| Hotline: 0983.970.780

Nghiên cứu, sớm xây dựng văn bản luật về biến đổi khí hậu

Thứ Sáu 09/12/2022 , 21:02 (GMT+7)

Các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế nhìn nhận, việc đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành Luật Biến đổi khí hậu ở Việt Nam là rất cần thiết.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ảnh hưởng tới an ninh lương thực, sinh kế và cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội với Dự án thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (MCRP – GIZ) giai đoạn 2021 – 2025 và Kế hoạch hợp tác năm 2022 giữa hai bên, ngày 8/12, tại TP Cần Thơ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với MCRP-GIZ tổ chức Hội thảo “Tình hình ban hành và thực hiện pháp luật ứng phó với BĐKH ở Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2021 và giải pháp trong thời gian tới”.

Ảnh 1

Hội thảo “Tình hình ban hành và thực hiện pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2021 và giải pháp trong thời gian tới”. Ảnh: Trọng Linh.

Theo ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, BĐKH đang có xu hướng diễn biến rất phức tạp, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi thế giới. Đòi hỏi sự chung tay của nhiều quốc gia để đề ra các hành động tăng khả năng chống chịu và ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường. Đặc biệt các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26 trong các hoạt động ứng phó với BĐKH, phấn đấu đạt mục tiêu trung hoà phát thải carbon vào năm 2050 càng cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng đối với vấn đề này.

Ảnh 2

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ghi nhận sự đồng hành của cộng đồng quốc tế chung tay với Việt Nam ứng phó BĐKH. Ảnh: Trọng Linh.

Công tác ứng phó với BĐKH đã được nước ta quan tâm từ những năm 1990. Sau khi Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH được triển khai vào năm 2008, các hoạt động ứng phó với BĐKH đã có những chuyển biến rõ ràng và được đầu tư bài bản hơn.

Quốc hội đã thông qua nhiều Luật có liên quan đến thích ứng với BĐKH. Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành nhiều chiến lược, nghị quyết, quy hoạch liên quan đến BĐKH, nổi bật là Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hay Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH…

Ảnh 4

Nhiều hạng mục công trình hạ tầng thủy lợi đã được đầu tư giúp ĐBSCL ứng phó tốt hơn với BĐKH. Ảnh: Trọng Linh.

Hơn nữa trong từng kế hoạch của các Bộ, ngành cũng triển khai nhiều chương trình ứng phó với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính. Có thể kể đến như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; Xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất; Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030…

Từ đó, đã tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động ứng phó với BĐKH, thúc đẩy phát triển nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh. Kết quả giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2020 tương đối tốt, ước tính đạt mức giảm phát thải khoảng 85 triệu tấn CO2tđ vào năm 2020. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, theo thống kê của Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhờ áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất, năm 2020, đã giảm được 1,5 triệu tấn CO2tđ. Tập trung chủ yếu ở tiểu lĩnh vực canh tác lúa, thức ăn chăn nuôi, quản lý chất thải nông nghiệp.

Với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về BĐKH. Theo GS. Trần Thục (Chủ tịch Hội khí tượng Thủy văn Việt Nam), Luật BĐKH cần “bao trùm” tất cả các lĩnh vực. “BĐKH là vấn đề của sự phát triển, gần đây nhất BĐKH còn là vấn đề của kinh tế, chính trị. Luật Môi trường chỉ nói về vấn đề môi trường, Luật Khí tượng thủy văn chỉ nói về vấn đề kỹ thuật của BĐKH, chưa có Luật nào bao trùm tất cả các lĩnh vực”, GS. Trần Thục cho biết.

Thực tiễn kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, các chuyên gia chỉ ra, khi xây dựng văn bản luật riêng về BĐKH cho Việt Nam, cần xem xét và kết hợp đồng thời 4 vấn đề: Nội luật hóa các cam kết quốc tế về BĐKH mà nước ta đã tham gia; Gắn với quan điểm và chiến lược của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH; Rà soát, tổng kết việc thực thi pháp luật về BĐKH. Và cuối cùng là nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Ông Oemar Idoe, Phó Giám đốc Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam cam kết, GIZ sẽ cùng chung tay hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược quốc gia về BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2022 - 2030.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Đồng Xoài sẽ là đô thị 'hiện đại, sinh thái, thông minh'

Đó là kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Chính quyền tỉnh Bình Phước tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (26/12/1974 - 26/12/2024).

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.