Những ngày đầu năm 2025, người dân Hà Nội thức dậy với bầu trời xám xịt.
Không phải sương mù, cũng chẳng phải khói bếp, mà là lớp bụi mịn đặc quánh trong không khí. Theo hệ thống quan trắc quốc tế, sáng 7/1, Hà Nội đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI lên tới 264 – mức "rất không tốt cho sức khỏe". TP.HCM cũng không khá hơn khi chỉ số AQI chạm ngưỡng 193.
Bức tranh chất lượng không khí tại Việt Nam tiếp tục trở thành một thách thức nan giải, đặt ra yêu cầu cấp bách về chính sách và hành động.

Chất lượng không khí tại Việt Nam tiếp tục trở thành một thách thức nan giải. Ảnh: UNICEF Việt Nam\Linh Phạm.
Thực trạng đáng báo động
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mức độ ô nhiễm không khí tại Việt Nam trong năm 2024 đã tăng trung bình 10% so với năm trước. Khói bụi từ giao thông, công nghiệp, xây dựng cùng điều kiện thời tiết bất lợi khiến bầu không khí tại các đô thị lớn ngày càng ngột ngạt. Giao thông được xác định là nguồn phát thải chính, cùng với các hoạt động công nghiệp làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm.
Những con số này không đơn thuần là dữ liệu môi trường, mà còn phản ánh nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, trong đó Việt Nam ghi nhận ít nhất 70.000 ca. Tuổi thọ trung bình của người dân giảm khoảng 1,4 năm do tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
Hà Nội học gì từ Bắc Kinh?
Trong khi Việt Nam vẫn loay hoay với các giải pháp mang tính tình thế, Bắc Kinh đã có những bước tiến dài trong kiểm soát ô nhiễm. Một loạt các biện pháp mạnh mẽ như hạn chế phương tiện cá nhân, mở rộng giao thông công cộng, kiểm soát chặt chẽ công nghiệp và sử dụng năng lượng sạch đã giúp thành phố này cải thiện đáng kể chất lượng không khí chỉ sau một thập kỷ.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch "tuyên chiến" với bụi mịn PM2.5 vào năm 2013, Bắc Kinh đã đạt được những kết quả ấn tượng. Các chỉ số ô nhiễm chính đều giảm mạnh: PM2.5 giảm 65,9%, PM10 giảm 50%, NO2 giảm 57,1%, và SO2 giảm tới 88,7%.
Những con số này không chỉ là minh chứng cho sự thành công của chương trình "Cuộc chiến giành lại bầu trời xanh", mà còn là niềm hy vọng cho người dân Bắc Kinh về một tương lai trong lành hơn, một bầu trời xanh hơn.
Nếu không bắt đầu ngay từ bây giờ?
Còn ở Việt Nam, ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn là vấn đề đã hình thành trong nhiều năm gần đây, dù đã có hệ thống chính sách pháp luật khá đầy đủ, nhất là với Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhưng công tác thực thi lại gặp phải không ít khó khăn.
"Chúng ta đã có luật, nhưng nếu không có hành động cụ thể và quyết liệt thì tình hình sẽ không thể thay đổi... Đặc biệt, khi các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM đang bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng, thì trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các lãnh đạo địa phương, phải được xác định rõ ràng và hành động kịp thời”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại cuộc họp toàn quốc bàn về các giải pháp toàn diện và cấp bách để xử lý ô nhiễm không khí tại các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM hôm 27/3 vừa qua.
Các nguyên nhân cũng đã được nhắc đến rất nhiều từ các cuộc họp từ cấp Trung ương đến địa phương, truyền thông cũng đề cập rất nhiều. Để khắc phục tình trạng này và đưa ra những giải pháp căn cơ, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm từ Trung Quốc - quốc gia đã thành công trong việc cải thiện chất lượng không khí của mình.
Bắc Kinh đã mất hơn 20 năm để đạt được những kết quả đáng kể trong việc giảm ô nhiễm không khí. Còn chúng ta? Nếu không bắt đầu ngay từ bây giờ, bầu trời trong xanh vẫn sẽ chỉ là mơ ước của người dân Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay các đô thị lớn.
Đã đến lúc Việt Nam cần hành động quyết liệt để bảo vệ quyền lợi được sống trong môi trường trong lành, không chỉ cho hiện tại mà còn cho các thế hệ tương lai.
Kiểm soát phương tiện giao thông
Hiện nay, theo các chuyên gia, việc kiểm soát phương tiện giao thông đang là bất cập khó triển khai nhất. Lấy minh chứng từ Hà Nội và TP.HCM, là hai địa phương có mật độ phương tiện cá nhân cao, trong khi hệ thống giao thông công cộng chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Việc hạn chế xe máy, thu phí phương tiện vào nội đô hay kiểm soát khí thải xe cũ đều là những chính sách hợp lý nhưng nếu không có phương án thay thế phù hợp, rất dễ gặp phản ứng từ dư luận.

Hình ảnh tóm tắt các biện pháp kiểm soát phát thải chính đối với xe cơ giới từ giai đoạn 1998 - 2017. (nguồn: Viện Nghiên cứu Bảo vệ Môi trường Đô thị Bắc Kinh)
Bài học từ Bắc Kinh cho thấy, muốn kiểm soát phương tiện cá nhân, trước tiên phải nâng cấp hạ tầng giao thông công cộng. Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư vào xe buýt điện, mở rộng hệ thống metro, đồng thời áp dụng chính sách khuyến khích xe điện và siết chặt kiểm tra khí thải với xe cũ.
Bài toán không dễ, nhưng nếu không hành động ngay hôm nay, cái giá phải trả sẽ còn lớn hơn trong tương lai
Trong bối cảnh ô nhiễm không khí như hiện nay, việc kiểm soát phương tiện giao thông không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Giải pháp đưa ra phải có chiến lược tổng thể, kết hợp giữa cải thiện hạ tầng giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân, và kiểm soát khí thải phương tiện, là hướng đi bền vững để xây dựng một thành phố thông minh và sạch đẹp hơn.
Xây dựng hạ tầng giao thông công cộng hiện đại
Một trong những yếu tố quan trọng để giảm bớt áp lực giao thông và ô nhiễm không khí chính là việc phát triển hệ thống giao thông công cộng. Tuy nhiên, đây là một quá trình dài hơi và cần nguồn lực lớn. Theo các chuyên gia, thời gian triển khai chiến lược này có thể kéo dài từ 3 đến 7 năm.
Mở rộng hệ thống xe buýt và tàu điện sẽ là bước đi đầu tiên. Hệ thống xe buýt điện sẽ không chỉ giúp giảm tiếng ồn và tiết kiệm năng lượng, mà còn góp phần làm sạch không khí.
Thêm vào đó, việc tăng cường các tuyến metro sẽ giúp kết nối các khu vực trung tâm và ngoại ô, giảm tải cho các tuyến đường chính. TP.HCM hiện đã có tuyến metro số 1, nhưng cần phải đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện mạng lưới này trong thời gian tới.
Một trong những giải pháp kết nối quan trọng là xây dựng hệ thống vé điện tử liên thông. Người dân sẽ dễ dàng chuyển từ xe buýt sang metro, từ metro sang xe đạp công cộng, chỉ với một chiếc thẻ thông minh. Điều này sẽ tạo ra sự linh hoạt, tiết kiệm thời gian, và giúp giảm áp lực cho phương tiện cá nhân.
Cùng với đó, việc cải thiện hạ tầng cho phương tiện phi cơ giới là cần thiết. Các làn đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ sẽ khuyến khích người dân lựa chọn phương tiện xanh. Học hỏi từ các thành phố phát triển, như Amsterdam hay Copenhagen, sẽ giúp chúng ta xây dựng các không gian giao thông thân thiện với môi trường.

Lộ trình triển khai đề xuất.
Giới hạn xe cá nhân
Bên cạnh việc phát triển giao thông công cộng, một giải pháp mạnh mẽ hơn nữa là hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe ô tô và xe máy. Đây là bước đi cần thiết để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn và ô nhiễm không khí trong khu vực nội đô.
Thu phí phương tiện vào trung tâm là một giải pháp được nhiều quốc gia áp dụng thành công. Hệ thống vành đai thu phí nội đô sẽ được triển khai ở các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Đống Đa ở Hà Nội và quận 1, quận 3 ở TP.HCM. Phí sẽ được tăng cường vào giờ cao điểm để hạn chế số lượng ô tô vào khu vực này, đồng thời các khoản phí thu được sẽ được tái đầu tư vào giao thông công cộng.
Ngoài ra, chính quyền có thể thí điểm cấm xe tại một số tuyến phố trung tâm. Việc này cần có sự chuẩn bị kỹ càng, từ việc cải thiện hạ tầng xe buýt BRT đến việc đảm bảo tính khả thi của các tuyến metro.
Chỉ khi các phương tiện công cộng hoạt động hiệu quả và thuận tiện, người dân mới có thể dễ dàng chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng.

Theo Sở Giao thông công chánh TP.HCM, thành phố đang đối mặt với tình trạng giao thông quá tải, đặc biệt nghiêm trọng vào các giờ cao điểm hoặc khi trời mưa. Ảnh: Trần Phi.
Một trong những giải pháp gây tranh cãi nhưng hiệu quả có thể là chính sách biển số xe chẵn - lẻ. Áp dụng mô hình như Bắc Kinh, các xe biển số chẵn sẽ được phép lưu thông vào ngày chẵn, trong khi biển số lẻ chỉ được đi vào ngày lẻ.
Để thực hiện điều này, việc xây dựng một hệ thống camera giám sát giao thông hiện đại là cần thiết để xử lý vi phạm và đảm bảo tính công bằng.
Kiểm soát khí thải phương tiện
Để đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông, các biện pháp kiểm soát khí thải là điều kiện tiên quyết. Thời gian triển khai các giải pháp này có thể diễn ra từ 1 đến 3 năm, với chi phí không quá lớn nhưng hiệu quả rõ rệt.
Thắt chặt kiểm tra khí thải đối với các phương tiện cũ là bước đi đầu tiên. Cụ thể, xe máy trên 5 năm tuổi cần phải kiểm định khí thải định kỳ mỗi năm, trong khi ô tô cũng cần thực hiện kiểm tra định kỳ để đảm bảo đạt chuẩn. Các phương tiện không đạt chuẩn khí thải sẽ bị cấm lưu hành.
Song song với đó, để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện có sự dụng nhiên liệu sạch, các chính sách hỗ trợ xe điện cần được đẩy mạnh. Chính phủ có thể giảm thuế nhập khẩu, giảm phí đăng ký, và hỗ trợ lãi suất mua xe điện.
Bên cạnh đó, việc mở rộng các trạm sạc nhanh sẽ là yếu tố quyết định giúp người dân dễ dàng sử dụng xe điện, nhất là trong khu vực nội thành.

Những ngày Hà Nội có bầu trời xanh là thời điểm diễn ra trong thời gian giãn cách do COVID19. Ảnh: Khương Trung.
Thí điểm giao chỉ tiêu giảm phát thải
Ngoài ra, một trong những bước đi đột phá cần được thực hiện ngay lập tức là giao chỉ tiêu giảm phát thải tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Việc đánh giá giảm nồng độ bụi mịn PM2.5 sẽ giúp đo lường hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm và là căn cứ quan trọng để đánh giá thành quả của các chương trình kiểm soát chất lượng không khí.
Đồng thời, chính phủ cần chỉ đạo các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng hoàn thành các dự án giao thông công cộng, đặc biệt là hệ thống metro. Việc giảm ùn tắc giao thông không chỉ giúp giảm ô nhiễm không khí mà còn tạo niềm tin và cơ hội cho các giải pháp môi trường khó thực hiện hơn.
Cán bộ nhà nước cần làm gương trong việc sử dụng phương tiện công cộng và khuyến khích người dân tham gia thông qua các ưu đãi như miễn phí vé, tặng voucher hoặc quà tặng.
Tương lai của giao thông đô thị?
Để đạt được mục tiêu kiểm soát ô nhiễm không khí từ giao thông tại Hà Nội, TP.HCM hay các khu đô thị lớn khác tại Việt Nam, một chiến lược tổng thể là điều không thể thiếu. Chúng ta cần phải phát triển giao thông công cộng trước khi hạn chế phương tiện cá nhân, triển khai các chính sách kiểm soát khí thải và thu phí phương tiện hợp lý.
Tuy nhiên, mọi giải pháp phải được triển khai từ từ, thí điểm rồi mở rộng, đảm bảo tính khả thi và sự đồng thuận từ người dân. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường sống trong lành, xanh sạch và bền vững cho các thế hệ tương lai.
Nguồn: Viện Nghiên cứu Bảo vệ Môi trường Đô thị Bắc Kinh, Worldbank, WHO, Cục Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Ảnh: AFP, CNN, Reuters