| Hotline: 0983.970.780

Ngưỡng mộ xã đảo thu nhập cao ngất ngưởng

Thứ Tư 26/12/2018 , 06:05 (GMT+7)

Nhóm các xã đảo đang dẫn đầu tỉnh Kiên Giang về mức thu nhập bình quân đầu người, trong đó Hòn Tre là xã có thu nhập cao nhất với 66,4 triệu đồng/người/năm, bỏ xa nhiều xã trong đất liền.

Kinh tế biển và du lịch sinh thái biển, đảo đã giúp cho xã này tạo ra nguồn thu nhập nhiều nơi phải mơ ước.
 

Đảo khơi không xa

Kiên Giang là tỉnh ở phía Tây Nam của tổ quốc, nằm trải mình bên vịnh Thái Lan, thuộc vùng biển Tây. Thiên nhiên hào phóng đã ban tặng cho địa phương này nhiều ưu đãi: “Ngoài diện tích đất liền với đồng bằng thẳng cánh cò bay, còn có cả đồi núi, vùng biển rộng lớn hơn 63.000km2, với 140 đảo chìm, đảo nổi, trong đó gần 1/3 số đảo có dân sinh sống”.

00-38-23_2mot_goc_x_do_hon_tre_trung_tm_huyen_ly_cu_huyen_do_kien_hi_3
Một góc xã đảo Hòn Tre, trung tâm huyện lỵ của huyện đảo Kiên Hải

Từ thành phố Rạch Giá, phóng tầm mắt ra biển, chúng ta sẽ thấy một hòn đảo hình con rùa đang thò đầu ra hít sinh khí của đại dương. Đó chính là xã đảo Hòn Tre và cũng là trung tâm huyện lỵ của huyện đảo Kiên Hải. Là đảo có diện tích không lớn, chu vi quanh đảo chỉ khoảng 10km (đường quanh đảo) nhưng Hòn Tre có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội.

Nằm giữa biển khơi nhưng Hòn Tre không quá xa so với đất liền, nơi gần nhất (là phần đầu rùa, giáp với Hòn Me, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất) chỉ khoảng hơn chục km. Vì vậy, vị trí này được chọn để kéo điện lưới quốc gia đi nổi trên biển ra phục vụ người dân trên đảo. Hòn Tre cũng nằm trên trục giao thông đường biển kết nối Rạch Giá - Hòn Tre - Lại Sơn - Nam Du, với khoảng cách mỗi chặng tầm 30km, khá đều nhau.

Hiện nay, mỗi ngày có rất nhiều chuyến tàu cao tốc kết nối đảo với đất liền, từ 6h đến tận 14h. Sáng sớm, tôi chọn chuyến tàu cao tốc Superdong để ra đảo. Chỉ mất 45 phút từ khi rời bến cảng Rạch Giá, tôi đã đặt chân lên đảo Hòn Tre, vào đúng thời gian bắt đầu làm việc buổi sáng. Bước chân lên cầu cảng, ngay tại đồn Biên phòng, luôn có những người chạy xe ôm đưa đón khách, niềm nở chào mời, giới thiệu những điểm tham quan trên đảo, như bãi Chén, đầu rùa...

00-38-23_1hien_ny_moi_ngy_co_rt_nhieu_chuyen_tu_co_toc_ket_noi_rch_gi_-_hon_tre_-_li_son_-_nm_du
Hiện nay mỗi ngày có rất nhiều chuyến tàu cao tốc kết nối Rạch Giá - Hòn Tre - Lại Sơn - Nam Du

Nếu không thích xe ôm, bạn có thể thuê xe tự chạy với giá chỉ 100 - 120 ngàn đồng/ngày, chủ xe bao xăng cho bạn thỏa mái vi vu. Tôi thuê chiếc xe của anh Thành, thủ tục đơn giản chỉ là số điện thoại, đủ thấy sự an ninh, bình yên trên đảo. Chạy một vòng quanh đảo để trải nghiệm, sau đó tôi ghé vào xã để nắm thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hòn Tre, ông Lê Hữu Khanh vui vẻ cho biết: “Trước đây, nói đến đảo là người ta nghĩ đế sự xa xôi, cách trở. Nhưng bây giờ mọi thứ đã khác, ở đảo cũng chẳng thiếu thốn gì, giao thông đi lại thuận tiện, nước máy, điện lưới quốc gia… Thu nhập cao nhờ vào kinh tế biển. Khi mà tiềm lực kinh tế biển được đánh thức, mọi người đều quan tâm đến biển, hướng ra biển để tìm sự trong lành, đi du lịch, nghỉ dưỡng, tìm cơ hội làm ăn… thì càng có nhiều cơ hội để người dân trên đảo vươn lên làm giàu”.
 

Vươn lên từ biển

Hỏi về nguồn thu nhập bình quân cao ngất của xã, ông Khanh bảo: “Năm 2017, xã đã vượt qua mốc thu nhập 60 triệu đồng rồi, năm nay tiếp tục tăng thêm vài triệu nữa. Tất cả đều nhờ vào kinh tế biển, khai thác có, nuôi trồng có, du lịch có và cả một số vườn cây đặc sản trên đảo”.

00-38-23_3hon_tre_co_vinh_kh_lon_huong_mt_ve_dt_lien_ben_ngoi_d_duoc_du_tu_de_bo_chn_song_kien_co_vu_l_noi_trnh_tru_bo_cho_tu_c_vu_l_noi_nuoi_trong_thuy_sn_kh_n_ton_2
Hòn Tre có vịnh khá lớn, hướng mặt về đất liền, bên ngoài đã được đầu tư đê bao chắn sóng kiên cố, vừa là nơi tránh trú bão cho tàu cá, vừa là nơi nuôi trồng thủy sản khá an toàn

Hòn Tre hiện có gần 300 tàu khai thác, đánh bắt hải sản, có nghĩa là trung bình cứ ba hộ có một phương tiện (1.081 hộ với dân số 4.300 người). Năm 2018, sản lượng khai thác toàn xã đạt 34.100 tấn, với giá trị đạt gần 700 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 44 hộ làm nghề nuôi trồng thủy hải sản, với 280 lồng bè, mỗi năm mang lại giá trị hàng chục tỷ đồng.

Phía trước UBND xã Hòn Tre có vịnh khá lớn, hướng mặt về đất liền, bên ngoài đã được ngành nông nghiệp Kiên Giang đầu tư đê bao chắn sóng kiên cố, vừa là nơi tránh trú bão cho tàu cá, vừa là nơi nuôi trồng thủy sản khá an toàn. Vì vậy, người dân có thể tự làm lồng bè nuôi các loại cá với mức đầu tư không quá lớn. Chị Võ Thị Thắm, một người từ đất liền theo chồng ra đảo sinh sống mấy chục năm nay. Chồng đi biển, chị ở nhà vừa nội trợ vừa chăm sóc lồng bè nuôi cá. “Gần mười năm nay, gia đình tôi luôn chọn nuôi 2 loại là cá bóp và cá bống mú. Nhờ nhà có tàu đi khai thác nên chủ động được nguồn thức ăn cho cá và lợi nhuận từ các vụ nuôi cũng cao hơn”, chị Thắm chia sẻ.

00-38-23_4nguoi_dn_hon_tre_tu_lm_long_be_nuoi_cc_loi_hi_sn_voi_muc_du_tu_khong_qu_lon
Người dân Hòn Tre tự làm lồng bè nuôi các loài hải sản với mức đầu tư không quá lớn

Ngoài kinh tế biển, người dân trên đảo còn làm vườn, những loại cây trái đặc sản như hồ tiêu, bơ, xoài, mít... cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định. Năm nay, ước sản lượng hồ tiêu, bơ và các loại cây ăn trái của xã đạt 165 tấn, mang lại giá trị hơn 11 tỷ đồng. Hồ tiêu của xã Hòn Tre chất lượng không thua gì so với trồng ở Phú Quốc. Riêng giống bơ của hòn đảo này là một đặc sản, chất lượng vượt xa nhiều giống bơ trồng trong đất liền.

Có thu nhập tốt, người dân xã đảo Hòn Tre bắt tay cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới. Theo ông Bí thư, Chủ tịch Lê Hữu Khanh, hiện xã đã đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới. Còn 2 tiêu chí chưa đạt là tổ chức sản xuất (tiêu chí 13) và môi trường (tiêu chí 17). “Cái vướng hiện nay là xã chưa có hợp tác xã mà mới chỉ có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững (tổ hợp tác sản xuất hồ tiêu). Hiện xã đã hướng dẫn và thành lập hợp tác xã nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, do mới bước đầu hoạt động nên chưa đánh giá được hiệu quả. Về môi trường thì trên địa bàn xã chưa có khu xử lý rác thải rắn nên chưa đảm bảo. Chúng tôi đã kiến nghị cấp trên xem xét đầu tư nâng cấp trạm cung cấp nước sạch, xây thêm bồn chứa nước ở khu dân cư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu xử lý rác, nghĩa trang nhân dân. Giải quyết được những vấn đề này là xã thẳng tiến lên nông thôn mới”, ông Khanh nêu vướng mắc và hướng giải quyết.

00-38-23_5_ben_cnh_pht_trien_sn_xut_huyen_con_chu_trong_xy_dung_dng_ky_thuong_hieu_voi_nhn_hieu_tp_the_c_bop_kien_hi
Bên cạnh phát triển sản xuất, huyện còn chú trọng xây dựng, đăng ký thương hiệu, với nhãn hiệu tập thể “Cá bóp Kiên Hải”
00-38-23_7thu_nhp_co_nguoi_dn_hon_tre_du_tu_tien_ty_xy_dung_nhung_ngoi_nh_dep_khng_trng
Thu nhập cao, người dân Hòn Tre đầu tư tiền tỷ xây dựng những ngôi nhà đẹp, khang trang

Huyện Kiên Hải nằm trải mình trên hơn 20 hòn đảo lớn, nhỏ. Trong đó có 4 đảo lớn hình thành nên 4 xã Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du. Kinh tế biển, đảo mang lại nguồn thu lớn cho người dân Kiên Hải. Năm 2018, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của huyện đạt 3.039 tỷ đồng. Trong đó, giá trị ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản chiếm tới hơn 60%.

Hiện huyện đã triển khai dự án xây dựng chuỗi giá trị ngành nuôi cá lồng bè đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nuôi thử nghiệm tôm tích tại xã Hòn Tre; mô hình nuôi thử nghiệm cá khế vằn, cá bè vẫu, cá chim trắng vây vàng… đều đạt mức độ tăng trưởng tốt, tỷ lệ sống cao. Bên cạnh phát triển sản xuất, huyện còn chú trọng xây dựng, đăng ký thương hiệu, với nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Hòn Tre” và “Cá bóp Kiên Hải”.

Các xã của huyện đảo Kiên Hải đều đạt mức thu nhập bình quân đầu người rất cao, đứng đầu là Hòn Tre 66,4 triệu đồng, Nam Du 52,8 triệu đồng, An Sơn 51 triệu đồng, Lại Sơn 44,9 triệu đồng. Trong 4 xã thì Lại Sơn đã đạt 19/19 tiêu chí, đang chờ tỉnh xét công nhận để sớm trở thành xã xã nông thôn mới đầu tiên của huyện đảo.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Đưa sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn thị trường quốc tế

Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu là cơ hội để các chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước.