Chục ngày nay ngư dân ở Quảng Bình, Quảng Trị thu gom được rất nhiều cá chết. Sau hiện tượng cá chết là một loạt hệ lụy đi kèm.
Ăn không ngồi rồi
Ông Mừng, một ngư dân nổi tiếng ở thị trấn Cửa Tùng thuộc huyện Vĩnh Linh, mặt thẫn thờ nhìn ra biển với giọng buồn buồn.
Trước kia chiến tranh bom đạn rơi không biết bao nhiêu xuống biển nhưng cá có chết đâu, nay đùng đùng những con cá quý như mú, hồng, thiều... sống tầng đáy và quanh các rạn san hô thì chết thê thảm. Nhà ông Mừng có 4 lao động biển mấy ngày nay cùng hàng xóm đi nhặt cá tấp vào bờ để tiêu hủy, chứ không ra khơi đánh cá nữa, vì có đánh mang cá về cũng chẳng ai mua .
Ông Mừng nghi nghi, ngờ ngờ tại sao lại chết những loại cá đặc sản đắt tiền. Những loại cá cơm, duội, nục... bán được rất ít tiền thì không chết. Vậy có ai dã tâm với biển, với các loại nòi giống cá đặc sản mang thương hiệu của Việt Nam không?
Trước đây, thuyền ông đi đánh cá rạn ở đáy biển mỗi chuyến thu được 15 đến 20 triệu đồng, thì nay có mơ ngày đó cũng không trở lại nữa rồi, cá rạn đã chết hết. Cá rạn có giá trị kinh tế cao, chủ yếu bán cho các nhà hàng, các điểm du lịch. Bây giờ khách không dám ăn, nên ngư dân không biết bán cho ai.
Rồi ông chỉ tay sang ngôi nhà phía bên kia cầu Cửa Tùng. Đó là chợ cá Cửa Tùng, trống huơ trống hoác không một bóng người. Ngư dân không ra biển đánh cá. Trên chợ, trên bờ không còn bóng tư thương tấp nập thu mua như những ngày trước. Kéo theo một hệ lụy ghê gớm cho tất cả các mặt đời sống xã hội. Mà trước hết là bữa cơm hàng ngày không có cá, chỉ mỗi thịt heo, giá thịt heo được đà tăng vụt.
Chợ miền biển vắng lặng
Cả thị trấn Cửa Tùng có 7/11 thôn làm nghề đi biển thì nay có đến 70% ngư dân không đi biển được nữa vì sự cố cá chết ngoài tưởng tượng. Ngày 24/4 vừa qua, thị trấn tổ chức đi theo 5 km dọc bờ biển tìm cá chết để tiêu hủy. Nhìn cá chết mà không ít ngư dân đỏ hoe đôi mắt. Vì bình thường không phải khi nào họ cũng đánh được những con cá đặc sản ngon đến vậy.
Chủ tịch xã Gio Việt, huyện Gio Linh, ông Nguyễn Thanh Lương cho biết, nhiều ngư dân liên tục gọi điện thoại vào máy chủ tịch xã đòi giúp tìm việc làm. Phụ nữ thì đến gặp trực tiếp chủ tịch xã yêu cầu giải quyết việc làm trong thời gian thất nghiệp.
Hiện tại 70% lao động nghề biển của Gio Việt ở nhà, không đi đánh cá nữa. Họ ăn không ngồi rồi, đi làm thuê cũng chẳng ai kêu. Vì ở biển các dịch vụ lao động đều liên quan đến thủy hải sản, bây giờ cá chết tất cả mọi hoạt động đều nghỉ theo. Xã có 113 tàu thuyền đánh cá nay chỉ còn 10 chiếc ra khơi mỗi ngày đánh lưới vây và pha xúc để bắt mực, cá duột, cá cơm.
Nguy cơ thiếu đói
Cá chết, biển nhiễm độc, ngư dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) như đang ngồi trên lửa, nguy cơ đứt bữa đang cận kề.
Ba xã biển gồm Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy) vốn khó khăn từ lâu. Đặc thù đây là vũng biển bãi ngang nên bà con sinh sống bằng nghề biển ven bờ chứ không có đội tàu xa bờ. Nghề cá vùng lộng chỉ đủ ăn là cũng may rồi chứ không thể nói đến còn của ăn, của để.
Cả ba xã có trên 1.000 thuyền bờ nan (loại thuyền gắn máy có công suất nhỏ) đánh cá cách bờ vài chục sải nước bà con thường cứ tối đi sáng hôm sau về hoặc tùy theo con nước, luồng cá mà sáng rạng đi, tối chiều về. Tuy nhiên từ hôm cá biển chết bất thường tới nay, vùng biển bãi ngang này vắng lặng hẳn, không còn cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền, xe cộ chạy chở cá vùn vụt nữa.
Ông Ngô Văn Ngãi, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Trung lo lắng: Từ hôm có chỉ thị cấp trên cấm khai thác đánh bắt cá, mỗi ngày vũng bãi ngang mất đứt trên tỷ đồng, chưa kể các dịch vụ hậu cần như đèn dầu, đá lạnh, sơ chế nắm, nước mắm...
Nuôi cá lóc cũng “chết” theo cá biển chết
Trong ba xã bãi ngang, Ngư Thủy Bắc có đội thuyền đông hơn cả. Dọc bờ biển, thuyền đã được kéo lên bờ để từng hàng dài. Gặp tôi, ngư dân Ngô Văn Diên lội xuống mép bờ biển xem hôm nay cá chết nhiều hay ít rồi quay lên đứng thẫn thờ trước mũi thuyền than: Nhà có 5 miệng ăn, chỉ trông chờ vào con thuyền nhỏ. Trước mỗi ngày 3 cha con đi biển cũng kiếm được triệu bạc chi tiêu, nay biển nhiễm độc không còn đi được, cả nhà đang phải chạy vay mượn tiền tiêu.
Ông Diên cho hay, không hiểu biển nhiễm độc kiểu gì mà những loài sống ở biển vốn có sức chịu đựng tốt cũng chết. Hôm trước, bà con còn vớt được rùa nặng khoảng 30 kg, cá chình lớn cỡ 25 kg, cá duống 20 kg chết dạt vào bờ phải khiêng đi chôn lấp. Hiện đang là mùa chính cá nục, có ngư dân bạo gan cho thuyền ra biển, nhưng đi cả ngày cũng không kiếm nổi 5 cân cá.
Chợ Ngư Thủy Trung nằm sát bến thuyền, thường ngày khá tấp nập người mua kẻ bán. Mỗi ngày cũng có từ 3-5 tấn cá được mua bán ở đây. Bây giờ chợ chỉ có năm, sáu phụ nữ đang xúm quanh một chị bán rạm (cua đồng).
Ông Trần Quang Cả - Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc tính toán: Nếu cứ tình trạng cấm biển kéo dài từ một đến vài tháng thì người dân vùng bãi ngang sau khi vét hết những gì gọi là tài sản để mua gạo, thực phẩm để cầm cự là sẽ lâm vào thiếu đói, mà thiếu tới 80% chứ chẳng chơi!