Năm 2000, Nhà máy Đường An Khê được xây dựng, thời điểm ấy, diện tích mía trên toàn vùng nguyên liệu (gồm các huyện phía đông tỉnh Gia Lai như Kbang, An Khê, Kông Chro) mới chỉ có 2.400ha. Đến nay - sau 15 năm, diện tích vùng nguyên liệu của nhà máy đã lên đến trên 25.000ha.
Gia Lai được đánh giá là tỉnh đứng đầu cả nước về sản xuất mía đường (gồm diện tích, năng suất và công suất chế biến công nghiệp).
Riêng các huyện phía đông của tỉnh (Đăk Pơ, Kbang, Kông Chro và thị xã An Khê) là vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khá thuận lợi cho cây mía. Từ khi có Nhà máy Đường An Khê, được sự hỗ trợ về nhiều mặt của nhà máy (phân bón, giống, kỹ thuật đến bao tiêu sản phẩm...), diện tích mía ở đây ngày một tăng, thu nhập của nông dân theo đó cũng được tăng cao.
Tuy nhiên, không ít hộ trồng mía vẫn còn tập quán canh tác theo lối truyền thống, quảng canh, chưa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, canh tác lệ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất mía hàng năm luôn dao động, thu nhập theo đó cũng bấp bênh.
Trong điều kiện quỹ đất cho sản xuất mía không mở rộng, công suất nhà máy lại tăng (20.000 tấn mía cây/ngày năm 2016), Nhà máy Đường An Khê xác định đầu tư chiều sâu để nâng cao năng suất, sản lượng đường trên đơn vị diện tích là việc làm cần thiết, nhằm tăng thu nhập cho người trồng mía, phát triển bền vững cho nhà máy và hoàn thành chỉ tiêu của ngành đường cả nước.
Những năm qua, nhà máy đã đầu tư gần 200 máy cày chuyên dùng có công suất lớn, trên 400 thiết bị phục vụ nhu cầu làm đất, trồng, chăm sóc, bón phân và thu hoạch bằng máy trên toàn vùng nguyên liệu.
Việc đưa cơ giới hóa vào thâm canh cây mía đã thể hiện rõ tính ưu việt của nó, năng suất mía tăng cao nên diện tích thực hiện cơ giới hóa cũng tăng theo từng vụ. Đến nay, nhà máy đã thực hiện cơ giới hóa trên 12.000ha. Riêng diện tích trồng bằng máy đạt được trên 5.200ha.
Tuy nhiên, do diện tích đất trồng mía của hộ nông dân nhỏ lẻ, không tập trung, do vậy việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng vẫn còn khó khăn. Trước tình hình trên, nhà máy đã phối hợp với địa phương, chủ trương thực hiện việc dồn điền, phá bờ lô, tạo ra cánh đồng lớn chuyên canh mía với mục đích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất.
Nhà máy đã triển khai thực hiện được trên 1.000ha mô hình cánh đồng lớn. Năng suất thực hiện qua các vụ bình quân của ruộng mía cánh đồng lớn đạt 116,33 tấn/ha (cao hơn những diện tích làm cơ giới hóa nhỏ lẻ 10 - 20 tấn/ha, cao hơn ruộng mía trồng theo lối truyền thống 30 - 40 tấn/ha).
Việc đưa cơ giới hóa vào đồng mía lớn, áp dụng với việc không ngừng nghiên cứu các giống mới làm cho năng suất mía tăng nhanh chóng (từ 53 tấn/ha năm 2012, đến nay trên 65 - 70 tấn/ha), thu nhập của nông dân cũng tăng trong khi chi phí sản xuất giảm.
Mới đây, nhà máy đã đầu tư máy thu hoạch mía liên hợp, hiện đang thu hoạch trên những cánh đồng lớn, đưa vào vận hành, loại máy này đã thể hiện rõ tính ưu việt của mình: Thu hoạch bằng máy nhanh (bình quân đạt 300 tấn mía/ngày, bằng 200 công lao động vừa thu hoạch, vừa bốc xếp lên xe mỗi ngày). Việc ứng dụng máy thu hoạch mía liên hợp đã giải được bài toán thiếu hụt lao động, đồng thời tiết kiệm chi phí cho người trồng mía tối thiểu 50.000 đồng/tấn.
Một đặc điểm nữa cũng "hút" được nông dân là máy thu hoạch cắt sát gốc mía, giúp mía tái sinh tốt, giảm chi phí xén gốc sau thu hoạch tối thiểu 1.000.000 đồng/ha, giảm tổn thất khi thu hoạch tối thiểu 5 tấn/ha; mía thu hoạch được vận chuyển kịp thời, đảm bảo mía tươi, sạch, nâng cao hiệu quả thu hồi trong sản xuất. Ngoài ra, việc thu hoạch bằng máy đã để lại cho đồng ruộng một lượng hữu cơ từ lá mía, giúp nông dân tiết kiệm tối thiểu trên 3 triệu đồng/ha tiền băm lá mía bón lại...
Thấy được hiệu quả cao từ việc đưa cơ giới hóa vào cánh đồng lớn, nhà máy cùng các địa phương đã vận động nông dân dồn điền đổi thửa, xây dựng nên những cánh đồng mía lớn.
Ông Đinh Bát - Chủ tịch UBND xã Kông Pla (huyện Kbang), cho biết: Trong tổng diện tích của xã trên 4.000ha, đã có khoảng 1.300ha mía. Hiện xã đã xây dựng được 7 mô hình cánh đồng mía lớn. Những vụ tới, xã sẽ tiếp tục vận động bà con dồn điền đổi thửa, xây dựng thêm nhiều cánh đồng lớn.
Nông dân Đinh Chôi (dân tộc BahNar ở làng Lợt, xã Kông Pla) là một trong những điển hình về việc tham gia cánh đồng mía lớn. Anh cho biết: Làm cánh đồng lớn chi phí thấp, đỡ tốn công lại cho năng suất cao hơn. Vậy nên, "mình vận động những người có ruộng mía gần nhà mình cùng liên kết làm nên những cánh đồng lớn, để thuận tiện trong việc đưa máy móc vào cánh đồng", Đinh Chôi nói.
Tỉnh Gia Lai đã cho phép Nhà máy Đường An Khê nâng công suất ép lên 18.000 tấn mía/ngày vào năm 2016. Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi cũng đang tiến hành mở rộng quy mô Nhà máy Đường An Khê theo lộ trình trên.
Để đáp ứng được công suất trên, trong điều kiện quỹ đất cho vùng nguyên liệu không tăng, theo ông Nguyễn Hoàng Phước - Trưởng phòng Đầu Tư - Nguyên liệu (Nhà máy Đường An Khê) thì nhất thiết phải tập trung xây dựng nên những cánh đồng mía lớn, liền vùng liền thửa. Có vậy mới đưa được máy móc vào đồng ruộng, mới nâng được năng suất, sản lượng mía...
Giám đốc Nhà máy Đường An Khê - ông Nguyễn Văn Hòe, cho biết: Thời gian tới, nhà máy sẽ tiếp tục đưa cơ giới hóa vào sản xuất mía từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, bón phân, băm vùi rác mía... tối thiểu trên 15.000ha. Cũng theo ông Hòe thì, để đạt được kế hoạch trên, rất cần thiết tập trung cho việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đồng bộ như giống mía mới, phân bón, cơ giới hóa vào đồng ruộng để thâm canh tăng năng suất mía từ 65 tấn/ha năm 2015 lên 80 tấn/ha vào năm 2020...