| Hotline: 0983.970.780

Người giữ hồn làng Phò Trạch

Thứ Bảy 11/07/2009 , 15:32 (GMT+7)

Ở tuổi 88 nhưng ngày nào ông Phạm Bá Diện cũng đi đến từng nhà để truyền dạy những bản nhạc cổ với mong muốn không thất truyền nét văn hóa của làng mình.

Những bản nhạc cổ được ông Diện sưu tập và truyền dạy

Ở tuổi 88 nhưng ngày nào ông Phạm Bá Diện (làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế) cũng đến từng nhà để truyền dạy những bản nhạc cổ với mong muốn không thất truyền nét văn hóa của làng mình.

Làng Phò Trạch, một vùng quê giàu truyền thống văn hóa dân gian, kho tàng những bài hát, làn điệu dân gian độc đáo như: Múa bát dật, múa bài bông, múa thiên hạ thái bình, múa hát sắc bùa, chèo đồng ấu… Được tiếp thu những tinh văn hóa của quê hương nên đi đâu, mỗi lúc vui, lúc buồn ông Diện cũng mang hồn làng ra thể hiện.

Là một thiếu tá về hưu, cuộc đời ông Diện đã sống và chiến đấu qua hai thời kỳ chống Pháp, Mỹ. Đi qua bao nhiều nơi, bao nhiều đơn vị, bao nhiều trận đánh nhưng không bao giờ ông quên những làn điệu của quê hương. "Ngày ở quân đội, những lúc hành quân, những đêm biểu diễn văn nghệ là những làn điều nhạc cổ được tui cất lên. Ngày đó có người thì hát về quan họ Bắc Ninh, có anh thì hát ví dặm Nghệ Tĩnh, còn tui thi tài bằng hát nhã nhạc. Mỗi lúc nhớ quê, những làn điệu cất lên khiến đồng đội vơi nỗi nhớ nhà”.

Thân sinh ông Diện là người mê nhạc cổ, đã hướng ông tiếp xúc với nhã nhạc. “Quê tui cứ vào mùa lũ, nước ngập vào nhà và cả nhà phải lên gác lửng tránh nước. Trong những lần như vậy, cái trống được ba tui cất giữ cẩn thận, vì đó là tài sản quý nhất đối với ông. Tui hay mang trống ra đánh và ba phát hiện ra tui có năng khiếu nhã nhạc nên thuê thầy dạy nhã nhạc cho tui. Về sau, tui trở thành một nhạc công theo thầy đi trình diễn trong các lễ hội ở quê, các vùng lận cận”, ông Diện nhớ lại.

Sau bao năm chiến đấu, giữ nhiều chức vụ trong quân đội, ông trở về quê hương, nhìn thấy nét xưa đã không còn mà lòng đau như xé: “Là một vùng quê có truyền thống văn hóa, nhất là các làn điệu nhạc cổ rứa mà giờ vắng bóng cả rồi. Xót lắm!". Nhớ lại lời dạy năm xưa của ba, ông đã ngày đêm suy nghĩ và bắt tay đi sưu tầm và truyền dạy cho thế trẻ sau để giữ gìn truyền thống văn hóa của làng.

Bước vào tuổi xế chiều, vậy mà ngày nào cũng đi đến các nhà tìm người để thuyết phục và truyền dạy nhã nhạc: “Ngày mô cũng rứa, người đã già cả rồi mà ông ấy có chịu nghỉ mô, ăn ngủ lúc nào cũng nghĩ đến nhã nhạc. Lúc nào kiếm được cuốn sách hay nghe tin có liên quan đến nhã nhạc, đối với ông ấy như gặp một kho báu và ông tìm cho bằng được rồi mang về ghi ghi, chép chép suốt ngày suốt đêm, quên cả cơm nước luôn”, bà Trần Thị Sả, vợ ông Diện, tâm sự.

Từ ngày về hưu đến này gần 30 năm, ngày nào ông cũng tìm đến các nhà thờ, đình làng, thư viện hay đàm đạo với bậc cao niên để dò hỏi về những bản nhã nhạc. Đến nay, ông đang sở hữu rất nhiều bài hát, điệu múa nhã nhạc bằng chữ nho, chữ Hán rồi dịch để truyền dạy. “Thỉnh thoảng có các bạn sinh viên về tìm hiểu, nhờ tui bày vẽ để làm khóa luận, rồi còn đón các nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc, thậm chí cả khách Tây đến thăm và đàm đạo nữa”, ông Diện nói.

Ông Diện có thể hát, múa, đạo diễn các làn điệu về nhã nhạc. Bất cứ đâu khi có lễ hội, ma chay trong làng xã là tiếng trống, tiếng đàn được ông cất lên để đến bây giờ người làng gọi ông là “báu vật sống nhã nhạc của làng”. Ông Diện cầm cây nhị tay vừa kéo, miệng vừa cất lên những làn điệu, bà Sả vui cười nói: “Nhà tui rứa đó, vui buồn cũng rứa, suốt ngày ông lại cầm cây nhị, cây sáo, trống chơi cả ngày. Nhất là khi sưu tập được một bản nhạc mới là ông ấy tập đi tập lại cho thuần thục và dàn dựng bày cho bọn trẻ”.

Trong các bài nhạc cổ thì múa hát sắc bùa là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của làng Phò Trạch, cứ vào giữa tháng Chạp là đội nhã nhạc được tập và đúng chiều 30 Tết biểu diễn ở đình làng rồi đến các nhà thờ họ, đến tộc trưởng... Đây là nét văn hóa thể hiện khát vọng cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, làm ăn phát đạt...

Điệu múa hát sắc bùa đã thất truyền gần 100 năm nay nhưng ông Diện sưu tập đầy đủ với 16 tiết mục gồm 335 câu, được các nhà nghiên cứu đánh giá cao. Vào năm 2003, ông Diện đã hoàn thiện, phục dựng rồi trình diễn.

Với niềm đam mê nhạc cổ, sau bao năm sưu tâm và truyền dạy, năm 2003 ông đã thành lập được một đội nhã nhạc và đi biểu diễn từ làng xã cho đến huyện và được mời đi phục vụ các kỳ Festival Nghề truyền thống tại Huế, các lễ hội Hương xưa làng cổ ở Phước Tích và giành được nhiều giải thưởng. Đó là những thành công ban đầu, song để phát triển là cả một nỗi niềm trăn trở của ông: “Nhã nhạc rất khó học, hiện giờ lớp trẻ không mặn mà gì mấy nữa nhưng nếu không có người truyền giảng lại thì chẳng bao lâu, tất cả sẽ biến mất và không tồn tại trong đời sống thôn quê".

Vào mỗi buổi chiều, sân nhà ông lại tấp nập, có 30 - 40 em từ học sinh lớp 5 đến lớp 10 tập trung về đây. Với cương vị là người thầy am hiểu về nhã nhạc, ông Diện bày vẽ tận tình từng điệu múa, điệu hát cho các em. Là người cuối cùng hiểu về nhã nhạc của làng, trong lúc tuổi già sức yếu nhưng không ngăn bước được nhiệt huyết truyền dạy cho thế hệ sau, ông bộc bạch: “Nay vào tuổi gần đất xa trời nhưng nỗi lo của tui là sau này ai sẽ là người giảng dạy cho bọn trẻ để nó hiểu về một làng quê có một nền văn hóa nhã nhạc. Tui mong mình luôn mạnh khỏe để cống hiến cho nét văn hóa của làng sau này”.

Để có được một lớp học nhã nhạc như thế, ông Diện mất bao nhiêu công sức từ việc vận động thuyết phục bọn trẻ, người lớn và tự ông đã bỏ tiền túi cùng với một phần hỗ trợ của xã mua dụng cụ và đồ hóa trang để cho bọn trẻ tập. Hiện ông mong muốn có 5 cái mi - cờ - rô và một bộ loa phát cho cả xã để người dân nghe và cảm nhận nhã nhạc trong những buổi tập hàng ngày.

Xem thêm
Diễn viên Bình An thoát nạn khỏi đám cháy

Tối 17/5, đám cháy bùng phát tại toà nhà ở số 1174 Đường Láng(Hà Nội) khiến nhiều người bị mắc kẹt, trong đó có diễn viên nổi tiếng Bình An

Pháp công bố danh sách dự EURO 2024: Kante trở lại

Tối 16/5, HLV Didier Deschamps công bố danh sách chính thức 25 cầu thủ tuyển Pháp tham dự EURO 2024. Tiền vệ Kante có tên trong danh sách sau 2 năm vắng mặt.

Quang Hải sang Nhật Bản?

Tiền vệ Quang Hải sẽ rời CLB CAHN vào cuối mùa giải này khi hợp đồng đôi bên đáo hạn, nhằm chuẩn bị cho bước tiếp theo trong sự nghiệp.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.