| Hotline: 0983.970.780

Hướng đến Festival muối 2025

Người tiên phong sản xuất muối sạch ở Ninh Thuận

Thứ Năm 12/12/2024 , 13:22 (GMT+7)

Bà là người tiên phong sản xuất muối bằng phương pháp trải bạt ở Ninh Thuận, không chỉ vậy sản phẩm muối chế biến của gia đình còn đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Ruộng muối của diêm dân Ninh Thuận được sản xuất ven chân đồi núi giúp nâng cao chất lượng, sản lượng. Ảnh: PC.

Ruộng muối của diêm dân Ninh Thuận được sản xuất ven chân đồi núi giúp nâng cao chất lượng, sản lượng. Ảnh: PC.

Dùng đất sét làm nền ruộng

Những ngày cuối tháng 11, chúng tôi về xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, nơi được mệnh danh là 'thủ phủ' muối của địa phương này. Khác hẳn với mọi năm, trên cánh đồng muối Tri Thủy 2 (xã Tri Hải) thời điểm này diêm dân ngưng sản xuất do mùa mưa, nhưng năm nay ít mưa nên diêm dân vẫn tất bật thu hoạch muối.

Mùa này, ở Ninh Thuận gió Bắc thổi rất mạnh, nhất là vùng ven biển nhưng bà Trần Thị Tân, năm nay đã 71 tuổi, thôn Tri Thủy 2 (xã Tri Hải), bước đi vẫn thoăn thoắt, vẫn đội nắng ra ruộng muối chỉ đạo nhân công làm thuê dọn dẹp, làm sạch các ô kết tinh muối trên nền bạt để chuẩn bị bước vào vụ sản xuất mới.

“Tuổi này rồi con cháu bắt ở nhà dưỡng già, không cho ra ruộng nhưng ở nhà vài bữa là tôi bệnh ngay nên cứ phải ra đây để hít thở cái không khí mặn mòi của đồng muối”, bà Tân nói và cho biết, cũng trong ngành nông nghiệp nhưng nghề làm muối lại không mong mưa, bởi năm nào mưa nhiều thì diêm dân sẽ mất mùa còn ngược lại muối được mùa thì ở cái xứ nóng này lại thiếu nước sản xuất.

Ở cánh đồng muối Tri Hải và cả diêm dân Ninh Thuận, hầu như không ai không biết bà Trần Thị Tân. Bà Tân nổi tiếng không chỉ gắn bó với nghề muối đã gần 50 năm mà còn được biết đến có cánh đồng muối rất lớn, với diện tích 5ha và cũng là diêm dân tiên phong sản xuất muối bằng công nghệ trải bạt.

“Trước đây diện tích sản xuất muối của diêm dân còn ít, tôi cũng chưa có ruộng sản xuất muối mà chỉ làm kỹ thuật cho một công ty muối đóng chân trên địa bàn. Một lần tình cờ chứng kiến diêm dân áp dụng phương pháp dùng đất sét lấy từ nơi khác về làm nền ruộng muối. Đất sét có ưu điểm khi khô rất cứng và không thấm nước nên rất phù hợp để sản xuất muối, cách làm này rất hay nhưng người dân thực hiện chưa hiệu quả”, bà Tân nói.

Nhân công làm sạch các ô kết tinh muối trên nền bạt của bà Trần Thị Tân để chuẩn bị bước vào vụ sản xuất mới. Ảnh: PC.

Nhân công làm sạch các ô kết tinh muối trên nền bạt của bà Trần Thị Tân để chuẩn bị bước vào vụ sản xuất mới. Ảnh: PC.

Với vốn kiến thức tích cóp trong nhiều năm làm trong công ty sản xuất muối, năm 2003 bà Trần Thị Tân quyết định “ra ở riêng”, tức là xin ra khỏi công ty để thực hiện ước mơ có ruộng muối cho riêng mình. Bà Tân đã dồn hết vốn liếng mua được 2ha để sản xuất muối và bắt tay ngay vào thử nghiệm sản xuất muối bằng nền đất sét và khắc phục những điểm mà diêm dân chưa làm được. Kết quả là muối cho năng suất cao hơn hẳn, chất lượng muối tốt hơn, hạt muối trắng, sạch hơn rõ rệt so với cách làm truyền thống.

Không dừng lại ở đó, sau khi diện tích đất ven biển dần thu hẹp, bà Tân cùng với người dân đã chuyển những ruộng sản xuất muối lên chân đồi, tận dụng những đồi núi ven biển vốn không sản xuất nông nghiệp được do khí hậu khắc nghiệt để sản xuất muối và dùng đất sét để làm nền ruộng muối vì có nhiều ưu điểm.

Theo bà Trần Thị Tân, các ruộng sản xuất muối nằm trên đồi cát biển, ven chân núi có độ cao so với mực nước biển từ 20 – 30m nên vào mùa mưa lũ nước bên ngoài không tràn vào ruộng, nước mưa trong ruộng cũng dễ dàng thải ra ngoài. Khi hết mùa mưa ruộng không bị bùn, đất, mùn hữu cơ, chất thải rắn tràn vào gây ô nhiễm. Chính cách sản xuất này giúp muối của Ninh Thuận có chất lượng rất tốt, được các thương lái tới thu mua đánh giá rất cao.

“Thành công từ mô hình đã biến các khu đất ven đồi núi, các triền cát ven biển thành những đồng muối có sản lượng và chất lượng cao hơn những nơi khác. Từ đó, nghề làm muối của diêm dân Ninh Thuận đã phát triển mạnh hơn, diện tích ruộng muối tăng dần lên đến hàng nghìn ha”, bà Tân cho biết.

Sau 5 năm trực tiếp sản xuất muối, đến năm 2008 bà Tân đã xây dựng được 5ha ruộng sản xuất muối cho riêng mình theo dây chuyền công nghệ sản xuất bán công nghiệp, hạt muối làm ra trắng, sản lượng và chất lượng cao hơn phương pháp sản xuất truyền thống trước đây.

Tiên phong làm muối trải bạt

Việc sản xuất muối bằng nền đất sét và trên đồi cát, chân đồi đã giúp người làm muối ở cánh đồng muối Tri Thủy 2 nói riêng và diêm dân Ninh Thuận nói chung nâng cao hiệu quả sản xuất, thế nhưng với muối sản xuất trên nền đất sét vẫn còn nhiều tạp chất mà không thể khắc phục được. Điều này đã khiến bà Tân nhiều đêm mất ngủ nhưng không thể nghĩ ra cách khắc phục tạp chất, bùn cát cũng như muối đục.

Mỗi năm bà Trần Thị Tân thu hoạch được 1.500 tấn muối, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 500 - 700 triệu đồng. Ảnh: PC.

Mỗi năm bà Trần Thị Tân thu hoạch được 1.500 tấn muối, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 500 - 700 triệu đồng. Ảnh: PC.

Năm 2010, mong ước làm muối sạch của bà Trần Thị Tân đã thành hiện thực, khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận chọn gia đình bà làm mô hình sản xuất muối bằng phương pháp trải bạt, với diện tích 300m2.

Vậy là bà Tân bắt tay ngay vào cải tạo lại ruộng muối. Sau thời gian cải tạo và đưa nước ót vào ruộng,  mẻ muối đầu tiên cũng đến ngày thu hoạch. Những hạt muối được làm bằng phương pháp trải bạt trắng muốt, không còn lẫn tạp chất và khắc phục được những tồn tại muối sản xuất trên nền đất sét.

“Tôi vốc những hạt muối mà ngắm nhìn không chán. Đây chính là những hạt muối mong ước bấy lâu”, bà Tân nhớ lại cảm giác hạnh phúc khi lần đầu tiên làm ra hạt muối trắng tinh, không còn tạp chất và cho biết không chỉ muối trắng, sạch mà sản xuất trên nền bạt năng suất muối còn tăng hơn trước. Hàm lượng Natriclorua đạt cao, các chất không tan, kim loại nặng không có hoặc có nhưng không vượt ngưỡng cho phép.

“Năng suất muối tăng từ 20-25% so với kết tinh trên nền đất. Bên cạnh đó, kết tinh muối trên nền bạt giúp thu hoạch đạt sản lượng cao hơn, một ngày một người thu hoạch được từ 3-4 tấn, cao gấp đôi so với thu hoạch trên nền đất”, bà Tân chia sẻ.

Từ kết quả sản xuất muối trải bạt, bà Trần Thị Tân đã đầu tư hàng tỷ đồng để sản xuất muối trải bạt trên diện tích 5ha của gia đình. Với năng suất muối đạt 300 tấn/ha, mỗi năm bà Tân thu hoạch được 1.500 tấn muối. Thấy muối rất sạch, nhiều năm qua một doanh nghiệp ngoài Hà Nội đã ký hợp đồng dài hạn thu mua toàn bộ sản lượng muối của gia đình bà với giá cao hơn thị trường.

“Sản xuất muối bằng phương pháp trải bạt nhiều ưu điểm nhưng chi phí lớn, với 1.000m2 đầu tư hết khoảng 70 triệu đồng. Đối với diêm dân đây là nguồn kinh phí rất lớn mà không phải ai cũng có thể đầu tư. Do vậy để diêm dân có điều kiện chuyển đổi mô hình sản xuất rất cần nhà nước có chính sách ưu đãi để người dân tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng”, bà Trần Thị Tân trăn trở.  

Không chỉ sản xuất muối thô bán cho doanh nghiệp, bà Tân còn chế biến sâu để nâng cao giá trị hạt muối. Sản phẩm muối xay sấy của cơ sở được sấy với phương pháp khống chế nhiệt độ (không quá 100 độ C) nên các chất cần thiết cho sức khỏe con người như Magie, Canxi… không bị phá vỡ. Thành phần Natriclorua không bị kết cứng nên sản phẩm không bị mặn chát. Do đó sản phẩm muối hạt và muối xay sấy của bà Tân đã được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp chứng nhận OCOP 3 sao.

Xem thêm
Lô hàng sầu riêng, mít của Việt Nam bị Trung Quốc cảnh báo không đạt chuẩn kiểm dịch

Cục Bảo vệ thực vật nhận được cảnh báo đối với lô hàng trái cây tươi (sầu riêng và mít) xuất khẩu từ Việt Nam không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Long An tri ân Tập đoàn An Nông vì những đóp góp an sinh xã hội

Với những đóng góp thiết thực cho công tác an sinh xã hội của tỉnh Long An, Tập đoàn An Nông vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.