Không sợ ma, chỉ lo mất gà
Bà Lê Thị Quyền ngồi bệt dưới đất, thi thoảng lại mân mê nắm đất trên đôi tay nhăn nheo, rám nắng. Chiều nào cũng vậy, khi tốp thợ ra về, bà lại mò mẫm, đưa tay quờ quạng vào bức tường xi măng của căn nhà đang được gấp rút hoàn thiện. Khuôn mặt người phụ nữ mù khi ấy ánh lên cảm giác vui vẻ đến lạ. Bà bảo, đời bà chả dám mơ sẽ có một ngày được ở trong căn nhà mới. Vậy mà, giờ đây mọi thứ sắp trở thành hiện thực.
Ở thôn Phú Lai (xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa), ai cũng biết người phụ nữ ấy có quá khứ khổ hạnh tới kiệt cùng. Bà là con thứ trong gia đình đông anh chị em, nhưng bị mù bẩm sinh. Trước đây, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bà chủ yếu dựa vào người mẹ đẻ. Ngày người thân rời xa trần thế, bà khóc ngất vì biết từ nay chẳng còn ai bên cạnh để nương tựa.
Từ nhỏ tới lớn, người phụ nữ mù chẳng có ngày nào được gọi là thanh xuân. Nhắc tới chuyện này, giọng bà cất lên đầy vẻ tủi phận: “Tôi mù thì ai thèm để ý!”.
Sống trong cảnh cô độc, người đời khuyên bà nên “xin” một đứa con để sau này còn có chỗ nương tựa lúc trái gió trở trời. Thế rồi, người đàn ông lạ mặt ấy cũng chỉ đến với bà vài lần rồi ra đi chẳng lời từ biệt. Ngày đứa con trai ra đời là ngày bà hạnh phúc nhất, bởi sống đến nửa đời, người phụ nữ ấy chưa từng nếm trải cảm giác này bao giờ.
Nhưng bà Quyền cũng chẳng thể ngờ được rằng, những ngày tháng sắp tới là sự tiếp tục cho chuỗi ngày dài bất hạnh.
Sinh con ra, người mẹ mù chưa một lần được nhìn thấy khuôn hình đứa trẻ. Việc duy nhất bà có thể làm cho đứa con của mình là cho bú mỗi khi nó khát sữa. Mọi sinh hoạt hàng ngày của hai mẹ con đều được người thân, hàng xóm láng giềng phụ giúp. Hai mẹ con cứ thế đùm bọc nhau, có cái gì thì ăn cái đó cho qua ngày, đoạn tháng.
Dần dà, đứa bé cũng tự tập tành, ăn uống… Năm lên 6 tuổi, thằng nhỏ đã biết mày mò ra đồng móc cua bắt ốc, rồi đem bán cho người dân trong làng lấy tiền đong gạo cho hai mẹ con. Đứa trẻ lớn lên trong cảnh lay lắt, vật vờ, nhưng chẳng bao giờ than trách mẹ nó.
“Thằng nhỏ nhanh nhẹn từ bé, nó biết tôi chẳng làm được gì nên gắng sức đỡ đần. Sáng đi học, chiều lại ra đồng mò cua, bắt ốc bán cho dân làng. Người ta thấy thương hoàn cảnh mẹ con nên cũng phụ giúp vài phần”, bà Quyền kể.
Nhắc đến đứa con, bà Quyền bỗng cúi gằm mặt, mím chặt môi, nước mắt chảy giàn giụa như thể hối lỗi với khúc ruột do mình sinh ra: “Phận làm mẹ, sinh con ra nhưng chưa thể làm tròn trách nhiệm với đứa trẻ. Số phận đã định như vậy, giờ biết làm sao được. Giờ có muốn thay đổi mọi thứ cũng khó!”, bà Quyền mếu máo.
Bà chả còn nhớ đứa con của mình học hết lớp mấy, chỉ biết đứa trẻ lớn lên như cây cỏ ven đường. Ngày con bà đi làm ăn xa, nó chỉ kịp chào vội bà một câu rồi biệt xứ mấy năm nay. Mắt bà mù lòa, lại không biết đi đâu tìm con, tôi chỉ biết ngồi một chỗ ngóng trông con từng ngày. Năm ngoái thằng bé gửi tiền về để phụ mẹ mua đất, làm nhà.
Mảnh đất bà Quyền mua lại trước đây có người thắt cổ tự tử trong nhà. Dân trong làng chả ai dám mua, vì thế mà gia chủ bán lại cho bà với giá rẻ. Bà bảo, sống đến ngần này tuổi, nên chẳng tin vào chuyện ma, mà chỉ lo cho đàn gà ngoài chuồng đang thời kỳ đẻ trứng. Số gà đó là tài sản lớn nhất trong gia đình và cũng là nguồn sống chính của bà hàng ngày. Dạo trước kẻ trộm đột nhập vào nhà, lấy mất đôi gà đang sinh sản khiến bà mất ăn mất ngủ mấy ngày.
"Gà đẻ trứng thì có cái ăn, bằng không thì ăn cơm trắng trộn với bột canh cũng xong bữa. Sống đến tuổi này thì cần gì nữa mà phải cầu kỳ", bà Quyền kể.
Hoàn cảnh bi đát tưởng chừng đã lấy đi nghị lực sống của người đàn bà mù lòa, nhưng trong nỗi đau ấy vẫn ánh lên hy vọng về những ngày tháng yên ả còn lại. Năm 2022, Mặt trận Tổ quốc cùng những người thân trong gia đình quyên góp, hỗ trợ bà khoản tiền nhỏ để xây cất căn nhà mới… Căn nhà đó với bà là món quà ý nghĩa, là niềm mong ước bấy lâu của người phụ nữ mù.
Chiều tà, bà Quyền lại mò mẫm dò đường, rồi ngồi bên mép cửa căn nhà mới đang dần hoàn thiện, hướng đôi tai về phía tiếng xe máy và chờ đợi điều gì đó đến từ xa xăm...
Bà Vũ Thị Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Long cho biết, trong 2 năm (2021 - 2022) toàn xã có 7 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được xây dựng nhà kiên cố. Mức hỗ trợ trung bình 50 triệu đồng/hộ; hỗ trợ 2 hộ sửa nhà số tiền từ 1 đến 2 triệu đồng/căn. Hiện toàn xã còn 3 hộ trong diện cần hỗ trợ về nhà ở đã đưa vào kế hoạch thực hiện trong năm tới.
Làm nhà để đón con về ở cùng
Chị Thanh, Phó Bí thư xã Thiệu Long dẫn chúng tôi ghé thăm bà Lê Thị Thuận (thôn Phú Hưng, xã Thiệu Long). Trước sự xuất hiện của các vị khách lạ, mấy người dân trong thôn tụm năm, tụm bảy rỉ tai nhau như mách nhỏ với chúng tôi: "Bà Thuận đi ra đồng từ sáng, chắc cũng quanh quẩn đâu đây thôi". Dân trong làng, không ai không biết hoàn cảnh gia đình bà Thuận. Người phụ nữ góa bụa sống nhờ vào 2 sào ruộng, nên những lúc rảnh rỗi, bà lại ra đồng kiếm thêm mớ tép, con cua cải thiện bữa ăn.
Căn nhà của bà Thuận dột nát, xập xệ, chằng chịt vết nứt không đếm xuể, hễ cứ mưa xuống là nước ngập lênh láng. Bên trong ngôi nhà không có gì đáng giá, ngoài bộ nồi gang cũ kỹ, đen kịt. Bà Thuận sinh được 2 đứa con, nhưng không tỉnh táo như người bình thường.
Người phụ nữ mang trong mình đủ thứ bệnh chẳng có bất cứ khoản thu nhập nào đáng kể. Đến tiền đi khám bệnh bà còn chật vật xoay xở đủ đường, chứ gì nghĩ đến chuyện điều trị.
Ngày chồng mất, bà mặc kệ số phận. Người phụ nữ chẳng thiết đoái hoài đến bản thân và mọi thứ xung quanh. Bà bất lực vì không đủ sức nuôi hai đứa con đến độ tuổi ăn học, nên đành gửi con cho người thân trong Nam nuôi hộ. Bà Thuận thủ thỉ: “Làm mẹ không ai muốn xa con cả. Tội bọn nó lắm! Nhưng sức mình có vậy nên phải chấp nhận hoàn cảnh thôi chú ạ. Sau khi xây cất xong ngôi nhà mới từ nguồn hỗ trợ của chính quyền địa phương và đóng góp của gia đình, tôi sẽ cố gắng đón hai đứa trẻ về sống cùng".
Trong căn nhà bê tông cốt thép sắp sửa hoàn thành, bà Thuận dành riêng phòng khách để bố trí bàn thờ gia tiên và đặt bộ bàn ghế vừa mới được người thân bên ngoại gửi tặng. Người phụ nữ vừa nói vừa cười trong sự mãn nguyện: “Sức tôi cố gắng đến mấy cũng chả bao giờ làm được căn nhà thế này. Từ nay, sắp có chỗ tránh trú mưa gió và yên tâm sống thêm ít lâu”.
Theo rà soát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thiệu Hóa, trên địa bàn hiện còn 187 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sinh sống trong nhà tạm bợ, hư hỏng, dột nát, mất an toàn và không còn khả năng sửa chữa hoặc xây mới. Phần đa số hộ thuộc diện neo đơn, già cả, không người chăm sóc...
Đến nay, sau hơn 3 tháng thực hiện, huyện đã vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức đoàn thể đăng ký, hỗ trợ 60 căn nhà với số tiền 3 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện đã phát động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang ủng hộ 1 ngày lương; nhân dân nhiều xã, thị trấn đã ủng hộ ít nhất 20 nghìn đồng/hộ. Kinh phí vận động đã phân bổ cho 22 hộ làm nhà ở; mức hỗ trợ một lần với mức không quá 50 triệu đồng/hộ và chỉ hỗ trợ nhà xây mới có tổng trị giá trị không quá 300 triệu đồng; phấn đấu đến đầu năm 2024 sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Việc hỗ trợ, giúp đỡ người người nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh Thanh Hóa nhằm phát huy cao nhất các nguồn lực giúp đỡ các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội có cuộc sống ổn định, vì mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Quá trình thực hiện nhiệm vụ từ cấp tỉnh tới địa phương đảm bảo minh bạch, chặt chẽ, đúng quy định”.
Theo thống kê, trong 9 tháng năm 2022, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa - Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" các cấp đã vận động doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ đạt 48,2 tỷ đồng. Cùng với đó, số nhà "Đại đoàn kết" được hỗ trợ xây mới, sửa chữa và nâng cấp là 1.036 nhà, trị giá 39,2 tỷ đồng, trong đó từ nguồn Quỹ "Vì người nghèo" các cấp hỗ trợ 19,5 tỷ đồng, để xây dựng, sửa chữa 709 nhà; từ nguồn hỗ trợ trực tiếp của các cơ quan, doanh nghiệp 19,7 tỷ đồng, để xây dựng 330 nhà.