| Hotline: 0983.970.780

Cá chết, chợ hải sản vắng hoe, ngư dân ngắc ngoải

Thứ Ba 26/04/2016 , 08:32 (GMT+7)

Cá chết ở các tỉnh miền Trung do độc tố gây ra nhưng độc tố là gì mãi đến giờ này Bộ TN-MT vẫn chưa xác định được. Sự chậm trễ, lúng túng của cơ quan chức năng trong lúc nước sôi lửa bỏng này khiến người dân hết sức bức xúc. Dưới biển cá chết, trên bờ người ngắc ngoải vì không thể ra khơi, không dám ăn cá.

Đã xác định được nguyên nhân khiến cá chết ở các tỉnh miền Trung do độc tố gây ra nhưng độc tố là gì mãi đến giờ này đơn vị chủ trì là Bộ TN-MT vẫn chưa xác định được. Sự chậm trễ, lúng túng của cơ quan chức năng trong lúc nước sôi lửa bỏng này khiến người dân hết sức bức xúc. Dưới biển cá chết, trên bờ người ngắc ngoải vì không thể ra khơi, không dám ăn cá.

Dân tẩy chay hải sản

Vùng biển các tỉnh Bắc Trung bộ từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế mấy tuần nay dậy sóng. Ngư dân, người nuôi trồng thủy sản thì khóc ròng vì không thể ra khơi; tôm, cá chết ào ào mà không rõ nguyên nhân. Các cơ quan chức năng đã nhận định biển bị đầu độc, nhưng lại chưa thể tìm ra độc tố là gì.

Trên bờ, các chợ thủy hải sản vắng như “chùa bà Đanh”, ai cũng nơm nớp lo sợ chẳng dám ăn cá - thức ăn vốn được người tiêu dùng cho là an toàn nhất. Ven bờ biển mùi hôi thối từ cá, tôm chết bốc lên nồng nặc, chẳng còn là vùng biển du lịch với món đặc sản “mực nhảy” Vũng Áng nữa.

20-25-13_nh2
Bà Nguyễn Thị Linh cho hay, người dân thị xã Kỳ Anh đang rất hoang mang và không còn dám ăn hải sản

Sáng 25/4, có mặt tại chợ hải sản phường Kỳ Phương, hình ảnh chúng tôi ghi nhận được là cảnh vắng hoe kẻ bán, người mua. 3 dãy ki ốt trước đây vốn dành cho các hộ dân buôn bán thủy hải sản nay đều đóng cửa im ỉm. Bà Nguyễn Thị Linh ở thôn Ba Đồng phải thốt lên một câu: “Cá chết, biển bị đầu độc, người cũng chết đói”.

Bà Linh cho biết, cách đây hơn 20 ngày thủy hải sản bày bán lấn cả ra QL1A nhưng bây giờ không tìm nổi một con tôm, con cá giữa chợ. Một phần vì cá dưới biển không còn, thuyền bè đi đánh bắt từ 3 - 4 tạ cá/ngày giảm xuống còn 20 - 30 kg/ngày, đã thế về bán cũng không ai mua nên cả làng (ngư dân Kỳ Lợi chuyển lên khu TĐC Kỳ Phương) phải kéo thuyền lên bờ cả tuần nay.

“Đầu mùa đánh bắt năm nay, thuyền của gia đình tôi đi gần bờ nhưng mỗi ngày cũng được 3,5 tạ cá đục, bán với giá 50.000 đ/kg, mỗi ngày thu hơn 17 triệu đồng. Hơn tuần nay cả gia đình 8 miệng ăn không làm ra đồng nào, cứ kéo dài thêm thời gian nữa chúng tôi chết đói thật”, bà Nguyễn Thị Linh nhấn mạnh.

Chung nỗi hoang mang, anh Nguyễn Quang Sâm ở thôn Tây Hà, xã Kỳ Hà, nói: “Bữa tôi xem trên truyền hình thấy Phó Chủ tịch tỉnh Đặng Ngọc Sơn nói người dân cứ yên tâm ăn cá, tắm biển Vũng Áng. Tôi không biết ông ấy nói đùa hay thật, nhưng dân Kỳ Hà bây giờ không ai dám ăn cá, bởi ngay những loài cá sống ở tầng đáy cũng chết đột ngột, không rõ nguồn gốc, lỡ ăn vào rồi bây giờ không sao nhưng ai biết sau này sẽ ảnh hưởng thế nào?”.

18 hộ dân xã Kỳ Lợi kinh doanh bè nổi với món ăn đặc sản “mực nhảy”, hệ lụy từ việc biển bị đầu độc chính là những khách hàng xuống biển gọi ăn đồ “rừng”.

Chị Vui, chủ quán Trung Thành cho hay, trước khi xảy ra hiện tượng cá chết, thời điểm buổi trưa các nhà để xe chật như nêm, khách tứ phương đổ về Vũng Áng ăn uống, bình quân mỗi ngày chị thu gần 30 triệu đồng cả vốn lẫn lãi. Đặc biệt, dịp 30/4 - 1/5 những năm trước, đến thời điểm này, lịch phục vụ, đặt khách đã kín nhưng năm nay vẫn chưa có một khách nào đặt trước.

20-25-13_4
20-25-13_nh5
Chợ hải sản phường Kỳ Phương và bè nổi Vũng Áng vắng như chùa bà Đanh

Chiều 25/4, ông Hoàng Dật Thuyên, Giám đốc Trung tâm an toàn vệ sinh môi trường (Tập đoàn Formosa Đài Loan) xác nhận: Trong 4 tháng qua, Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã nhập về 296 tấn hóa chất. Tuy nhiên, số hóa chất chủ yếu dùng tẩy rửa đường ống là HCl và NaOH. Liên quan đến vấn đề mỗi ngày xả thải 12.000m3 có báo cáo cơ quan chức năng hay không, FHS nói rằng: “Mỗi tháng Cty chỉ phải báo cáo bằng văn bản 1 lần”.
Còn việc nghi ngại FHS chôn đường ống thải chìm không ai kiểm soát được, đại diện FHS lý giải, nếu xả thải gần bờ sẽ ảnh hưởng tới hệ sinh thái ven bờ nên Cty chôn đường ống ngầm dưới biển và xa 1,5km thì sẽ đảm bảo hơn. Và cũng không thể nào thi công đường ống nổi được.

Chủ bè nổi Diện Thanh thì tếu táo: “Dịp này năm trước, hễ thấy chỗ để xe trống là khách nêm xe vào, níu lấy chủ quán để gọi mâm, đặt món. Thế mà năm nay, cả chủ và khách trực mãi ở nhà xe cả ngày cũng không “nhặt” được khách nào. Chỉ mong cơ quan chức năng sớm có kết luận để những hộ kinh doanh như chúng tôi được nhờ”.

377 tàu cá gần bờ đi về đâu?

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh nói rằng, thị xã đang rất lo lắng cho số phận của 377 tàu thuyền đánh bắt gần bờ của ngư dân các xã Kỳ Lợi, Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Phương.

Bao đời nay, hàng nghìn hộ dân sống dựa vào biển, đặc biệt như dân Kỳ Lợi dù đã di duyển lên khu TĐC nhưng hơn 100 chiếc tàu thuyền ngày ngày vẫn ra khơi mưu sinh. Tuy nhiên, từ ngày biển bị đầu độc, hầu hết số tàu trên ra khơi bữa đực bữa cái.

Anh Hoàng Đức Chính (32 tuổi) ở phường Kỳ Phương nói: “Đói đầu gối phải bò. Chúng tôi biết người tiêu dùng quay lưng với con cá, sản phẩm đánh bắt về không bán được nhưng cứ ở nhà cũng chết.

Hai hôm nay khoảng 100/300 tàu thuyền nhỏ khu vực biển Kỳ Lợi, Kỳ Phương đã vào Quảng Bình đánh bắt nhưng sản lượng giảm hẳn. Với lại ngư dân cũng chỉ đánh cá đục phục vụ xuất khẩu chứ các loại cá khác bán không ai mua”.

Ông Chu Văn Diện ở xã Kỳ Lợi sắm thuyền công suất 24CV để đánh bắt gần bờ. Mỗi ngày, hai vợ chồng ông đánh được chừng 15 - 20kg cá các loại, đem về nguồn thu trên 2 triệu đồng. Sau khi treo thuyền hơn 1 tuần do hiện tượng cá biển chết, hôm qua (25/4) vợ chồng ông tiếp tục ra khơi, đánh bắt được một ít cua, ghẹ.

Tuy nhiên, thuyền cập bến nhưng không ai đến hỏi mua. Luộc cua, ghẹ lên vợ con ông sợ cũng chẳng dám ăn, buồn quá, ông lại đổ hết xuống biển. “Sau bữa này, chắc còn lâu lắm ngư dân mới lại ra khơi đánh cá. Đánh về, bán không bán được, ăn không dám ăn thì đi làm gì”, ông Diện buồn rầu.

Ông Diện cũng cho biết thêm, một số đội tàu đánh bắt xa bờ cũng đã treo lưới và ngư cụ. Dù biết là cá đánh bắt xa bờ, ở những vùng không có hiện tượng cá chết nhưng tàu cập cảng cũng không có khách nhòm ngó tới.

Người dân Hà Tĩnh nói riêng, khu vực Bắc Trung bộ nói chung hầu hết đều lo lắng, hoang mang. Sự hoang mang này không phải vì báo chí đẩy sự việc lên mà thực tế chính những ngư dân, người nuôi trồng nói rằng, từ đời cha ông, hàng chục, hàng trăm năm qua họ nuôi tôm, nuôi cá; đi biển nhưng chưa bao giờ chứng kiến biển “chết” kiểu này. Cho nên cũng dễ hiểu vì sao người tiêu dùng quay lưng với hải sản.

Người phát hiện đường ống thải Formosa không “mất tích”

Liên quan đến thông tin, một số tờ báo phản ánh sau khi lặn biển phát hiện đường ống xả thải ngầm của Cty Formosa, báo cáo đến cơ quan chức năng thì anh Nguyễn Văn Thành ở thôn Kỳ Đồng, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh “mất tích” bí ẩn khỏi địa phương.

20-25-13_3
Anh Nguyễn Văn Thành đang đi biển chứ không phải “mất tích” như thông tin một số báo đưa

Trao đổi với NNVN chiều 25/4, anh Thành nói: “Thông tin đó là hoàn toàn thất thiệt, bịa đặt. Biển Vũng Áng không còn cá, tôi phải cùng hơn 1.000 ngư dân Hà Tĩnh ra biển Cửa Hội (Nghệ An) lặn kiếm con cá, con tôm bán lấy tiền trả lãi ngân hàng. Tôi nghe dượng gọi hỏi, sao báo đưa tin em mất tích mà bực mình quá”.

Anh Thành cho biết thêm, ngư trường truyền thống của anh là biển Vũng Áng. Tuy nhiên, vì sự cố cá chết bất thường, trong khi mỗi tuần ở nhà gia đình anh phải trả lãi ngân hàng 19 triệu đồng nên dù không muốn xa vợ con anh cũng phải vươn khơi sang các tỉnh lân cận.

Nói về đường ống xả thải ngầm của Formosa, anh Thành khẳng định: “Anh báo cáo lên cơ quan chức năng và không sợ bất kỳ áp lực nào”. Khoảng 23h, ngày 4/4 khi lặn xuống biển bắt cá anh Thành phát hiện Formosa đang xả thải. Nước thải có màu vàng đục được xả qua đường ống dài khoảng 1.500m, một số đoạn được lấp dưới đá, cát. Cuối đường ống bịt lại và được nối với 3 ống xả vanh 40 cm/ống, đầu ống xả đập bẹp, khi nước thải phun ra như phun sương với tốc độ mạnh.

“Tôi làm thợ lặn bao nhiêu năm, vớt rất nhiều xác người chết nhưng chưa bao giờ sợ hãi. Thế nhưng bây giờ nhắc lại cảm giác nhìn nước thải chảy ra tôi vẫn nổi gai ốc”, anh Thành nói.

Anh Nguyễn Văn Thành cũng cho biết thêm, thời điểm Formosa xả thải khu vực biển Vũng Áng không có con cá nào. 3 ngày sau anh lặn xuống vùng biển thuộc cảng nước sâu Sơn Dương thì những loài cá lớn, nằm ở độ sâu 58m chết rất nhiều, thậm chí đến cả con cá chình trong hang, con sam dưới đáy biển cũng không sống nổi.

“Thời điểm đó tôi bắt một con cá hồng đang sống về cho vợ nấu ăn. Đến chiều tối nấu ăn xong thì vợ tôi chướng, đau bụng, tôi cũng bị đau bụng ngay sau đó”, anh Thành kể.

Xem thêm
Cần sớm ban hành tiêu chuẩn cho các mặt hàng rau quả chủ lực

Hiệp hội Rau quả kiến nghị Bộ NN-PTNT có thêm những chương trình, chính sách để hỗ trợ ngành hàng nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và xuất khẩu bền vững.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Startup Việt thắng giải WorldCup về công nghệ nông nghiệp

Enfarm, doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) nhằm đo và tư vấn cho nông dân về dinh dưỡng cây trồng, đã xuất sắc đạt danh hiệu Market.

Đề nghị mở rộng tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe

Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời cử tri Thái Nguyên về việc đề nghị mở rộng, nâng cấp đoạn cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe.