| Hotline: 0983.970.780

Phát triển đô thị thông minh để ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ Sáu 04/11/2022 , 09:11 (GMT+7)

Để ĐBSCL thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, hướng đến xây dựng đô thị thông minh, các chuyên gia cho rằng cần tìm giải pháp giải bài toán thoát nước trong đô thị.

Kết hợp nhiều giải pháp giải quyết bài toán thoát nước đô thị

Trong tháng 10 vừa qua, nhiều địa phương vùng ĐBSCL ghi nhận tình trạng triều cường dâng cao, gây ngập lụt cục bộ tại khu vực đô thị. Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra là do tác động nhanh của biến đổi khí hậu (BĐKH). Từ đây, việc quản lý thoát nước đô thị trong bối cảnh BĐKH trở thành vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của cơ quan quản lý, nhà khoa học, tổ chức quốc tế.

Ảnh 1

Các chuyên gia cho rằng, để phát triển đô thị bền vững thích ứng với BĐKH cần giải bài toán thoát nước đô thị. Ảnh: Kim Anh.

Để tìm kiếm, xác định giải pháp phát triển đô thị bền vững tại TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung trước bối cảnh BĐKH, tại Hội thảo “Phát triển đô thị bền vững thích ứng BĐKH” nhiều chuyên gia cho rằng, thoát nước đô thị là bài toán quan trọng cần phải giải quyết.

Đánh giá về thực trạng ngập lụt đô thị, PGS.TS Lê Anh Tuấn, cố vấn khoa học Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, vấn đề này xảy ra ở hầu hết các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, TP Cần Thơ và cả vùng cao ở Đà Lạt.

Vấn đề ngập lụt đô thị đã được rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học đưa ra lý giải với nhiều cách khác nhau. Nhưng nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất là quá trình phát triển đô thị hóa nhanh, khiến những vùng trữ nước bị thu hẹp. Theo phân tích của chuyên gia Lê Anh Tuấn, việc xây dựng hệ thống đê bao ở phía thượng nguồn, dẫn đến những vùng không trữ được nước dồn qua những vùng khác. Tại khu vực đô thị, bê tông hóa quá nhiều, trong khi ở những vùng thấp như ao hồ lại bị lấp đi, kéo theo khả năng thoát nước bị giảm. Hơn nữa, ông Tuấn nhìn nhận, hiện nay hệ thống thoát nước trong đô thị còn bất cập, không có khả năng thoát khi lượng nước tăng cao.

Ảnh 2

PGS.TS Lê Anh Tuấn, cố vấn khoa học Viện nghiên cứu BĐKH, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, cần khôi phục lại những vùng trữ nước tự nhiên để giải bài toán thoát nước đô thị. Ảnh: Kim Anh.

Thời gian qua, việc đặt nặng các giải pháp công trình nhiều hơn giải pháp phi công trình đã dẫn đến tình trạng ngập lụt đô thị diễn ra nghiêm trọng hơn. Ông Tuấn cho rằng, cần khôi phục lại những vùng trũng để trữ nước. Quan trọng là cần có những giải pháp mềm như khôi phục lại những vùng thấm hút nước tự nhiên, ao hồ trữ, xử lý rác thải ở các cống và nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư. Thoát nước đô thị cần kết hợp nhiều giải pháp để mang lại hiệu quả, góp phần giải bài toán thoát nước đô thị.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, vấn đề ngập lụt trong những ngày đỉnh triều cường đó là tự nhiên, khó ngăn cản. Vì thế, người dân phải chấp nhận, trong một năm sẽ có một số ngày và một số giờ bị ngập, từ đó điều chỉnh lại cách thức sinh hoạt, đi lại, sản xuất phù hợp.

Phát triển mô hình đô thị thông minh

Mô hình đô thị thông minh đã trở nên quen thuộc tại nhiều quốc gia trên thế giới, có thể kể đến như New York, London, Singapore, Paris… Tại Việt Nam, thời gian qua nhiều địa phương trên cả nước đã bắt đầu triển khai, phát triển mô hình này và đạt được những kết quả tích cực.

Ảnh 3

Phát triển đô thị thông minh ở vùng ĐBSCL cần tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Ảnh: Kim Anh.

Tỉnh Thừa Thiên- Huế, được các chuyên gia đánh giá có nhiều nét tương đồng với TP Cần Thơ trước tác động của BĐKH. Để hỗ trợ người dân ứng phó với BĐKH, thời gian qua, địa phương này đã triển khai, tăng cường ứng dụng công nghệ thông qua việc hình thành Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC).

Hàng loạt các giải pháp giám sát, ứng phó với BĐKH được triển khai như: Tổng đài nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trong mùa bão lụt hay chức năng SOS hỗ trợ người dân về các vấn đề liên quan đến sức khỏe, thực phẩm, cứu nạn cứu hộ… Các giải pháp được kết nối đến tận địa bàn cấp xã, đơn vị cơ sở trực tiếp gần nhất với người dân, để từ đó địa phương có những hỗ trợ kịp thời.

Đặc biệt là kênh thông báo, cảnh báo được triển khai trên ứng dụng đô thị thông minh, với hơn 800.000 người dân đã cài đặt và sử dụng. Ông Bùi Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm giám sát, điều hành đông thị thông minh tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, thông qua ứng dụng này, các thông tin cảnh báo liên quan đến các vấn đề thiên tai, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh đều tiếp nhận được. Vì vậy, công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh phát huy hiệu quả rất cao.

Ảnh 4

Bà Nguyễn Kim Hoàng, cán bộ dự án GIZ bày tỏ, TP Cần Thơ cần thiết phát triển mô hình đô thị thông minh để ứng phó với BĐKH. Ảnh: Kim Anh.

Từ hiệu quả thực tế tại tỉnh Thừa Thiên- Huế, bà Nguyễn Kim Hoàng, cán bộ dự án Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho rằng, phát triển đô thị thông minh là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 đang bùng nổ mạnh mẽ. Đặc biệt, với vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ cần thiết phát triển mô hình này, để đáp ứng những nhu cầu cũng như mong muốn của người dân đô thị trong ứng phó với BĐKH.

Đồng quan điểm trên, ông Võ Minh Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ chỉ ra, để TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung thích ứng với BĐKH, nhất là vấn đề ngập lụt đô thị, cần một hệ thống điều hành thông minh. Hệ thống đô thị thông minh này sẽ đưa ra các cảnh báo tuyến đường và thời gian ngập, từ đó ngành chức năng có thể điều tiết các vấn đề liên quan đến hệ thống giao thông, thời gian học tập của học sinh.

Mới đây, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 3771/QĐ-UBND phê duyệt, công bố danh mục 63 hồ, kênh/rạch không được san lấp trên địa bàn thành phố để phục vụ nhiệm vụ tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng. PGS.TS Lê Anh Tuấn đánh giá đây là một trong những giải pháp tích cực để giải quyết vấn đề ngập lụt ở TP Cần Thơ.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Để Ba Chẽ không chia cắt trong mùa mưa bão

Huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông, đảm bảo người dân không bị 'ngăn sông, cách suối' trong mùa mưa bão.