Theo Vụ Bưu chính (Bộ KH&CN), thời gian gần đây, tình trạng kẻ xấu giả mạo nhân viên của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính để thực hiện lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây mất trật tự an toàn xã hội được báo chí phản ánh khá thường xuyên.
Trước thực tế đó, Bộ KH&CN, trực tiếp là Vụ Bưu chính đã yêu cầu hơn 700 doanh nghiệp được cấp phép, xác nhận thông báo hoạt động bưu chính triển khai một số nội dung công việc để tăng cường công tác bảo đảm an toàn dữ liệu người dùng dịch vụ.
Cụ thể, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính phải thực hiện nghiêm túc quy định nghiêm cấm tiết lộ thông tin sử dụng dịch vụ bưu chính, tại khoản 6 Điều 7 của Luật Bưu chính năm 2015.
Trường hợp có hành vi “Tiết lộ thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính trái pháp luật”, doanh nghiệp sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 15 ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Mức phạt hành chính với hành vi này là từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Bộ KH&CN yêu cầu doanh nghiệp bưu chính tăng cường giải pháp bảo vệ thông tin người dùng. Ảnh: MH.
Bộ KH&CN còn yêu cầu các đơn vị phải bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng dịch vụ bưu chính; trong đó chú trọng bảo mật thông tin người sử dụng dịch vụ bưu chính theo các quy định có liên quan tại Luật An toàn thông tin mạng 2015, Luật An ninh mạng 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Các doanh nghiệp bưu chính rà soát hoạt động của các hệ thống thông tin trong cung ứng dịch vụ bưu chính để đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu của các hệ thống; thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin... Chủ động bảo vệ thông tin người sử dụng dịch vụ bưu chính như: Hệ thống thông tin định danh cuộc gọi của nhân viên bưu chính; mã hóa thông tin trên các bưu gửi như họ tên, số điện thoại, địa chỉ, nội dung hàng hóa...