Cá chết bất thường gây ô nhiễm hàng chục km sông
Nhiều ngày qua, người dân các xã Vũ Quý, Quang Trung (huyện Kiến Xương) phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do cá chết nổi bất thường trên sông Kiến Giang - con sông đào chảy qua địa phận 3 huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải trước khi đổ ra biển tại cửa Cống Lân, cống Kem.
Xác cá chết lẫn vào những vạt bèo bản, cùng với rác thải nổi trên sông khiến dòng sông quê trong lành đổi màu.
Chị Bùi Thị Huyền (xã Quang Trung, huyện Kiến Xương) bức xúc: gần chục ngày qua, trên con sông Kiến Giang xuất hiện tình trạng cá chết bất thường. Xác cá chết nổi trên sông nhiều ngày nhưng không có lực lượng chức năng đứng ra thu gom, xử lý khiến con sông dài hàng chục km bốc mùi hôi thối nồng nặc.
“Ngày nào đi làm qua con đường này tôi cũng phải hít thở mùi hôi thối nồng nặc do cá chết từ sông bốc lên. Không biết nguyên nhân vì sao cá chết, và cũng không có lực lượng nào thu gom, xử lý”, chị Huyền bức xúc.

Điều khó hiểu, cá chết bất thường là những loại cá dọn bể - loại sống khỏe, phàm ăn và thích nghi ở các môi trường, kể cả môi trường nước bị ô nhiễm. Ảnh: Thái Bình.
Để đối phó với mùi hôi thối, người dân đi qua khúc sông này phải bịt khẩu trang, trùm mũ vải kín mít, thế nhưng vẫn không thoát được mùi xú uế. Cá chết nổi trên sông, sau đó chuyển sang màu đen trong quá trình phân hủy khiến nước sông cũng đổi màu.
Điều ngạc nhiên nhất, cá chết trên sông Kiến Giang gần chục ngày qua chủ yếu là các loại cá dọn bể, cá rô phi - những loài được biết có sức khỏe phi thường, có thể thích nghi trong các môi trường khác nhau, kể cả môi trường nước bị ô nhiễm.
Ông Đỗ Văn Dân (xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương) không giấu sự ngạc nhiên: “Những con cá dọn bể to cỡ bắp tay người lớn không hiểu sao chết nổi nhiều đến thế. Cá dọn bể là loài sống ở tầng đáy, rất khỏe, phàm ăn, có thể nói là “vô địch” trong các loài cá ngoại lai. Đến cá dọn bể còn chết, chứng tỏ môi trường nước bị ô nhiễm kinh khủng đến cỡ nào”, ông Dân cho hay.
Theo ông Dân, trên sông đào Kiến Giang không có hộ dân nào nuôi cá bè, cá lồng do con sông này chủ yếu có chức năng tưới tiêu thủy lợi và tiếp nhận nước thải sinh hoạt từ huyện Vũ Thư, thành phố Thái Bình.
“Cá chết chủ yếu là cá tự nhiên, không có cá nuôi nhưng kéo dài vài chục km sông như thế này, số lượng cá chết phải rất lớn. Nếu không sớm xử lý, cả con sông sẽ bị ô nhiễm nặng, không chỉ ảnh hưởng môi trường không khí mà còn liên quan tới tưới tiêu thủy lợi cho đồng ruộng”, ông Dân lo lắng.
Cũng theo ông Dân, các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải… có khá đông các đại điền đang canh tác lúa quy mô lớn, mỗi hộ hiện đang sản xuất cả trăm mẫu ruộng. Vấn đề thủy lợi, tưới tiêu, nguồn nước tưới cho cây trồng… đều lấy từ sông Kiến Giang. Nước sông ô nhiễm do cá chết sẽ ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp của hàng loạt đại điền quê lúa.
Điểm tiếp nhận nước thải sinh hoạt, nước thải khu công nghiệp
Trao đổi với Báo Nông nghiệp và Môi trường, ông Nguyễn Văn Lý, Chủ tịch UBND xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương xác nhận, xã đã báo cáo sự việc lên chính quyền cấp trên để đơn vị quản lý sông Kiến Giang có phương án xử lý sớm, bảo vệ môi trường cho đời sống người dân.
“Tình trạng cá chết đã xảy ra gần chục ngày qua. Cá chết bất thường khiến nước sông bị ô nhiễm, chuyển màu. Chúng tôi đã báo cáo sự việc”, ông Lý xác nhận.

Hàng chục km sông Kiến Giang bị ô nhiễm vì cá chết. Ảnh: Thái Bình.
Cũng theo ông Lý, gần đây, đơn vị vận hành thủy lợi đã xả nước tại cống Lân nên tình trạng ô nhiễm, hôi thối giảm đi phần nào.
Theo tìm hiểu của PV Báo Nông nghiệp và Môi trường, đơn vị vận hành thủy lợi, tưới tiêu liên quan tới sông Kiến Giang là Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình. Công ty này phụ trách toàn bộ hệ thống sông, thủy lợi tại các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải và thành phố Thái Bình.
Một cán bộ thủy lợi tỉnh Thái Bình xác nhận: Với mật độ dân cư đông đúc của thành phố thái Bình và 3 huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải, mỗi ngày sông Kiến Giang tiếp nhận khối lượng rất lớn nước thải sinh hoạt, ngoài ra còn có rất nhiều khu công nghiệp cũng đấu nối xả nước thải sau xử lý vào sông.
Để tránh tình trạng sông bị ô nhiễm, quá tải, cần thường xuyên lấy thật căng nước từ sông Trà Lý, sau đó mở cửa xả tại cống Lân mới có thể thau dọn, lưu thông nước sông Kiến Giang. Nếu lơ là, không thau nước sẽ rất dễ xảy ra những tình trạng cá chết, nước sông ô nhiễm.
PV Báo Nông nghiệp và Môi trường đã liên hệ với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình nhưng chưa nhận được phản hồi.