Việc UBND tỉnh Lào Cai cho phép hàng tạm nhập tái xuất ồ ạt sang Trung Quốc qua cửa khẩu Mường Khương và cửa khẩu phụ Bản Vược đã gây ra tình trạng nghẽn tắc hàng xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Có điều gì không bình thường ở đây cùng những dư luận không thể bỏ qua và sự bất bình của những DN XNK nông sản Lào Cai...
Quyết định cho hàng tạm nhập tái xuất nhanh chưa từng thấy
Từ ngày 5/6/2014 đến 16/6/2014, ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND Lào Cai ký 3 quyết định cho phép 16 DN được phép tái xuất hàng hóa thực phẩm đông lạnh sang Trung Quốc qua cửa khẩu Mường Khương và cửa khẩu phụ Bản Vược.
Tại Quyết định 1519/QĐ-UBND ngày 5/6/2014 của UBND tỉnh Lào Cai sau một loạt các căn cứ là đến việc xét đề nghị của GĐ Sở Công thương tại tờ trình số 99/TTr-SCT ngày 30/5/2014 và tờ trình số 103/TTr-SCT ngày 4/6/2014, người ta thấy Cty TNHH TM Hoàng Lan được cấp mã số tạm nhập tái xuất ngày 4/6/2014, thì ngay hôm đó DN này được Sở Công thương đề nghị UBND tỉnh Lào Cai cho phép tái xuất. Không chậm trễ, ngày 5/6/2014 UBND tỉnh Lào Cai ký Quyết định cho phép 12 DN (đợt 1) tạm nhập tái xuất hàng đông lạnh sang TQ, trong đó có Cty Hoàng Lan.
Người ta không khỏi giật mình, nếu những khiếu kiện của nhân dân và đề nghị của các cơ quan mà được UBND tỉnh Lào Cai giải quyết ngay tức thì như giải quyết cho các DN tạm nhập tái xuất thì hạnh phúc biết bao?
Theo tìm hiểu của PV báo NNVN, đứng sau những DN tạm nhập tái xuất là các DN Trung Quốc. Họ thuê các DN Việt Nam làm thủ tục tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất sang TQ. Theo nguyên tắc hàng tạm nhập tái xuất phải đi qua cửa khẩu quốc tế và phải chịu thuế nhập khẩu phía TQ. Để tránh bị TQ đánh thuế nên các DN xin Bộ Công thương và UBND tỉnh Lào Cai cho hàng tạm nhập tái xuất qua cửa khẩu phụ Bản Vược.
Trụ sở cơ quan: Hải quan, Kiểm dịch y tế Bản Vược
Bản Vược không có tên trong danh sách cửa khẩu đã mở và cửa khẩu dự kiến mở. Do đó, việc Bộ Công thương và UBND tỉnh Lào Cai gọi Bản Vược là “cửa khẩu phụ” là đánh tráo khái niệm.
Thực chất Bản Vược chỉ là lối mở có sự đồng ý của TQ, nhằm XNK hàng nông sản và phục vụ SX nông nghiệp của cư dân biên giới nên việc cho tái xuất qua Bản Vược là không đúng và bất bình thường.
Chỉ thích hàng tạm nhập tái xuất
Do xuất hiện hàng tạm nhập tái xuất nên một số chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa của Việt Nam qua sông Hồng và nhiều ông chủ “bao bến” phía TQ đã từ chối hàng XK nông sản của Việt Nam. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá bốc xếp và chở hai mặt hàng gạo, đường trắng qua sông Hồng từ 120.000-130.000đ/tấn.
Thuyền chở hết trọng tải 50-70 tấn thì mỗi chuyến được 6,5 triệu đến 9,1 triệu. Trong khi đó chở hàng tạm nhập tái xuất mỗi chuyến có giá 13 triệu/thuyền. Bởi thế, nhiều chủ thuyền phía Việt Nam thẳng thừng từ chối chở hai mặt hàng gạo và đường trắng.
Còn phía TQ, thì các ông chủ “bao bến” cũng từ chối hàng XK gạo, đường trắng bình thường từ phía Việt Nam, họ chỉ thích “bao bến” hàng tạm nhập tái xuất vì được trả giá rất cao. Các DN phía TQ muốn nhập khẩu đường trắng và gạo từ Việt Nam nếu không qua các ông chủ “bao bến” thì không thể lên hàng khỏi bờ sông để đưa vào nội địa.
Trao đổi với một lãnh đạo đơn vị làm nhiệm vụ kiểm tra hàng hóa XNK ở Lào Cai, vị này không đắn đo: Hàng tạm nhập tái xuất lãi rất cao, nên các chủ hàng không ngại chi tiền cho các đơn vị kiểm soát hàng tạm nhập tái xuất ở lối mở Bản Vược. Bởi thế dù phải làm đêm họ cũng rất nhiệt tình...
Các DN XNK của Lào Cai không được XK trực tiếp
PV báo NNVN đã trao đổi với một số giám đốc DN XNK nông sản sang TQ, nhiều người đã tỏ thái độ bất bình trước việc Bộ Công thương và UBND tỉnh Lào Cai cho hàng tạm nhập tái xuất đi qua lối mở Bản Vược, buộc họ phải ký công văn tập thể kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ có liên quan mà báo NNVN đã phản ánh ở những bài viết trước.
Trang đầu Quyết định 1519 của UBND tỉnh Lào Cai và danh sách 12 DN được XK hàng đông lạnh sang TQ, trong đó có Cy Hoàng Lan, đứng thứ 7 trong danh sách
Theo phản ánh của nhiều DN XNK ở Lào Cai, các DN này đủ các điều kiện cũng như các mối quan hệ với các bạn hàng phía TQ để XK hàng hóa trực tiếp sang TQ, UBND tỉnh Lào Cai cũng có công văn đề nghị Bộ Công thương cấp phép cho các DN được XK trực tiếp. Nhưng lạ lùng thay, đề nghị của họ đã bị Bộ Công thương từ chối. Lý do: Không đủ điều kiện.
Chính vì thế, các DN XNK nông sản của Lào Cai phải XK ủy thác cho các DN được Bộ Công thương cấp quota.
Thực chất các DN XK ủy thác phải mua lại quota của các DN được cấp quota mới XK được. Do phải cõng thêm nhiều loại chi phí “bên lề” như vậy, thì các DN XNK khó mà đẩy giá thu mua nông sản cho nông dân lên được.