| Hotline: 0983.970.780

Người tiên phong trong việc sản xuất 'rau trẻ'

Thứ Tư 26/06/2019 , 13:10 (GMT+7)

Đứng giữa rau mầm và rau trưởng thành là “rau trẻ” tức rau baby.

Người đi tiên phong trong việc biến “rau trẻ” trở thành một trào lưu mới ở miền Bắc là chị Bùi Thị Thanh Hà-Chủ nhiệm HTX Sản xuất và Dịch vụ Nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, TP Hà Nội)…

20-10-13_dsc_4701
Nhiều khách tham quan ngạc nhiên về quy trình trồng rau baby.

Vốn xuất thân từ kỹ sư nông nghiệp, khi bắt tay vào khởi nghiệp làm rau baby 7 năm về trước, hai vợ chồng Hà đã ấp ủ chọn một cửa ngách để đi, đó là rau baby. Rau trưởng thành là rau đã phát triển được 80-90% khả năng sinh trưởng, còn rau baby thường chỉ mới đạt khoảng 40-50%. Chính vì vậy mà nó không chỉ ngon, nhiều dinh dưỡng mà còn gần như không có xơ, có bã, không phải nhặt bỏ phần cọng già mà chỉ rửa rồi dùng luôn nên đỡ tốn thời gian sơ chế (khi thu hoạch công nhân của HTX cũng thực hiện luôn khâu sơ chế luôn).

Giá rau đắt mà suy cho cùng cũng không đắt là bởi thế. Đối tượng hướng đến đến của rau baby là các khách hàng cần chế độ dinh dưỡng cao như trẻ em, người già, người ốm cũng như rất phù hợp với các bà nội trợ vốn bận rộn hiện nay…

Lúc mới bắt tay vào làm, khó khăn chồng chất khó khăn. Thiếu vốn nên hai vợ chồng phải vay mượn khắp đôi bên nội ngoại, người quen. Thiếu đất nên phải gom góp từ các hộ nông dân trong làng với hợp đồng ký theo thời gian 10-20 năm rồi làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng. Thiếu khách hàng phải ngược xuôi tự đi chào hàng, tiếp thị. Được cái chính quyền các cấp, từ xã, huyện đến TP đều hết sức quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ cho mô hình mới này.

Để hôm nay HTX đang duy trì hai dòng sản phẩm chính là rau mầm và rau baby trên diện tích đất gần 1,2ha với các nhà lưới, nhà màng, kho lạnh và khu sơ chế, bảo quản… Một quy trình khép kín mang tính bền vững được thiết lập. Hoa hồng trồng ở ven các lối đi với mục đích dẫn dụ côn trùng, tránh vào cắn phá.

Muốn có sản phẩm sạch, trước hết phải có hạt giống đảm bảo. Đối với các loại rau mầm, họ chọn giá thể là than bùn để loại bỏ tối đa các độc tố, còn những loại rau trồng trực tiếp xuống đất, khâu làm đất cũng được chăm chút kỹ lưỡng.

Giữa các vụ phải có thời gian cho đất nghỉ từ 10 đến 15 ngày để tránh các mầm bệnh còn tồn tại bên trong có nguy cơ lây lan cho vụ sau. Cơ sở không sử dụng phân hóa học mà dùng giá thể của rau mầm sau khi thu hoạch cũng như các rễ, sản phẩm thừa đem ngâm ủ thành phân để bón bổ sung lại dinh dưỡng cho đất.

20-10-13_dsc_4687
Cân rau baby trước khi xuất bán cho khách hàng.

Ngay cả nguồn nước cũng phải bảo đảm thật sạch sẽ trước khi được đưa vào hệ thống tưới tự động với các cảm biến thông minh giúp điều chỉnh liều lượng phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của rau. Hệ thống tưới tự động cũng giúp hạn chế tối đa lao động thủ công, tăng hiệu quả cho sản xuất.

Chính nhờ tuân thủ những công đoạn nghiêm ngặt đó mà từ rau mầm đến rau baby ở đây đều có ăn ngay tại ruộng. HTX đã được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất và sơ chế rau, được Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Hiện mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường hàng 150 - 200kg rau các loại cho nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn TP Hà Nội cũng như một số tỉnh thành lân cận, đạt doanh thu xấp xỉ 4 tỷ đồng/năm. Điều đó chứng tỏ cánh cửa ngách, lối đi hẹp năm nào của vợ chồng Hà là một hướng đúng.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Sản phẩm OCOP và câu chuyện phát triển vùng nguyên liệu

Bắc Kạn Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng phát triển vùng nguyên liệu.