| Hotline: 0983.970.780

Ngôi trường xây từ nhựa tái chế đầu tiên tại Việt Nam

Thứ Sáu 09/09/2022 , 10:06 (GMT+7)

Ngày 9/9, ngôi trường xây từ nhựa tái chế đầu tiên tại Việt Nam đã được bàn giao cho thầy trò huyện Mường Khương (Lào Cai).

Ngôi trường được xây dựng bằng nhựa tái chế tại thôn Ngải Phóng Chồ, xã Cao Sơn (huyện Mường Khương, Lào Cai). Ảnh: T.L.

Ngôi trường được xây dựng bằng nhựa tái chế tại thôn Ngải Phóng Chồ, xã Cao Sơn (huyện Mường Khương, Lào Cai). Ảnh: T.L.

Tại lễ bàn giao trường có sự tham dự của bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Hạn chế rác thải nhựa

Theo đó, ngôi trường được xây dựng tại điểm trường mầm non mới tại thôn Ngải Phóng Chồ, xã Cao Sơn (huyện Mường Khương, Lào Cai). Một điều rất đặc biệt, ngôi trường được xây dựng toàn bộ từ các vật liệu xây dựng được tái chế từ rác thải nhựa nhưng vẫn có kiến trúc, màu sắc độc đáo…

Ông Lê Ngọc Dương, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết, rác thải nhựa hiện đang là vấn đề gây nhức nhối toàn cầu. Rác thải nhựa rất khó phân hủy và có thể tồn tại hàng trăm, hàng nghìn năm; gây ra tác động rất lớn đến đất đai, môi trường sống, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật…

Theo thống kê, hiện có hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên Trái đất, làm biến đổi môi trường sống, tác động lớn đến các loài sinh vật, thậm chí giết chết hàng triệu sinh vật mỗi ngày. Rác thải nhựa khi bị đốt sẽ tạo ra các khí thải độc hại với sự sống. Vì vậy, loại rác thải này đã và đang dẫn loài người tới thảm họa “ô nhiễm trắng”.

Trước tình trạng đó, con người đang cố gắng hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa để hạn chế rác thải nhựa; đồng thời đẩy mạnh việc nghiên cứu tái chế rác thải nhựa thành các loại vật liệu xây dựng; biến rác thải thành tài nguyên để bảo vệ môi trường sống. Tuy nhiên, đây là vấn đề còn mới và có rất nhiều khó khăn về công nghệ, thiết bị tái chế và hiệu quả kinh tế nên chưa được đầu tư nhiều cả trên thế giới và trong nước.

Một góc ngôi trường xây bằng nhựa tái chế đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: T.L

Một góc ngôi trường xây bằng nhựa tái chế đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: T.L

“Chúng tôi được biết, đơn vị tài trợ xây dựng điểm trường này là một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực xây dựng các dự án chống biến đổi khí hậu. Qua hơn 20 năm thành lập và phát triển, công ty đã thực hiện hơn 100 dự án giảm thiểu lượng carbon trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối; cung cấp nước uống an toàn và thu gom tái chế rác thải nhựa để sản xuất ra các loại vật liệu xây dựng, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và các tác động của hiệu ứng nhà kính.

Và ngôi trường được khánh thành hôm nay là một trong những minh chứng cho sự thành công và đóng góp trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và tái chế rác thải nhựa nói riêng”, ông Lê Ngọc Dương, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương nói.

Cô trò huyện nghèo vùng cao Mường Khương phấn khởi có ngôi trường mới xây bằng nhựa tái chế rất đặc biệt. Ảnh: T.L.

Cô trò huyện nghèo vùng cao Mường Khương phấn khởi có ngôi trường mới xây bằng nhựa tái chế rất đặc biệt. Ảnh: T.L.

Tác phẩm nghệ thuật giữa núi rừng biên cương

Điểm trường này được xây dựng với tổng diện tích trên 1.000 m2, gồm 3 lớp học, 1 bếp ăn và 2 phòng công vụ, đảm bảo nhu cầu dạy và học cho khoảng 100 trẻ em mầm non. Công trình mới được khởi công từ ngày 1/6/2022, với sự quyết tâm, cố gắng và nỗ lực của nhà tài trợ, sau 3 tháng thi công đến nay công trình đã hoàn thành đúng vào dịp năm học mới và tết Trung thu.

Điểm trường mầm non thôn Ngải Phóng Chồ, xã Cao Sơn không chỉ là một công trình xây dựng mà còn là một tác phẩm nghệ thuật, tổng thể khung cảnh như một bức tranh nhiều sắc màu giữa núi rừng vùng cao.

Công trình này giúp cho hơn 60 cháu học sinh mầm non ở thôn Ngải Phóng Chồ có trường, lớp học hiện đại, khang trang, sạch đẹp; đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ của các cô giáo Trường Mầm non xã Cao Sơn. Ngoài ra, ngôi trường này còn là một điểm nhấn và điểm đến nổi bật của xã Cao Sơn, huyện Mường Khương.

Bà con nhân dân phấn khởi vì có trường mới cho các con. Ảnh: T.L

Bà con nhân dân phấn khởi vì có trường mới cho các con. Ảnh: T.L

Được biết, Mường Khương là huyện nghèo 30a thuộc vùng núi, biên giới có đông đảo đồng bào các dân tộc cùng chung sống. Thời gian qua, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, nhà nước, huyện đã được đón nhận sự quan tâm hỗ trợ động viên bằng cả vật chất và tinh thần của nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Lào Cai, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Đặc biệt là việc hỗ trợ xóa nhà tạm, xây dựng cơ sở trường lớp học, thiết bị; xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo; chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách, người có công,…

Được biết, kinh phí và vật dụng sân chơi để xây dựng ngôi trường này khoảng 5,5 tỷ đồng, trong đó chi phí xây phần cứng 2,2 tỷ đồng.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.