Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Võ Hạnh, trưởng tua trực cấp cứu đêm 13/2 (Mùng 2 Tết) Khoa Cấp cứu cho biết, trung bình mỗi đêm Khoa Cấp cứu tiếp nhận khoảng 300 trường hợp, trong đó khoảng 30 ca nặng. Riêng tại nạn pháo nổ, khoa cấp cứu vừa tiếp nhận 6 trường hợp, có trường hợp nặng bị hoại tử ngón tay.
Cũng theo bác sĩ Võ Hạnh, trong những ngày Tết, bệnh viện luôn phân công đảm bảo số lượng nhân viên túc trực để tiếp nhận những trường hợp khẩn cấp, số bệnh nhân tăng, đặc biệt là những tai nạn trong dịp tết.
“Khoa Cấp cứu không có nghỉ phép và nghỉ lễ, lãnh đạo cũng yêu cầu các y bác sĩ không ra khỏi Thành phố vào thời điểm này để kịp ứng phó, chăm sóc cho bệnh nhân một cách tốt nhất. Đặc biệt trong những ngày này, chúng tôi vừa phải cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn, chấn thương, vừa phải đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19”, bác sĩ Võ Hạnh chia sẻ.
22 giờ ngày 11/2, anh N.N.C (sinh năm 1996, ngụ tỉnh Lâm Đồng) trong lúc chơi pháo và bị pháo nổ vào tay. Ngay sau đó, anh được gia đình chuyển nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 4 giờ 30 ngày Mùng 1 Tết với chấn thương phức tạp và nghiêm trọng.
C. bị dập nát bàn tay phải, mất đốt xa ngón I, đốt gần ngón II, III, trật khớp thang bàn ngón I, gãy hở đốt gần ngón IV. Bên cạnh đó, C. còn có vết thương ở cổ tay, cẳng bàn tay trái và vết thương ở mắt phải.
Các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải nhanh chóng nắn khớp thang bàn, xuyên kim cố định khớp, gắp bỏ xương, tháo khớp bàn ngón II, III và tạo hình mỏm cụt ngón IV tay phải. Đồng thời, cắt lọc vết thương tay trái; khâu sụn mi, tạo hình vết thương vành mi và múc nội nhãn mắt phải. Các bác sĩ cũng tiên lượng, tình trạng hoại tử ở ngón I tay phải của bệnh nhân.
Vào lúc 2 giờ 51 ngày 12/2, B.X.T, (nam, sinh năm 2000, ngụ tỉnh Bình Phước) nhập Bệnh viện Chợ Rẫy với vết thương dập nát bàn tay cũng do chơi pháo và bị pháo nổ vào tay.
Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã khẩn trương tiến hành cắt lọc vết thương cho bệnh nhân, xuyên kim cố định ngón I, ngón II, đồng thời tạo hình mỏm cụt đốt giữa các ngón II, III, IV.
Còn bệnh nhân N.M.P (nam, sinh năm 1987, ngụ Bình Thuận) thì cho biết, trong lúc đang ngồi nhậu đón giao thừa thì bị pháo nổ trúng người, nhập Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 3 giờ 30 ngày 12/2 với vết thương dập nát phức tạp ở bàn tay phải. Bệnh nhân đã được các bác sĩ phẫu thuật tạo hình mỏm cụt đốt giữa các ngón II, III, IV.
Tương tự, một trường hợp tai nạn thương tâm khác do pháo đến từ Bình Thuận nhập Bệnh viện Chợ Rẫy là nam bệnh nhân N.T.L (sinh năm 1979, Bình Thuận), bị pháo nổ làm chấn thương 2 mắt và tay phải. Trong đó, mắt trái bị vết thương mi phức tạp, đứt sụn, vỡ nát nhãn cầu, dị vật ở cùng đồ và nội nhãn nên buộc phải múc bỏ nhãn cầu; còn mắt phải bị rách giác củng mạc... nên được khâu bảo tồn. Và vết thương phần mềm ở bàn tay cho bệnh nhân đã được cắt lọc, xử lý.
Còn tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, trong đêm Giao thừa và Mùng 1 tết cũng đã tiếp nhận 8 ca pháo nổ, trong đó có 1 ca pháo nổ gây dập nát bàn tay ở trẻ em.
23g55’ ngày 12/2, bé N.X.H (sinh năm 2012, ở Bình Thuận) được Bệnh viện Đa khoa khu vực phía Nam Bình Thuận sơ cứu và chuyển lên Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình với vết thương phức tạp mặt lòng và mặt lưng bàn tay, đứt lìa kiểu lột găng đốt xa ngón 2, 3 4, 5, và dập nát lột găng ngón 1 tay trái. Các bác sĩ phải xử trí mỏm cụt ngang đốt giữa ngón 2,3,4,5 tay trái. Hiện tại còn mất da toàn bộ ngón cái, khi ổn định sẽ xoay vạt da che phủ ngón cái
Theo các bác sĩ, tổn thương pháo nổ chủ yếu là tổn thương bàn tay, ngón tay, các tổn thương chủ yếu là da, mô mềm, gân gấp, gân duỗi vùng bàn tay, ngón tay, dẫn đến hoại tử da, gân vùng bàn tay, ngón tay bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng bàn tay, ngón tay.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, tai nạn do pháo nổ rất nguy hiểm, có khi phải điều trị rất dài ngày, thậm chí dẫn đến hoại tử bàn tay, bàn chân… nặng hơn là tử vong. Do đó, người dân cần hết sức thận trọng, không nên chơi, chế, đốt pháo nổ để đảm bảo cái Tết an toàn, lành mạnh, vui tươi.