Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Theo thời gian, nghề làm muối đã được bà con diêm dân cách tân, cải tiến về quy trình sản xuất để giảm bớt công sức lao động, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Mặc dù, trải qua nhiều thăng trầm, song bà con diêm dân nơi đây vẫn bám giữ lấy nghề truyền thống với mong ước giá trị hạt muối sẽ được nâng tầm trong tương lai gần.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho hạt muối Bạc Liêu chưa phát huy được giá trị xứng tầm và còn vấp phải nhiều rào cản. Trong đó, yếu tố hạ tầng phục vụ cho nghề làm muối chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ dẫn đến việc diêm dân thu hoạch muối còn phụ thuộc quá nhiều vào thương lái.
Giá muối bấp bênh
Tháng 11, khi những cơn mưa ở miền Tây trở nên thưa dần để nhường chỗ cho những ngày nắng. Đây cũng là thời điểm bà con diêm dân ở huyện Đông Hải – nơi có diện tích sản xuất muối lớn nhất tỉnh Bạc Liêu bắt đầu tháo nước, cải tạo ruộng muối để chuẩn bị cho vụ mùa. Mùa sản xuất muối ở Bạc Liêu kéo dài trong 6 tháng mùa nắng, bắt đầu từ tháng 12 năm trước và kết thúc vào khoảng tháng 5 của năm sau.
Theo bà con diêm dân, nghề làm muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết, năm nào thuận lợi, không gặp mưa trái mùa thì sản lượng cao, năm nào xuất hiện mưa trái mùa thì bà con phải “tuỳ cơ ứng biến” sao cho phù hợp. Dần dà, quy luật định tính này đã ăn sâu trong tiềm thức của diêm dân, trở nên quen thuộc nên họ đều có cách để đối phó với “mẹ thiên nhiên”.
Sắp bước vào vụ mùa, từ tờ mờ sáng anh Huỳnh Văn Toàn, ngụ ấp Trường Điền, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải đã tất tả “tay xách nách mang” nào cuốc, dá (dụng cụ đào đất của nông dân ở miền Tây) cùng với đồ ăn, thức uống để ra đồng muối tháo nước, cải tạo đồng ruộng. Gắn bó với nghề làm muối đến nay ngót nghét 30 năm, anh Toàn đã thấu cảm hết nỗi cay đắng của nghề.
Theo anh Toàn, nghề làm muối hiện nay chỉ giúp cho diêm dân sống được chứ không có lợi nhuận cao. “Giá muối bấp bênh, những năm trúng mùa thì giá thấp, ngược lại thì giá cao. Nghề này vất vả, nên ai cũng trông đến ngày thu hoạch để bán muối có tiền trang trải cuộc sống. Nghề muối, rôm rả nhất là vào thời điểm thu hoạch, ai cũng tất bật trên ruộng đồng, mong sao được thương lái thu mua với giá cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được niềm vui trọn vẹn, với những người có điều kiện thì sau thu hoạch họ trữ lại, chờ tăng giá họ bán. Còn với những diêm dân ăn trước, trả sau như tôi thì bán liền, giá nào cũng bán chứ đâu có điều kiện để tích trữ, chờ giá”, anh Toàn tâm tình.
Đang lao động trên đồng muối, bất chợt có đám mây đen từ xa ùn ùn kéo tới vây kín một góc trời, anh Toàn ngước nhìn, rồi nhẹ giọng: “Mưa tới, vô chòi trú thôi em”. Vào căn chòi sập sệ, ẩm ướt có lẽ từ lâu đã vắng hơi người, anh Toàn nhấp vội ngụm nước rồi trải lòng về nghề muối đã gắn bó với gia đình anh từ bao thế hệ.
“Nghề muối thăng trầm lắm em, buồn nhiều hơn vui. Giá cả không do mình quyết định nên rất bấp bênh, không ổn định. Tất cả đều phụ thuộc vào thương lái hết”, anh Toàn nói.
Chỉ tay về phía xa của cánh đồng muối, anh Toàn trầm giọng: “Anh đang xin vào hợp tác xã (HTX) với mong muốn sẽ được Nhà nước quan tâm hơn. Mong muốn của anh là lãnh đạo các cấp sớm xây dựng nhà kho để lưu trữ muối hoặc có nơi để sản xuất, chế biến muối. Có như vậy thì mới mong giá muối ổn định hơn, không còn phụ thuộc vào thương lái. Hiện nay, do không có nơi lưu trữ, chế biến nên đến vụ thu hoạch thương lái họ muốn mua giá nào là họ mua chứ không có khung giá nhất định. Bởi do không có đơn vị trung gian can thiệp để bảo vệ quyền lợi của diêm dân, nên họ thích thì họ mua giá cao, còn không thích thì ép giá thấp.
Dù khổ cực vẫn quyết tâm bám nghề
Nhiều diêm dân ở những cánh đồng muối ở huyện Đông Hải ví von rằng, nghề sản xuất muối là nghề “cha truyền con nối” từ xa xưa nên dù khổ cực, họ vẫn bám giữ, quyết không bỏ. Thậm chí, có người còn hài hước bảo rằng, vị mặn mòi của muối đã thấm vào da thịt của diêm dân, hễ hôm nào quên tắm rửa sạch sẽ là coi như hôm đó diêm dân đó sẽ bị đẩy ra, không cho ngủ cùng nhau. Họ bông đùa như vậy để khẳng định rằng, nghề làm muối đã ăn sâu vào tiềm thức, thẩm thấu qua máu thịt của bà con tự bao giờ nên không thể dứt ra được.
Với họ, hằng ngày được ra đồng cầm trên tay những chiếc cào, gom từng hạt muối đến da tay khô khốc, chai sần mà vẫn thấy vui. Họ vui vì được làm chủ, được sống được trên chính mảnh đất, đồng ruộng quê hương mình mà không phải lệ thuộc vào ai.
Khi được hỏi nghề muối cơ cực, vất vả tại sao không bỏ hoặc chuyển sang nghề khác khoẻ hơn? Như chạm vào lòng tự ái của mình, ông Hồ Minh Chiến, diêm dân xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải đáp rằng: "Sao mà bỏ cho được, đây là nghề cha truyền con nối, đã gắn bó từ lâu thành ra yêu mến lúc nào cũng chẳng biết".
Ông Chiến chỉ biết rằng, từ đời ông nội ông đã gắn bó với nghề muối. Về sau, do già yếu nên ông nội đã truyền nghề lại cho cha ông rồi đến ông. Sắp tới là con và cháu của ông Chiến cũng sẽ tiếp bước nghề truyền thống này.
“Không bỏ nghề được đâu con ơi! Đất ở đây, quê hương, cội nguồn tất cả đều ở đây sao mà bỏ được. Nghề này đã ăn sâu vào máu thịt của diêm dân, giờ bỏ nghề muối thì biết làm gì. Nói gì thì nói mình làm chủ bản thân, gia đình còn hơn đi làm thuê làm mướn cho người khác. Nghề này nó độc lắm, hễ hôm nào tôi tắm rửa sạch sẽ, thơm tho làm mất mùi muối là bà nhà tôi không cho ngủ cùng. Nói vậy để biết nghề muối nó quan trọng như thế nào với diêm dân tụi tôi”.
Ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hải cho hay, toàn huyện hiện có hơn 1.300ha sản xuất muối. “Trong 5 năm trở lại đây, kể từ khi Bộ VH-TT-DL công nhận nghề sản xuất muối của Bạc Liêu là nghề di sản được bảo tồn. Kể từ đó, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đối với nghề muối được tốt hơn. Sau đó, đã có nhiều chương trình, dự án để vực dậy nghề làm muối, từ đó nghề muối ở Đông Hải có dấu hiệu phát triển. Diện tích sản xuất muối bắt đầu tăng trở lại, thu nhập của diêm dân cũng được cải thiện. Từ năm 2020 đến nay, giá muối không còn bấp bênh như trước, cơ bản ổn định, diêm dân sống được”, ông Tuấn cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, rào cản lớn nhất hiện nay đối với nghề muối là mạng lưới hạ tầng chưa đồng bộ, dẫn tới việc diêm dân bị thương lái ép giá. “Với những vị trí thuận lợi đường lộ giao thông, xe vào đến nơi thì giá muối cao hơn những vị trí xe cộ không vào được, phải vận chuyển bằng đường thủy, trải qua nhiều công đoạn nên giá trị thấp hơn”, ông Tuấn chia sẻ.