Quốc sử quán triều Nguyễn không ghi chép tỉ mỉ hành trình của vua Khải Định từ Huế vào Sài Gòn, tuy nhiên sách “Ngự giá như Tây kí” và Thực nghiệp dân báo có nhiều bài tường thuật rất chi tiết chặng đường này.
Theo đó, 6 rưỡi sáng ngày 24 tháng Tư năm Nhâm Tuất (tức ngày 20/5/1922), ngự giá khởi hành ở Huế. 7h7 phút xe bắt đầu chạy ở ga Huế, thành môn phát 21 tiếng pháo. 2 giờ chiều, vua Khải Định xuống sà lúp (tàu đường sông chở khách), có súng mừng bắn 21 tiếng. “Sà lúp đi một lát, thấy ngoài cửa biển kia ẩn ước một dẫy sơn thành đứng chắn ngang mà trên sơn thành ấy thời vừa kéo lên một bức cờ vàng, giữa thêu rồng xanh bay phấp phới, kẻ xa người gần đều hớn hở bao nhau rằng: Ấy là chiếc Porthos (Bột Tốc) của Hoàng đế nước Nam xuất dương vậy. 5h40 tàu nhổ neo, đi về hướng chính nam.
Điều chú ý trong số 200 hành khách trên tàu Bột Tốc là có những sinh viên du học theo cùng: “Kì tàu này có 20 học sinh nước Tàu đi hạng ba, tự xưng rằng học trò cao đẳng, sắp qua nước Phổ để học cơ khí”. “Người nước mình có ba người Nam Kì và một người Bắc Kì cũng đi qua Pháp du học, sánh với học sinh nước Tàu vẫn còn ít”.
Ngày 25 tháng Tư, tàu qua hải phận Bình Định, ngày 26 vào cửa Ô Cấp. Đến 12h tàu vào Sài Gòn. Theo Thực nghiệp dân báo, số 472 ngày 15/5/1922, bài viết “Tây hành lược kí” cung cấp thêm những chi tiết về thủ tục thông quan thời điểm đó: “Chúng tôi xuống phòng mật sát, trình giấy thông hành đặng đem đến tòa Lãnh sự Anh Cát Lợi lấy chữ quan Lãnh sự, vì theo lệ nước Anh, người ngoại quốc qua lại tất phải có giấy thông hành mới được qua các nơi thuộc địa Anh.”
Tác giả Nguyễn Cao Tiêu tả đoạn Khải Định vào Sài Gòn: “Những người đứng xem trên bờ sông đông thành rừng, thành núi, mường tượng như một bầy sao đến chầu ngôi Bắc thần, dẫu người chụp ảnh cho khéo, thợ vẽ cho hay, tưởng cũng khó biểu họa ra được. Tại Sài Gòn, vua Khải Định đến nghỉ ở phủ Toàn quyền, 5 giờ chiều đi xe ô tô xem thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn. Đến 2 giờ chiều ngày 29 tháng Tư âm lịch (tức ngày 25/5/1922) vua Khải Định mới rời Sài Gòn, nhằm hướng chính Tây mà đi sang Pháp.
Ngày 30 tháng đó, tàu đi ngang qua Côn Lôn. Ngày 1 tháng Năm đến Singapore, tại đây Lãnh sự quán Pháp là M. Danjou đem xe ô tô nghinh giá. Tại Singapore, vua Khải Định tặng Lãnh sự Anh một bức kim khánh hạng nhất. Ngày 2 tháng Năm, tàu đi qua eo biển Malacca. Ngày mùng 3, tàu đến cù lao Penang. Ngày 8 âm, tàu đến Colombo. Lãnh sự Pháp đem sà lúp nghênh tiếp. Vua Khải Định và các quan hộ giá lên bờ, có 49 tiếng súng mừng. Tại đây, vua Khải Định “sắc tặng cho quan Lãnh sự Pháp một bức Long bội tinh hạng tư và người chủ xe ô tô một đồng kim tiền hạng ba”.
Hành trình cũng có ngày gặp sóng gió. Sách Ngự giá như Tây kí tả “Ngày 13 (tháng Năm) sóng gió cả ngày, sắt biển mênh mông trông ra hình như muôn hòn sóng mọc khắp tứ vi mà chiếc tàu phải cởi núi mà đi vậy”.
Ấn tượng nhất trong những ngày lênh đênh trên biển từ An Nam tới nước Pháp của vua Khải Định là ở ngày 20 tháng Năm năm Nhâm Tuất, (tức ngày 15/6/1922), qua lời kể của Nguyễn Cao Tiêu: “7 giờ rưỡi sáng, tàu tới cửa kênh Suez, đình lại một lát. Công ti cửa ấy phái người xuống kiểm tàu và có người cháu tứ đại (4 đời) của ông Nguyễn Văn Chấn xuống tàu yết kiến Hoàng thượng.
Phụng Hoàng thượng ban hỏi, người ấy tâu rằng: Hiện đương làm việc ở cửa bế ấy, làm phó xưởng chủ, cha già hãy còn thường nói đến chuyện ngày xưa rất lấy làm cảm động. Ôi, con cháu của một bậc khai sáng công thần từ 100 năm về trước, mà bây giờ ở ngoài trùng dương muôn dặm, lại được gặp gỡ một vị tự hoàng của một đế quốc mà tổ phụ mình đã ra công phò tá từ xưa, duyên hội ngộ xoay vần, tình xưa nghĩa cũ, thực không có thể lấy viết mực mà biên chép ra được”.
Ngược trở lại lịch sử triều Nguyễn đời Gia Long chúng ta biết rằng, Nguyễn Văn Chấn là tên Việt, tên gốc là Philippe Vannier (1762-1842). Theo Marcel Gaultier trong cuốn Vua Gia Long (xuất bản năm 1933 tại Sài Gòn), được NXB Thế giới dịch và xuất bản năm 2020 thì Philippe Vannier là một trong những lính thủy quân “đào binh” của hải quân Hoàng gia Pháp trong chuyến tàu đầu tiên cùng giám mục Bá Đa Lộc sang An Nam giúp Gia Long Nguyễn Ánh (cùng với Oliver Puymane, Dayot, Laurent Barizy de Forsant, Jean Girard…) để đương đầu với nhà Tây Sơn.
Cũng trong dịp gặp gỡ này, vua Khải Định đã “sắc thưởng long bội tinh, kim khánh và kim tiền cho các viên ở cảng Suez, lại sắc thưởng cho người cháu tứ đại ông Nguyễn Văn Chấn một cái kim khánh hạng ba, và vợ người ấy một cái kim bội hạng nhì, lời sắc rằng: “Hoàng đế nước Đại Nam sắc cho người phó xưởng chủ công ti cảng Suez là cháu bốn đời của một vị công thần bản triều Nguyễn Văn Chấn biết rằng ta nhân ngự giá sang Pháp, đi kinh qua cảng này, nhà người đến yết kiến, ta nghĩ đến công lao ngày trước, khôn xiết cảm động, vậy thưởng cho nhà ngươi một cái kim khánh hạng ba, vợ người một cái kim bội hạng nhì đều có tua đeo, và cấp giấy để tỏ nghĩa xưa, còn cha nhà ngươi, thời chờ khi ta đến Pháp có gặp sẽ có biệt đãi”.
Đến buổi sáng ngày 26 tháng Năm, tàu đi ngang qua cửa Toulon, thuộc nước Pháp, và 3 giờ chiều đến cảng Marseille, vua Khải Định lên bờ và bắt đầu có những hoạt động chính của chuyến công du.