18h45 ngày 4/6/2009, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh đã tạ thế tại nhà riêng, hưởng thọ 103 tuổi. Tuổi trời cho cụ thật nhiều và cụ cũng đã cống hiến cho xã hội thật nhiều, trái tim của cụ đã đến lúc được phép yên lặng sau một thế kỷ rung động cùng lịch sử đất nước. Tôi nghĩ thế, và tôi tin các con cháu cụ cũng nghĩ thế, khi chứng kiến sự thanh thản của những người thân ngồi xung quanh linh cữu cụ!
Nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh được phong tặng danh hiệu Công Dân Danh Dự TPHCM, nên tư gia của cụ ở số 164 Ngô Gia Tự, quận 10 không xa lạ gì với những người hâm mộ. Tài năng và đóng góp của Võ An Ninh không còn gì để bàn cãi. Cụ như một tượng đài sống của nền nhiếp ảnh Việt Nam. Thế nhưng, những năm cuối đời thì hình ảnh Võ An Ninh râu tóc bạc phơ lại hiện diện như một vẻ đẹp độc đáo của thành phố phương Nam. Sau lần hôn mê sâu rồi hồi tỉnh vào năm 2001, nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh không còn tự đi lại được.
Suốt ngày ông ở trong nhà, nhìn ngắm những tác phẩm của bản thân đang được thời gian bồi đắp giá trị. Cuối tuần, con gái ông đẩy xe lăn cho ông dạo chơi ở trung tâm Sài Gòn. Tôi quan sát nhiều lần, lần nào cũng vậy, hễ cụ xuất hiện trước cổng Nhà hát TP.HCM thì trẻ em và khách người ngoài náo nức hẳn lên. Trẻ em và khách nước ngoài có thể không biết những tác phẩm nổi tiếng của cụ, nhưng nhìn thấy ở cụ một nụ cười phúc hậu của một ông tiên cõi trần. Thế là cụ vui vẻ làm người mẫu chụp ảnh chung với họ. Thậm chí có đứa bé còn nghịch ngợm vuốt râu Võ An Ninh như gặp nhân vật trong truyện cổ tích bước ra đời thường.
Vì ngưỡng mộ và vì công việc làm báo, tôi thỉnh thoảng ghé qua thăm nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh. Có thể tôi giàu trí tưởng tượng, nhưng hình ảnh của cụ trầm mặc đối lập hẳn với đường xá nhộn nhịp bên ngoài. Có nhiều chuyện tôi hỏi, cụ không nhớ rõ để trả lời, nhưng nét mặt hiền từ của cụ thay cho tất cả ngôn ngữ để kẻ đối diện không thấy bất kỳ sự thất vọng nào. Võ An Ninh tóc trắng, râu trắng, lông mày cũng trắng, ngồi giữa những bức ảnh chứng tích một thời, trông ông như một di sản tuyệt đẹp của một quá khứ không thể nào bị lãng quên.
Ý thức rất rõ trách nhiệm gìn giữ cho hậu thế, nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh chia tác phẩm của mình thành ba chủ đề mạch lạc: Nạn đói năm Ất Dậu (1945), Sương mờ Sa Pa và Hà Nội cổ kính. Mấy năm trở lại đây, trí nhớ của cụ có giảm sút, nhưng dường như lý lịch của từng bức ảnh cụ đều thuộc, ngay cả khoảnh khắc đầu tiên ông chụp Sa Pa mùa hè năm 1933. Chỉ có một điều tôi cắc cớ, cụ cười trừ, đó là tên thật và ngày sinh của chính cụ!
Người con gái sống cùng người cha huyền thoại Võ An Ninh, cho biết: Trong nhà có hai thứ cụ xem như báu vật, đó là cái máy ảnh hiệu Zeiss Ikon do cụ mua từ năm 1928 và cái chứng minh thư của cụ được cấp lần đầu tiên ghi rõ tên thật Vũ An Tuyết sinh ngày 18/6/1907. Tất nhiên, hai báu vật này sẽ được lưu giữ trong Bảo tàng Võ An Ninh đang được gia đình xây dựng, sắp khánh thành nay mai.
Nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh đã qua đời. Tôi và các đồng nghiệp làm báo phải thông tin cho bạn đọc như vậy. Thế nhưng, có một điều chắc chắn ai cũng đinh ninh trong lòng mình, mà chúng ta phải nói chính xác hơn, rằng: Nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh đã đi vào cõi bất tử!