| Hotline: 0983.970.780

Để trẻ em nghèo, trẻ khuyết tật có thể đi học như thời bao cấp

Thứ Bảy 23/07/2022 , 09:14 (GMT+7)

Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trò chuyện với ông Ngô Văn Thịnh - Phó Vụ trưởng, Phụ trách Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) - để làm rõ thêm về vấn đề học phí.

Ông Ngô Văn Thịnh - Phó Vụ trưởng, Phụ trách Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT).

Ông Ngô Văn Thịnh - Phó Vụ trưởng, Phụ trách Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT).

Thưa ông, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tham mưu những gì cho Chính phủ, để có những chính sách nào đảm bảo cho trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật vẫn có thể đi học như thời bao cấp?

Để trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật có thể đi học như thời bao cấp, Bộ GD-ĐT đã tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành Luật Giáo dục 2019, Nghị định 81/2021/NĐ-CP; trong đó quy định có chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật, học sinh vùng sâu, vùng xa, cụ thể:

- Về miễn học phí: Khoản 2 và Khoản 4 Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP đã quy định đối tượng miễn học phí gồm: "Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên khuyết tật" và "Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ".

- Về hỗ trợ chi phí học tập: Khoản 10 Điều 20 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP đã quy định nâng mức hỗ trợ chi phí học tập từ 100.000 đồng/học sinh/tháng lên 150.000 đồng/học sinh/tháng để hỗ trợ thêm kinh phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật mua sắm sách giáo khoa và đồ dùng học tập.

Theo đó, tại khoản 2 và khoản 3 Điều 18 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP đã quy định đối tượng được hưởng hỗ trợ chi phí học tập gồm: "Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông bị khuyết tật" và "Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ".

Như vậy, hiện nay Nhà nước đã có các chính sách về miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em thuộc hộ nghèo và trẻ em là người khuyết tật, góp phần hỗ trợ giúp các em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em là người khuyết tật được tiếp tục theo học, không vì lý do điều kiện, hoàn cảnh kinh tế khó khăn phải dừng học, thôi học; đảm bảo thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với trẻ em, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em là người khuyết tật được thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập đã được quy định tại Luật Giáo dục năm 2019.

Năm 2016, Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo về việc miễn học phí cho học sinh THCS theo lộ trình. Trong đó, Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học. Tại sao “lộ trình” phải kéo dài đến tận bây giờ (năm 2022), thì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn mới đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS trên cả nước từ năm học 2022 - 2023 tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 4-7/2022. Khó khăn, vướng mắc chính là ở đâu?

Năm 2016, Bộ GD-ĐT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chính sách miễn, giảm học phí (Báo cáo số 645/BC-BGDĐT ngày 06/9/2016). Trong đó đề xuất miễn học phí toàn bộ cho học sinh mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông theo lộ trình.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó chưa thực hiện được đề xuất này vì 2 lý do cơ bản là:

(1) Luật Giáo dục 2005 chỉ quy định chính sách miễn học phí cho đối tượng yếu thế, vùng khó khăn (cụ thể: Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người mồ côi không nơi nương tựa, người tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế, người có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn vượt khó học tập), chưa quy định miễn học phí cho tất cả các cấp học.

(2) Ngân sách Nhà nước còn khó khăn nên chưa đủ kinh phí để thực hiện chính sách cấp bù học phí cho các cơ sở giáo dục bảo đảm hoạt động bình thường (khi không còn ngồn thu học phí). Vì vậy, để có đủ cơ sở pháp lý cũng như bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước.

Trong quá trình tham mưu, xây dựng Luật Giáo dục 2019, Bộ GDĐT đã đề xuất chính sách trong Luật Giáo dục 2019 và được Quốc hội thông qua. Cụ thể, tại khoản 5 Điều 99 Luật Giáo dục năm 2019 quy định: “Học sinh trung học cơ sở được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định”.

Để thực hiện Luật Giáo dục 2019, khi xây dựng Nghị định số 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí; chính sách miễn, giảm học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ GD-ĐT đã đề xuất trong dự thảo cho phép miễn toàn bộ học phí của học sinh THCS từ năm học 2021-2022 nhưng theo ý kiến của các Bộ, ngành, do dịch bệnh Covid-19 vẫn đang bùng phát mạnh ở nước ta, ngân sách đang tập trung ưu tiên nguồn lực để chống dịch nên chưa thể thực hiện miễn ngay toàn bộ 100% học sinh THCS từ năm 2021 mà cần thực hiện theo lộ trình, trước mắt thực hiện trước đối với vùng đặc biệt khó khăn.

Chính vì vậy, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP đã quy định miễn học phí đối với học sinh THCS theo lộ trình, cụ thể: Học sinh THCS vùng đặc biệt khó khăn được miễn học phí từ năm học 2022-2023; Học sinh THCS các vùng còn lại được miễn học phí từ năm học 2025-2026.

Hiện nay, nền kinh tế đã bước đầu phục hồi sau đại dịch, theo báo cáo của Bộ KHĐT cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP 06 tháng đầu năm 2022 đạt con số ấn tượng tăng 6,42%, tăng trưởng GDP cả năm khả năng sẽ vượt mục tiêu 6-6,5%. Đồng thời để chia sẻ khó khăn cho phụ huynh học sinh, Bộ GDĐT tiếp tục đề xuất chính sách miễn học phí cho toàn bộ học sinh THCS, để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính cho phụ huynh và học sinh.

Chính vì vậy, Bộ GDĐT đã có Tờ trình số 722/TTr-BGDĐT ngày 29/6/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất thực hiện miễn học phí cho toàn bộ học sinh THCS. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang xin ý kiến các địa phương để phối hợp Bộ Tài chính đánh giá tác động đến ngân sách Nhà nước để báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Để trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật có thể đi học như thời bao cấp, Bộ GD-ĐT đã tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành Luật Giáo dục 2019, Nghị định 81/2021/NĐ-CP (Ảnh minh họa).

Để trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật có thể đi học như thời bao cấp, Bộ GD-ĐT đã tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành Luật Giáo dục 2019, Nghị định 81/2021/NĐ-CP (Ảnh minh họa).

Trong thực tế, khi học sinh đến trường, các phụ huynh phải đóng rất nhiều khoản phí khác mà mức tiền có khi cao hơn gấp nhiều lần học phí như tiền xây dựng trường, bảo trợ học đường, tiền mua sách giáo khoa, tiền mua dụng cụ thực hành, tiền học kỹ năng sống, tiền học tin học và tiếng Anh… và tình trạng dạy và học thêm... - nói gọn là tình trạng lạm thu. Trong khi, chủ trương xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam xưa nay là mục tiêu “tất cả trẻ em đều phải được đến trường.” Vậy, với tư cách là nhà quản lý giáo dục tầm quốc gia – Bộ GD-ĐT có giải pháp gì ngăn tình trạng lạm thu?

Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện một số giải pháp để ngăn tình trạng lạm thu như sau:

- Khi xây dựng Luật Giáo dục 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu, đề xuất Quốc Hội quy định rõ cơ chế và thẩm quyền thu và quản lý học phí, các khoản thu dịch vụ trong hoạt động giáo dục, cụ thể tại điểm b, khoản 6, Điều 99, Luật Giáo dục 2019 quy định: "Đối với các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định".

Căn cứ quy định này, các địa phương đã quy định cụ thể một số dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục của Nhà trường được phép thu theo đúng quy định của địa phương. Các dịch vụ không có quy định thì không được thu.

- Đối với học phí: Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ban hành ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, trong đó quy định cụ thể mức thu học phí và cơ chế thu, quản lý học phí. Trong đó học phí thực hiện lộ trình tính đủ chi phí theo Nghị quyết 19/NQ-TW để các cơ sở giáo dục có thể bù đắp chi phí, không còn tình trạng thu ngoài học phí.

- Đối với các khoản thu từ viện trợ, tài trợ, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2019 quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó yêu cầu việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.

Đồng thời, yêu cầu Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh theo quy định của Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD-ĐT ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

- Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chung về giáo dục trên phạm vi toàn quốc theo Nghị định số 127/2018/NĐ-CP, hằng năm, Bộ GD-ĐT đều có văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở các địa phương phải thực hiện thu, chi tại các cơ sở giáo dục phải tuân thủ theo đúng quy định, tránh để tình trạng lạm thu gây khó khăn cho phụ huynh học sinh.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra tại các địa phương thực hiện nhiệm vụ đầu năm học, trong đó kiểm tra việc thu, chi tại các cơ sở giáo dục và kiểm tra việc thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục tại các địa phương, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm quy định về thu, chi; các cơ sở giáo dục đã thực hiện các khoản thu trái quy định của Nhà nước dưới bất kỳ hình thức nào đều phải trả lại học sinh và gia đình học sinh.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt, phổ biến rộng rãi các văn bản chỉ đạo chấn chỉnh thực hiện các khoản thu, chi đến các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục; yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ biến, tuyên truyền cho cha mẹ học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên hiểu rõ quy định, từ đó thực hiện quyên góp, ủng hộ trên cơ sở tự nguyện, công khai minh bạch giữa phụ huynh và cơ sở giáo dục theo đúng quy định.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương tăng cường quản lý Nhà nước về thực hiện các khoản thu chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn; có trách nhiệm hướng dẫn, thực hiện thanh kiểm tra, áp dụng chế tài xử lý mạnh các trường hợp vi phạm quy định về thực hiện các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

- Bộ GD-ĐT tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính thực hiện nghiêm túc quy định tại Luật Giáo dục (sửa đổi) bố trí kinh phí chi thường xuyên cho các địa phương, bảo đảm cơ cấu tối đa 81% chi lương và các khoản có tính chất lương và tối thiểu 19% để chi giảng dạy, học tập và quản lý nhà trường theo quy định. Theo đó, các cơ sở giáo dục sẽ được bố trí đủ kinh phí chi cho con người và chi phục vụ học tập, giảng dạy, góp phần giảm bớt tình trạng lạm thu thời gian vừa qua.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

(Thực hiện)

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.