Nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu của Việt Nam đạt nhiều bước tiến lớn. Mông Cổ đề xuất Việt Nam thành lập đơn vị liên doanh về xuất nhập khẩu. Cần Thơ bắt đầu triển khai cung cấp giống thủy sản chất lượng cao. 16 tỉnh, thành có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
NÔNG NGHIỆP THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA VIỆT NAM ĐẠT NHIỀU BƯỚC TIẾN LỚN
Chiều 14/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh tiếp Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế IFAD, Bà Reehana Raza. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực ưu tiên hàng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam khi đây là vùng nuôi, trồng trọng điểm của: gạo, trái cây, thủy sản. Tuy vậy, ĐBSCL đang phải đối mặt trước nhiều thách thức về biến đổi khí hậu. Do đó, Thứ trưởng mong muốn IFAD hỗ trợ Bộ trong việc phát triển thể chế và xây dựng chiến lược phát triển ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng ĐBSCL. Bà Reehana Raza đánh giá, dự án Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu và Dự án giảm thiểu khí thải tại khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam đang đạt được những bước tiến lớn, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành nông nghiệp tại khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam trung Bộ.
MÔNG CỔ ĐỀ XUẤT VIỆT NAM THÀNH LẬP ĐƠN VỊ LIÊN DOANH VỀ XUẤT NHẬP KHẨU
Phát biểu tại buổi tiếp Đại sứ Mông Cổ Jigjee Sereejav chiều 14/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hai nước có thể hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực, nhất là về nông nghiệp. Thứ trưởng Trần Thanh Nam hy vọng, hai nước sẽ đẩy mạnh giao thương, hợp tác đầu tư trong thời gian tới, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu hai chiều đạt trên 100 triệu USD.Nhằm xây dựng một đề án chung tạo môi trường cho các doanh nghiệp hai nước, ông Jigjee Sereejav đề xuất giải pháp thành lập một đơn vị liên doanh xuất nhập khẩu giữa hai nước. Đơn vị này sẽ được hỗ trợ về cơ chế, chính sách, từ vùng nguyên liệu đến công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch.Đặc biệt, đại sứ hy vọng Bộ NN-PTNT hỗ trợ phát triển các giống lúa gạo của Việt Nam thích ứng với khí hậu của Mông Cổ.
CẦN THƠ BẮT ĐẦU TRIỂN KHAI CUNG CẤP GIỐNG THỦY SẢN CHẤT LƯỢNG CAO
Sau hơn một năm xây dựng, từ tháng 2 năm nay, cơ sở 2 của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tại xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ bắt đầu triển khai kế hoạch sản xuất, cho sinh sản nhân tạo, cung cấp các loài giống thuỷ sản nước ngọt chủ lực của vùng ĐBSCL.Tại đây hiện có 2 ao ương nuôi cá chép giống đợt đầu tiên. Mỗi ao thả ương 2 triệu cá bột và đang xuất bán trên 154 kg cá chép giống. Trung tâm đang chào hàng, tiếp tục bán 300 kg cá chép giống tiếp theo cho nông dân có nhu cầu.Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường đang tăng cao, dự kiến đến cuối tháng 6, đầu tháng 7 tại cơ sở 2 sẽ xuất bán con giống cá tra, con giống tôm càng xanh toàn đực theo công nghệ Israel.
16 TỈNH, THÀNH CÓ 100% SỐ XÃ ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối tháng 5, cả nước có 5.760 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 70% tổng số xã xây dựng nông thôn mới, tăng 54 xã so với tháng trước. Hiện, cả nước có 16 tỉnh, thành có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục xây dựng khung pháp lý và cơ chế chính sách thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, hướng dẫn các địa phương triển khai Chương trình OCOP và tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia 2022.