Ngày 8/6, lần đầu tiên Khối Cảnh sát cơ động Kỵ binh thực hiện cuộc diễu hành đầu tiên trước sự chứng kiến của các đại biểu Quốc hội.
Trả lời báo chí sau đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói rằng, Việt Nam từng có lực lượng kỵ binh. Các nước hiện đại cũng dùng lực lượng này để đi tuần tra.
Đại tướng Tô Lâm cũng cho hay, sẽ tiếp tục nội địa hoá, sử dụng giống ngựa trong nước. Ông Lâm lấy ví dụ như ngựa Bắc Hà, ngựa của đồng bào vùng núi, quen thuộc với địa bàn.
Vậy, ngựa Bắc Hà có đặc điểm gì để có thể làm kỵ binh?
Ngựa Bắc Hà không to, cao nhưng có sức bền và được bà con sử dụng làm ngựa thồ hàng hoá phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Ở Bắc Hà đường sá đã được bê tông hoá nhưng những chú ngựa thồ vẫn có giá trị riêng biệt bởi tập tục của bà con vùng cao sống ở những triền núi cheo leo thì chỉ có những chú ngựa bản địa mới có thể mang vác được hàng hoá.
Chính vì vậy, việc chọn ngựa phục vụ cho sản xuất hay cho việc lại cũng đặc biệt.
Ông Vàng Văn Giang là "kỵ sĩ" đua ngựa nhưng cũng có rất nhiều kinh nghiệm trong việc chăm nuôi, chọn ngựa.
Ông Giang cho biết, với người dân vùng cao thì con ngựa không chỉ có giá trị vật chất mà còn là người bạn, giúp người dân trong nhiều việc nặng nhọc, mang vác nhưng bao thóc, bao mận cho bà con…
“Để có một con ngựa khoẻ, người ta phải chọn những con ngựa có vóc dáng cao ráo, cơ bắp săn chắc, răng đều, bờm dày… Khi chạm vào những chú ngựa này người ta có thể cảm nhận được sức khoẻ dũng mãnh của chúng. Cũng có thể cưỡi một vài vòng trước khi quyết định mua những chú ngựa này về, bởi địa hình dốc đá những con ngựa tốt sẽ thể hiện qua mỗi bước chạy, nhịp thở của chúng, ông Giang nói.
Cũng theo kinh nghiệm của bà con vùng cao Bắc Hà, ngựa từ 4-7 tuổi có phong độ tốt nhất và muốn biết tuổi chính xác của chúng có thể kiểm tra răng. Song con ngựa khoẻ cũng phải có chủ tốt, để chúng được huấn luyện về tính nết bởi cũng có con hung dữ, có con hiền lành, bướng bỉnh…
Với loài ngựa bản địa Bắc Hà, chúng có sức khoẻ dẻo dai, ít bị ốm và có thể chịu được thời tiết khắc nghiệt. Song để ngựa khoẻ cũng phải chăm sóc chu đáo như cho ngựa ăn thêm ngô, thóc, đậu tương thay vì ăn hằng ngày.
Những chú ngựa thồ ở Bắc Hà không chỉ giúp ích cho bà con, mà hằng năm những chú ngựa thồ có thể trở thành những con ngựa đua.
Giải đua ngựa Bắc Hà có từ xa xưa và là môn thể thao của đồng bào dân tộc ở vùng đất này, thể hiện tinh thần thượng võ. Còn những "kỵ sĩ" chính là bà con những người nông dân người Mông, Tày, Nùng… hằng ngày vẫn ra đồng với chú ngựa của mình.
Cũng theo kinh nghiệm của bà con nuôi ngựa, để có con ngựa thồ tốt, đặc biệt khi tham gia đua trước một tháng có thể trộn trứng với cỏ để ngựa tăng được sức khoẻ hơn bình thường.
Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bắc Hà, cho biết, Bắc Hà có khoảng hơn 3.600 con ngựa, trong đó có cả ngựa làm thực phẩm và ngựa thồ. Các con ngựa này là ngựa thuần chủng Bắc Hà. Ngựa Bắc Hà có thân nhỏ nhưng sức bền rất cao.
Tuy nhiên, việc chăn nuôi ngựa có đặc thù riêng bởi giống ngựa ăn cả đêm và ăn tương đối sạch nếu không sẽ bị bệnh đường ruột. Đặc biệt cỏ phải thái ngắn ngựa mới ăn hết.
Ngựa Bắc Hà gắn với đời sống người dân Bắc Hà lâu đời, giúp bà con vận chuyển lúa, ngô, khoai, sắn và thồ hàng… nên được người Bắc Hà yêu quý như những người bạn.
“Một con ngựa thường có tuổi đời khá dài, và để sinh sản ngựa phải đạt khoảng 27-30 tháng mới có thể đẻ được. Mỗi con ngựa Bắc Hà hiện có giá khoảng 20 triệu đồng. Ngựa Bắc Hà tuy có hình thể nhỏ, gióng chân nhỏ nhưng sức bền rất cao".
Trả lời về việc ngựa Bắc Hà có thể sử dụng cho lực lượng kỵ binh, vị Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bắc Hà cho rằng "cần phải chọn con ngựa to hơn so với bình thường để nhân giống". Còn về việc huấn luyện cho ngựa Bắc Hà không khó.