Có mặt tại sông Mã, đoạn thôn Vân Cát và thôn Vân Bằng xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa chúng tôi chứng kiến cảnh hàng trăm mét đê kè của 2 thôn này sạt lở, nhiều đoạn đá lăn xuống tận bờ sông, cột ngăn bờ sông cũng đã bị vỡ toác nằm chỏng chơ, bậc lên xuống sông Mã để bà con lấy nước tưới cho ruộng màu cạnh đó cũng đã bị nước sông cuốn đi, nằm trơ chọi. Nhiều chỗ lên xuống khác, do đã bị nước sông cuốn trôi đã lâu, bà con không lên xuống được đã bị cỏ lau mọc um tùm bao quanh.

Bờ kè đã bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Văn Dũng.
Nhiều người dân cho biết, trước kia bãi đất ruộng này rất rộng, nhưng do sạt lở bên này cứ tiến dần vào ruộng, bên bờ huyện Vĩnh Lộc lại bồi ra. Trước đây, từ bờ ruộng kéo xuống mép sông Mã có độ dốc thoai thoải, nhưng nay toàn bộ nhũng mái đê đó không còn nữa, chân đê đã bị tụt đá đất đều bị dòng nước cuốn đi, nhiều đoạn nước sông đánh vào tạo thành hàm ếch trông nhất sợ, nhất là vào mùa mưa bão đang đến gần nếu như nước lũ dâng cao.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Vân Cát cho biết: Sau trân lũ lụt lịch sử trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2007, nước sông Mã dâng cao, tràn vào làng, nước sông dâng cao đến hơn 2 mét so với mặt đường. Do nước lũ dâng cao, cả đoạn sông đi qua thôn đều bị sạt lở, nên đến năm 2008, tỉnh Thanh Hóa đầu tư đoạn kè này. Khi đoạn kè này làm xong người dân thôn Vân Cát và Vân Bằng rất vui mừng vì từ nay không còn cảnh lo âu sạt lở mỗi khi mùa mưa bão đến.

Nước sông Mã ăn sâu vào bờ đê tạo thành hàm ếch. Ảnh: Văn Dũng.
Nhưng sau trận mưa lũ năm 2018 cộng với việc thủy điện xả lũ, khai thác cát sỏi lòng sông, đoạn kè này có hiện tượng sạt lở dẫn đến toàn bộ đoạn kè đang bị trôi theo dòng nước. Hiện tại, toàn bộ đoạn kè này có chiều dài khoảng 400 mét đã bị sạt lở hầu hết, nếu tính cả những đoạn chưa kè mà sạt lở thì nhiều hơn. Như đoạn gia đình ông Trần Ngọc Chế, hiện đã bị nước sông Mã xâm thực mất khoảng 2 sào đất trồng mía.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thôn Vân Cát và Vân Bằng có khoảng 5,8 ha đất màu dọc theo sông Mã (trong đó thôn Vân Cát có khoảng 3,1 ha, thông Vân Bằng khoảng 2,7 ha) chủ yêu bà con trồng ngô, cỏ cho trâu bò.

Đất đá tụt xuống mép sông. Ảnh: Văn Dũng.
“Năm 2023, Hội đồng nhân dân huyện Cẩm Thủy về tiếp xúc cử tri tại xã Cẩm Vân, tôi đại diện cho người dân thôn Vân Cát nói về việc sạt lở bờ kè sông Mã đoạn chạy qua thôn. Sau đó ít ngày có đoàn về kiểm tra thực địa, nhưng từ đó cho đến nay cũng không có động tĩnh gì. Nếu như nhà nước không bó biện pháp kè khẩn cấp đoạn này thì nguy cơ sạt lở váo khu dân cư là rất cao, vì hiện tại toàn bộ bờ kè đã bị sạt lở, tụt hết xuống mép sông, khoảng cách từ bờ sông vào Khu dân cư có đoạn chỉ còn khoảng 60 mét, trong khi mùa mưa bão đang đến gần, nếu như có trận lụt như năm 2007 hay năm 2018 thì không biết người dân thôn Vân Cát và Vân Bằng sẽ ra sao?…”, ông Tiến cho biết thêm.

Đất đá tụt xuống mép sông. Ảnh: Văn Dũng.
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường, bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Xã đã nắm được thông tin sạt lở bờ kè và báo cáo lên UBND huyện Cẩm Thủy và huyện đã báo cáo tỉnh, đoàn cũng đã về kiểm tra, sắp tới sẽ có giải pháp cho vấn đề này.