| Hotline: 0983.970.780

Ngành gỗ trước sức ép hoàn thuế giá trị gia tăng

Thứ Hai 05/04/2021 , 16:23 (GMT+7)

Tổng cục Thuế đang siết quản lý về việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng gỗ, tuy nhiên, khi thực hiện đã nảy sinh bất cập, trở thành ‘gánh nặng’.

Theo ông Lê Minh Thiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đang gặp một số vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là việc xác minh bảng kê hàng hóa rừng trồng giữa đơn vị xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ và người dân trồng rừng thiếu tính khả thi.

Theo ông Thiện, trong những năm qua, việc tăng cường sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, hạn chế phụ thuộc vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu và bảo đảm an ninh nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu là chủ trương lớn được Chính phủ và Bộ NN-PTNT rất chú trọng.

Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT hướng dẫn rõ nhằm giúp tháo gỡ nút thắt trong hồ sơ lâm sản đối với gỗ rừng trồng trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trồng rừng, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gỗ và doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.

Sản phẩm gỗ của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và có vốn giá trị bình quân thấp, từ 15.000-25.000 USD/container 40ft. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sản phẩm gỗ của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và có vốn giá trị bình quân thấp, từ 15.000-25.000 USD/container 40ft. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Tuy nhiên, việc xác minh bảng kê hàng hóa rừng trồng giữa đơn vị xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ và người dân trồng rừng đang gặp vướng mắc. Theo phản ánh của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ ở Bình Định, Công văn số 2124/TCT-TTKT ngày 22/5/2020 về giải quyết hoàn thuế, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các địa phương thực hiện đối với hàng hóa có nguồn gốc thu mua trực tiếp từ người dân theo bảng kê hàng hóa, phải xác minh trực tiếp đến từng người dân theo yếu tố rủi ro. Khi thực hiện kiểm tra phương tiện vận chuyển phải đối chiếu giữa lịch trình di chuyển từng xe, từng lái xe, những yêu cầu nói trên đã gây khó cho doanh nghiệp”, ông Thiện nói.

Theo phân tích của ông Thiện, chuỗi cung ứng gỗ rừng trồng từ hộ dân trồng rừng đến nhà máy chế biến gỗ là rất dài, phải qua nhiều khâu khác nhau. Từ người trồng rừng đến doanh nghiệp khai thác, vận chuyển, rồi đến doanh nghiệp thương mại trung gian rồi mới đến nhà máy chế biến và phải đi qua nhiều địa phương khác nhau.

Chuỗi cung ứng gỗ rừng trồng từ hộ dân trồng rừng đến nhà máy chế biến gỗ là rất dài, phải qua nhiều khâu khác nhau, từ người trồng rừng đến doanh nghiệp khai thác, vận chuyển… Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chuỗi cung ứng gỗ rừng trồng từ hộ dân trồng rừng đến nhà máy chế biến gỗ là rất dài, phải qua nhiều khâu khác nhau, từ người trồng rừng đến doanh nghiệp khai thác, vận chuyển… Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Ví như tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Định là 2 trung tâm chế biến gỗ của cả nước, nhưng nguồn cung cấp nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước hầu hết nằm ở các tỉnh Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ như Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam… Do đó, khi doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ gỗ rừng trồng thực hiện hoàn thuế GTGT phải xin xác minh trực tiếp từng người dân là bất khả thi, nhất là các doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu lớn. Khi việc xác nhận gặp trắc trở, các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu nguy cơ sẽ chọn con đường đơn giản là ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến chính sách hỗ trợ người trồng rừng, phá vỡ chuỗi liên kết cung ứng trong nước đối với nguyên liệu gỗ. Tiến trình phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ sẽ bị ngưng trệ, bởi đầu ra của gỗ rừng trồng trong nước sẽ bị ách tắt”, ông Thiện phân tích.

Việc bổ sung các hình thức thanh tra, kiểm tra thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ vì phải mất nhiều thời gian để tiến hành các hoạt động này. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Việc bổ sung các hình thức thanh tra, kiểm tra thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ vì phải mất nhiều thời gian để tiến hành các hoạt động này. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Một vướng mắc khác là việc đánh giá nhóm mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ thuộc diện rủi ro cao khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng. Ông Thiện phân tích thêm: Theo Công văn số 429/TCT-TTKT ngày 22/2/2021 của Tổng cục Thuế có yêu cầu rà soát các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao như: Linh kiện điện tử, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng nông lâm thủy hải sản… để thực hiện thanh tra, kiểm tra theo các Công văn số 2928/TCT-TTKT và 4569/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế. Thế nhưng trên thực tế, sản phẩm gỗ của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và có vốn giá trị bình quân thấp, từ 15.000-25.000 USD/container 40ft.

“Nếu xem đồ gỗ có tính rủi ro cao như sản phẩm linh kiện điện tử về mặt giá trị thì hoàn toàn không thực tế và thiếu chính xác. Việc bổ sung các hình thức thanh tra, kiểm tra thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ vì phải mất nhiều thời gian để tiến hành các hoạt động này, càng khó hơn khi hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp vẫn đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19”, ông Lê Minh Thiện phân tích.

Những vướng mắc trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu nguy cơ phá vỡ chuỗi liên kết cung ứng trong nước đối với nguyên liệu gỗ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những vướng mắc trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu nguy cơ phá vỡ chuỗi liên kết cung ứng trong nước đối với nguyên liệu gỗ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Chúng tôi đã đề nghị Tổng cục Thuế có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết bộ hồ sơ gỗ và lâm sản như thế nào là phù hợp với hồ sơ quản lý thuế để thuận lợi cho việc hoàn thuế GTGT. Đồng thời đưa nhóm mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ ra khỏi nhóm rủi ro cao trong công tác hoàn thuế GTGT.

Hiện nay, ngành gỗ đang đi đầu trong việc thực hiện các quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt của các Hiệp định thương mại tự do như: CPTPP, EVFTA; đặc biệt là Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA/FLEGT. Nếu ngành thuế đánh giá các doanh nghiệp gỗ thuộc nhóm rủi ro cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA/FLEGT”, ông Lê Minh Thiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chủ tịch tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, khẳng định.

Xem thêm
Ràng buộc nhiều điều kiện với thương nhân xăng dầu

Thương nhân phân phối xăng dầu có ít nhất 5 cửa hàng trực thuộc, 10 đại lý bán lẻ, có kho bể, phương tiện vận tải sở hữu hoặc thuê trên 5 năm...

Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.