 2.000 mã sản phẩm được phép xuất khẩu sang thị trường này. Dự kiến, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra trực tuyến việc cấp mã số cho các doanh nghiệp Việt Nam sau tháng 6/2023.
XUẤT KHẨU GẠO KHỞI SẮC TRỞ LẠI
Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, thị trường xuất khẩu gạo đang có nhiều tín hiệu khởi sắc nhờ việc Philippines mở hạn ngạch nhập khẩu gạo sớm hơn một tháng Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng hơn 300.000 tấn so với cùng kỳ 2021. Giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện tăng 10 - 15 USD/tấn so với tháng 5. Hiện gạo 5% tấm giao dịch ở mức 423 USD/tấn, gạo 25% tấm giá chào bán tại ngưỡng 403 USD/tấn còn gạo 100% tấm có giá 378 USD/tấn.
MĂNG CỤT ĐƯỢC MÙA ĐƯỢC GIÁ
Từ đầu tháng 6 đến nay, các nhà vườn chuyên trồng cây ăn trái tại tỉnh Trà Vinh đang rất phấn khởi vì măng cụt được mùa, được giá. Măng cụt hiện đang được thương lái thu mua tại vườn từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg so vụ trước. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè, đây là địa phương duy nhất của tỉnh Trà Vinh trồng măng cụt, trong đó có 500ha đang cho trái ở độ tuổi từ 10-20 năm.