| Hotline: 0983.970.780

'Ngự giá như Tây' năm 1922 của vua Khải Định: Công tác chuẩn bị

Thứ Ba 02/11/2021 , 08:50 (GMT+7)

Chuyến đi Pháp (Ngự giá như Tây) của vua Khải Định (tháng 5 - 9/1922) được sách, báo trong nước lúc đó đề cập khá nhiều, từ lúc chuẩn bị đến lúc kết thúc.

Vua Khải Định và hoàng tử Vĩnh Thụy.

Vua Khải Định và hoàng tử Vĩnh Thụy.

“Quốc sử quán triều Nguyễn - Đồng Khánh, Khải Định chính yếu” soạn từ 1922 đến 1923 cho biết, “Châu dụ” của nhà vua trước khi sang Pháp như sau: “Hai năm nay quý Pháp quốc hoàn thành võ công, khúc ca khải hoàn vang dội khắp hoàn cầu. Lại nhân khi nước nhà đương hưởng những ngày thanh bình, trẫm dự định giá ngự sang Pháp để chúc mừng võ công ấy, và bày tỏ mối chân tình thắm thiết nhất, thân ái nhất của ta trong mối quan hệ cùng dắt tay nhau giao hảo giữa hai nước Pháp - Nam được hình thành từ hơn trăm năm nay. Đồng thời thân hành vào yết kiến quý giám đốc Quốc trưởng cùng các Đại thần trong triều đình và các bậc danh sĩ triết học quý quốc để nhân đó tỏ lời cảm ơn đối với những công trình sự nghiệp vĩ đại mà quý quốc đã xây dựng và thi hành ở nước chúng ta".

Nhà vua “thân hành đi xem xét những cách thức văn minh tài trí mà quý quốc sẽ mang sang truyền bá cho nước Nam ta, rồi lại thân hành đi thăm các trận tuyến hồi gần đây và viếng lăng mộ những nghĩa sĩ quý quốc đã vì nước mà quên thân mình, rồi lại thân hành đến tận nơi đặt mộ những quân sĩ nước ta tử trận, tại đó trẫm sẽ thắp ngọn nến thê hương trước mộ để an ủi hương hồn các nghĩa sĩ nước ta đã trung thành với trẫm mà yên nghỉ dưới những nấm mồ, nghìn năm thác gửi lại ở miền đất này. Trẫm dự định vào trung tuần tháng 4 năm nay sẽ bắt đầu khởi hành loan giá sang quý triều đình Pháp” (theo bản dịch của Nguyễn Văn Nguyên, NXB Thời đại, 2012).

Những nội dung này trích từ Lời Châu dụ viết ngày 15 tháng 2 năm Khải Định thứ 7 (1922), cũng được Cơ mật viện cung lục và đã đăng trên báo Thực nghiệp dân báo, số 450, ngày 19/4/1922.

Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, chuyến đi của vua Khải Định “sẽ thực hiện theo thể lệ đối với các vị vua của các nước văn minh châu Âu, tất cả những nghi thức quan quân hỗ tòng đều giảm bỏ hết”, theo đó, chuyến đi này, nhà vua “mang theo một số ấn tỉ, gồm một con dấu Đại Nam hoàng đế chi tỉ, một con dấu Hành tại chi tỉ, một con dấu Khải Định thần hàn, một con dấu Ngự tiền chi bảo, một con dấu Văn lí mật sát cùng với một tấm thẻ Vương mệnh bài, một tấm thẻ Ngự tiền sắc mệnh”.

Chuyến đi này, Khải Định dẫn theo Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại sau này) sang Pháp “học hành để cho sự quảng kiến văn, may đặng ngày sau có đạt đức thành tài, để trước chủ xướng tôn miếu, sau nữa trị nước trị dân cho hợp thời”.

Cùng đi với Vĩnh Thụy, cử Lê Nhữ Lâm “hiện hàm Hồng lô tự khanh, sung chức giảng tập được thăng hàm Thái thường tự khanh, sung chức phụ đạo chữ Hán, phụng Thái tử sang Tây, khi rảnh giờ Tây học, đem Nho học mà giảng bàn”.

Để chuẩn bị đi đường, theo cuốn “Ngự giá như Tây kí” của Nguyễn Cao Tiêu, Nhà in Đắc Lập - Huế ấn hành năm 1923, thì Hoàng thượng sắc rằng: “Trích một phần cấp chỉ kim khánh 1.000 tờ, kim bộ 1.000 tờ, kim tiền 500 tờ, long tinh 480 tờ và ngân tiền 400 tờ đem qua thành Paris; còn một phần nữa kim khánh 150 tờ, kim bội 50 tờ, long tinh 20 tờ, kim tiền 50 tờ và ngân tiền 100 tờ thì đem dùng trong khi đi tàu”.

Một mẩu tin trên Thực nghiệp dân báo.

Một mẩu tin trên Thực nghiệp dân báo.

Trong bài “Ngự giá Âu du”, đăng trên Thực nghiệp dân báo số 475, ngày 18/5/1922, tác giả T.L bình luận: “Trong sự nô nức vui vẻ ấy, mỗi người đều có một quan niệm: Người thì nói, vua ta ngự giá sang Tây phen này ắt có ảnh hưởng tốt cho dân ta, người thì nói Hoàng thượng ta sang Âu châu, Ngài tất xem xét về đường chính trị, kịp đến khi về Ngài sẽ vận dụng cái tinh thần quan sát ấy mà mưu toan về sự tiến bộ của nước nhà làm cho dân ta được nhờ, vân vân”.

Và: “Chúng ta không dám xa vọng rằng, Vua ta sang Pháp phen này có lãnh thụ một món quà gì của Đại Pháp chính phủ đem về mà ban cho chúng ta. Nhưng ta chỉ trông rằng, tấm lòng hòa hảo của hai bên ngày càng đậm đà, dân ta đều được hưởng thụ cái cuộc hòa hảo ấy mà trông mong về bề hạnh phúc và con đường tiến bộ. Chúng ta lại ước ao rằng, chánh (chính) phủ Đại Pháp sẽ chứng minh tấm lòng thân thiện của vua ta đã không nề xa xôi mà đem trình bày với thượng quốc mà tấm lòng ấy chính là tấm lòng công cộng của dân tộc Việt Nam ta vậy”.

Cũng theo tường thuật của Thực nghiệp dân báo (số 492, 9/6/1922), Thượng thư Đông Các Nguyễn Hữu Bài có lời chúc tụng trước lúc lên đường: “Sẽ hết lòng trung ái mà phò tá thánh hoàng trong khi đến nơi Pháp quốc. Lại ao ước rằng, khu phụ giá hồi loan (khi về nước), sẽ đem về mà truyền bá cho quốc dân những điều thực tế rất có ích lợi cho nước nhà; và trong khi ở Đại Pháp, thì bao nhiêu điều văn minh học thuật hay giỏi thế nào sẽ thuật lại mà bổ ích cho cái vận hội văn minh bán khai ở nước ta”.

Khải Định là vị vua triều Nguyễn đầu tiên đi công du nước ngoài. Đương thời, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có tác phẩm nổi tiếng Vi hành (đăng trên báo Nhân đạo năm 1923) để phê phán vị vua này. Chí sĩ Phan Chu Trinh cũng viết thư Thất điều để trách Khải Định.

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Hojlund giúp Man.Utd ngược dòng thành công

Man.United giành chiến thắng quan trọng tại lượt trận tiếp theo Europa League 2024/2025 dù bị dẫn trước.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.