| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Người dân đồng bằng cần nhìn biến đổi khí hậu bằng ánh mắt tích cực

Thứ Bảy 24/09/2022 , 17:30 (GMT+7)

Cần Thơ Đã đến lúc người dân đồng bằng cần nhìn biến đổi khí hậu bằng ánh mắt tích cực, cùng tìm giải pháp đi lên thông qua sự đồng hành của các tổ chức quốc tế.

Ngày 24/9, tại TP Cần Thơ, Bộ NN-PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng ĐBSCL và lễ công bố báo cáo hướng tới nông nghiệp xanh ở Việt Nam chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp”.

Đã đến lúc người dân đồng bằng cần nhìn biến đổi khí hậu bằng ánh mắt tích cực hơn, để tìm giải pháp đi lên thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Ảnh: Hoàng Vũ.

Đã đến lúc người dân đồng bằng cần nhìn biến đổi khí hậu bằng ánh mắt tích cực hơn, để tìm giải pháp đi lên thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Ảnh: Hoàng Vũ.

Đây là cuộc hội thảo được Bộ trưởng Lê Minh Hoan hoan nghênh vì được thiết kế với ít bài phát biểu và thuyết trình. Các cuộc thảo luận cũng mang tính cởi mở và tương tác nhiều hơn. Mục tiêu là biến sự kiện này trở thành một diễn đàn hiệu quả. Đây sẽ là một khởi đầu tốt cho việc thiết kế chương trình tích hợp, dài hạn về khả năng chống chịu với khí hậu và phát triển bền vững của ĐBSCL.            

Phát biểu gợi mở đầu hội thảo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã trích dẫn bài báo “Đồng bằng chờ đợi” của Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Bộ trưởng nói, “Bài viết của một người bạn tốt” đã đặt ra những thao thức vì sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL.            

Trích dẫn tiếp bài báo với tựa đề “Tương lai của miền Tây” đăng trên báo Vnexpress.net của nhà văn Trương Chí Hùng: “Nếu cứ tiếp diễn tình trạng cha mẹ đi làm công nhân, cho con cái nghỉ học rồi lên ở trong các căn phòng trọ chật chội gần khu công nghiệp, suốt ngày với chiếc điện thoại hay máy chơi game, chúng ta xem như đã tước mất tuổi thơ và tương lai của những đứa trẻ này. Và tương lai của miền Tây phụ thuộc vào những thế hệ đang dần bị tước mất tuổi thơ và quyền được học hành đó”. Bộ trưởng Lê Minh Hoan trích dẫn một câu hỏi đau đáu.

Từ một vài trích dẫn trên, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL chuyển cách nhìn. Thay vì đặt câu hỏi từ cái gói tài trợ này địa phương mình được gì thì nên đặt câu hỏi theo tư duy mới đồng bằng mình được cái gì.

“Chúng ta phải mở rộng tư duy liên kết và cách tiếp cận mới. Tôi chưa nói tới đồng vốn nhưng nói tới cách tiếp cận mới. ĐBSCL sẵn lòng thay đổi, chủ động thay đổi, đón nhận sự thay đổi, để tránh “bị thay đổi” hay “thay đổi trong tình thế bị động”. Mục tiêu không chỉ hạn chế thấp nhất sự “tổn hại” từ các tác động bên ngoài, mà còn là khả năng hồi phục nhanh nhất sau các “tổn hại”, Bộ trưởng nói.

Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho ĐBSCL

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ rằng: Ngành nông nghiệp cho dù đạt rất nhiều thành tựu, vẫn là nhân tố đóng góp quan trọng vào việc phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Đã đến lúc bắt buộc phải chuyển đổi sang phương thức canh tác carbon thấp hơn – càng chần chừ lâu, chi phí sẽ càng cao. Kinh nghiệm cho thấy Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, thông qua phân bổ đầu tư công một cách chiến lược. Tăng cường môi trường thuận lợi cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp xanh và hiện đại.

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết 120 đã đánh dấu sự khởi đầu cho mô hình “chủ động sống chung với thiên nhiên”. Và tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thời tiết thay đổi hay xâm nhập mặn được coi là bình thường mới ở vùng ĐBSCL.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc Gga của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng Nghị quyết 120 đánh dấu sự khởi đầu cho mô hình chủ động sống chung với thiên nhiên. Ảnh: Hoàng Vũ.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc Gga của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng Nghị quyết 120 đánh dấu sự khởi đầu cho mô hình chủ động sống chung với thiên nhiên. Ảnh: Hoàng Vũ.

Dựa trên những ước tính thận trọng, việc cải thiện quản lý nước và tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có thể giúp người nông dân duy trì hoặc gia tăng sản lượng từ 5 – 10%. Đồng thời, giảm chi phí đầu vào từ 20 – 30%, từ đó tăng lợi nhuận ròng ở mức khoảng 25%. Quan trọng hơn, những kỹ thuật cải tiến này sẽ giúp cắt giảm phát thải khí nhà kính tới 30%. Cách tiếp cận đó đã được thí điểm thành công trên hơn 184.000 ha lúa canh tác trong khuôn khổ dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững ở Việt Nam (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Từ đó, bà Carolyn Turk nhận thấy, đã có sự chuyển đổi trong tư duy, tầm nhìn và cách tiếp cận đối với phát triển và quy hoạch ở cấp vùng. Từ quy mô nông hộ nhỏ, riêng lẻ từng tỉnh, chuyển sang quan điểm liên tỉnh và toàn vùng đồng bằng. Đồng thời, bà Carolyn Turk xác định, nền tảng của sự chuyển đổi này là quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL.

Đa dạng hóa sinh kế là chìa khóa thích ứng biến đổi khí hậu tại ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ.

Đa dạng hóa sinh kế là chìa khóa thích ứng biến đổi khí hậu tại ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ.

Ông Benoît Bosquet, Giám đốc Khu vực về phát triển bền vững của Ngân hàng Thế giới, khu vực Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ thêm: "Tương lai của ĐBSCL cần những kiến thức tổng hợp của các chuyên gia. Chúng tôi vừa đi các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp và rất ấn tượng với những mô hình phát triển sinh kế ở đây. Chúng tôi muốn thể hiện cam kết của mình cho 13 tỉnh ĐBSCL. Chúng ta đang có những thảo luận thẳng thắn và đưa ra một số thách thức lớn. Tôi cũng nghe thấy nhiều ý kiến tương đồng trong suy nghĩ như Ngân hàng Thế giới. Chúng tôi cảm nhận rất rõ những thiện chí của mọi người và cần tiếp tục hợp tác trong thời gian tới", ông Benoît Bosquet nói.

Thách thức của vùng ĐBSCL

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thẳng thắn chia sẻ: Vùng ĐBSCL thời gia qua có 2 vấn đề đó là: Tư duy tiểu nông và chênh lệch về thu nhập dẫn đến các thách thức, đó là: Người nông dân chậm đổi mới, ít thay đổi phương thức sản xuất, đất sản xuất còn manh mún, doanh nghiệp nông nghiệp lớn đầu tàu ít, thông tin biến đổi khí hậu người dân ít biết, nguồn lực về nông nghiệp chưa cao.

Qua đó ông Nghĩa đưa ra các giải pháp, phải đẩy mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp. Áp dụng chuyển đổi số để phù hợp xu hướng phát triển của thế giới. Đẩy mạnh phát triển HTX và xây dựng thương hiệu nông sản. Đào tào nguồn nhân lực, nông dân chuyên nghiệp và đội ngũ chuyên gia dẫn dắt. Phát triển mạnh về kinh tế tuần hoàn.

Còn ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ thì cho rằng: Trung ương đã thành lập Ban điều phối vùng ĐBSCL nên cần xây dựng hệ thống thông tin dự liệu chung cho vùng. Cần quan tâm xây dựng dự án chung cho vùng, như dự án nguồn nước hay nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Cà Mau chịu tác động rõ nét nhất của biến đổi khí hậu. Thách thức nhất là sự thay đổi nguồn nước mặn và ngọt. Việc quy hoạch theo hướng thuận thiên sẽ làm thay đổi sản xuất theo sự phân vùng. Muốn sản xuất thay đổi phải đầu tư hạ tầng mới. Hiện nay giữa vùng ngọt và mặn nó còn có một vùng lợ. Vì vậy cần đầu tư hạ tầng cho quy hoạch vùng mà chúng ta đã thống nhất. Hiện nay, sản xuất còn manh mún nên khâu tiếp theo là hỗ trợ địa phương tổ chức lại sản xuất theo ngành hàng. Chọn ra các ngành hành chủ lực tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết.

Là tỉnh thượng nguồn sông Mekong, trong phát triển nông nghiệp tỉnh Tiền Giang chia ra 3 vùng sản xuất mặn, ngọt, lợ. Ông Phạm Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng: Do Tiền Giang tiếp giáp biển Đông nên nước mặn xâm nhập bất cứ lúc nào. Đến giờ này hậu quả của nước mặn ảnh hưởng đến cây sầu riêng vẫn còn. Tác động do phát triển nội tại ở địa phương gây ra sạt lở, xói lở bờ sông bờ biển. Tỉnh Tiền Giang đã ứng phó bằng nhiều giải pháp công trình và phi công trình, sắp tới sẽ tiếp tục các giải pháp này.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Vũ.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Vũ.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nêu quan điểm: Dự án VnSAT đầu tư rất hiệu quả và sắp kết thúc. Vì vậy từ cuối năm 2020 tỉnh Hậu Giang đã xây dựng đề án sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu để hỗ trợ cho nông dân. Đến nay, tỉnh Hậu Giang đã hoàn thiện quy hoạch tỉnh, phát triển nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu. Thách thức mang tính nội tại của tỉnh Hậu Giang là sẽ bị thu hẹp diện tích nông nghiệp. Lao động tỉnh Hậu Giang di cư đi nơi khác làm ăn nên cũng ảnh hướng lớn đến sản xuất nông nghiệp.

Còn ông Lê Tấn Cận, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: Tỉnh có bờ biển dài 56 km nhưng sạt lở không theo một quy luật nào. Hiện nay có 15 km bờ biển sạt lở, có một số vị trí sạt lở rất nghiêm trọng. Ngày xưa Bạc Liêu có 2 vùng mặn, ngọt rất rõ ràng nhưng trong những năm gần đây vùng nước lợ phải chuyển đổi sản xuất. Vì vậy rất cần các giải pháp công trình lớn cho cả khu vực ĐBSCL và có giải pháp đồng bộ.

Không kể lể, than phiền

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, giải pháp để thực hiện quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL, quan trọng là không “kể lể, than phiền” về vấn đề biến đổi khí hậu, khiến tiêu cực hóa cảm xúc. Bởi theo Bộ trưởng, vấn đề này đã được đề cập hàng chục năm và bây giờ đã đến lúc người dân đồng bằng cần nhìn biến đổi khí hậu bằng ánh mắt tích cực hơn. Cùng nhau tìm giải pháp đi lên, thông qua sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới.

“Chúng ta không mơ nước sông Mekong đầy phù sa mà phải chấp nhận và đi lên từ thực trạng đó, hướng tới lợi ích chung của người dân”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng mong muốn các địa phương trong vùng phải năng động trong thực hiện quy hoạch tích hợp, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp bằng nhiều giải pháp. Quan trọng nhất là xóa bỏ tư duy sản lượng. Hướng đến cách tiếp cận gia tăng lợi nhuận thông qua các mô hình sinh kế bền vững cho nông dân trồng lúa, giúp người dân tăng thêm thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Ngành nông nghiệp có đặc thù là chiến lược, quy hoạch được hoạch định từ trên xuống dưới, nhưng nông dân mới là người bỏ hạt giống xuống đồng ruộng, bỏ con giống xuống ao hay vào chuồng trại. Chiến lược, quy hoạch được lập ra là cái khung để định hướng cách tiếp cận và phối hợp điều phối cách tiếp cận đó. Quan trọng là sự phối hợp, liên kết giữa các địa phương như thế nào để phát huy hiệu quả.

Chúng ta không mơ nước sông Mekong đầy phù sa mà phải chấp nhận và đi lên từ thực trạng đó, hướng tới lợi ích chung của người dân. Ảnh: Hoàng Vũ.

Chúng ta không mơ nước sông Mekong đầy phù sa mà phải chấp nhận và đi lên từ thực trạng đó, hướng tới lợi ích chung của người dân. Ảnh: Hoàng Vũ.

Hiện nay, 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL với 4 vùng sinh thái khác nhau, không thể có một bảng quy hoạch vùng phù hợp với tất cả các tỉnh. Trên tinh thần thích ứng, các địa phương cần năng động hơn dựa trên đặc thù của địa phương.

Bộ trưởng lấy hình tượng trái khóm để phân tích, tỉnh Kiên Giang có khóm Tắc Cậu, Hậu Giang lại có khóm Cầu Đúc, hai vùng này có thể liên kết với nhau để xây dựng nên chuỗi giá trị ngành hàng khóm cho vùng ĐBSCL. Như thế, việc liên kết không còn là giới hạn theo địa giới hành chính nữa. Và dĩ nhiên, cây lúa lại càng không có ranh giới. Khi không gian kinh tế mở ra sẽ kéo theo quy mô sản xuất rộng lớn hơn, đa ngành nghề, đa hoạt động trên một không gian kinh tế đó.

“Đứng trước bối cảnh biến đổi khí hậu, biến chuyển xu hướng thị trường, đường hướng phát triển nông nghiệp phải cần có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng với nông dân. Cùng nhau bàn cho thấu đáo câu chuyện đó, từng dự án nhỏ, từng chuyển đổi, để đạt được sự đồng thuận”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo hướng tới nông nghiệp xanh ở Việt Nam chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp. Ảnh: Hoàng Vũ.

Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo hướng tới nông nghiệp xanh ở Việt Nam chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp. Ảnh: Hoàng Vũ.

Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp”. Trong đó, báo cáo đề cập đến sự cần thiết phải chuyển đổi sang nền nông nghiệp carbon thấp ở Việt Nam. Từ đó chỉ ra con đường hướng tới chuyển đổi sang nền sản xuất lúa gạo carbon thấp. Song song đó, báo cáo đã đưa ra các khuyến nghị cho việc nghiên cứu chuyển đổi nông nghiệp xanh của Việt Nam thông qua hướng tới sản xuất lúa gạo carbon thấp. Và truyền tải thông điệp hướng tới sản xuất lúa gạo “xanh”.

Xem thêm
Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.