Nhà thơ Phạm Tường từng làm giáo viên nhiều năm ở Quảng Ngãi và Gia Lai, trước khi gia nhập đời sống thi ca. Sau hai tập “Gõ thức chân mây” (2005) và “Trước cổng ngày” (2008) nhà thơ Phạm Tường tái ngộ độc giả bằng tập thơ “Mây không mùa”.
Với tập thơ “Mây không mùa” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành, nhà thơ Phạm Tường vẫn giữ được cốt cách luôn khiêm nhu và giàu trắc ẩn của ông. Thật mừng, sau chuỗi ngày bôn ba xa xứ, thơ không bỏ ông và ông không bỏ thơ. Thơ như người tình lặng lẽ bên ông, và ông tự nguyện dâng hiến những run rẩy đời mình cho thơ, dẫu đâu đó giữa hoang mang vẫn “nghe muôn sóng động trùng khơi gọi mình”.
Cuộc sống nơi đất khách luôn luôn không đơn giản. Cạm bẫy khác, u uất khác, tủi hờn khác đã bủa vây nhà thơ Phạm Tường. Cứ ngỡ ông sẽ trút vào thơ những thiệt thòi, những lầm lạc, những oán than. Vậy mà không, thơ ông vẫn nhẹ nhàng bao lời thì thầm. Ông dọn lòng mình thật trong trẻo, thật lương thiện để thả trái tim ân cần vào nỗi bâng khuâng “tự lưu đày từng nhịp thở xót xa”.
Đọc thơ Phạm Tường, không khó khăn gì để nhận ra một con người biết cách xoa dịu đắng cay của bản thân và biết cách bao dung lầm lỡ của kẻ khác. Ông thu về những âu lo để vỗ về “Ta - lòng ga vắng đơn phương phận đời” và ông thu về những đổ vỡ để chở che “Ta - thân con nhện muộn rời lưới tơ”. Vì vậy, trong thơ ông hiện diện rất rõ phẩm chất trìu mến với cuộc sống và hàm ơn với số phận: “Chợt tan loãng trước mù khơi. Nửa chơi vơi đọng trong hơi thở tình”.
Nhà thơ Phạm Tường trong tập thơ "Mây không mùa" không chuộng chữ nghĩa màu mè và bay bổng. Ông dùng những ngôn từ bình dị mà vẫn viết được những câu thơ xao xuyến nhạc điệu. Và quan trọng hơn, đã qua ngưỡng “cổ lai hy”, ông nương theo miền hoài vọng để bước chênh vênh dọc hành trình kỷ niệm: “Tiếng chuông đi lạc vào khuya. Kéo muôn nghìn nhớ đau chia ly về”.
Bởi lẽ ấy, ký ức không nhạt nhòa sương gió và dĩ vãng cũng không mịt mờ rong rêu, giúp ông có những vần lục bát nôn nao: “Từ xuân xưa tận bây giờ. Em cho ta cái bất ngờ long đong. Bỗng dưng mưa đổ ngược dòng. Mình vô tình để em bồng nỗi đau”.
Đời thường, cái dáng thấp đậm của nhà thơ Phạm Tường có vẻ vừa lầm lũi vừa ung dung. Thế nhưng, ông lại gửi ánh mắt đa đoan của mình cho những mệnh kiếp nổi trôi, cho những sương gió ngậm ngùi. Ông hiểu mình trong cõi riêng “Em - nỗi nhớ vây trùng trùng kiếp kiếp”, chỉ để thở dài “khuyết duyên trăng mỏi bên cồn” mà cảm tạ cõi nhân gian đầy vơi mong ngóng: “Em mặc màu mây nõn/ Xin lễ rước chiêm bao”.
Nhà thơ Phạm Tường nhiều trải nghiệm. Ông dám trả giá và chịu trả giá cho những điều mình chờ đợi, những điều mình khát khao. Ông đứng giữa cô đơn mà không sợ hãi cô đơn, vì ông có sẵn chân trời tuổi thơ, chân trời cố hương để ôm ấp, để nâng niu: “Tự ru mình càng thêm lẻ loi hơn. Trên đỉnh nhớ mù lòa nghe sóng vỗ”.
Vì sao “Mây không mùa”? Vì mây không cũ theo mùa. Vì mây vẫn bay, và Phạm Tường vẫn miệt mài thơ. Thơ gửi mây xa, thơ níu mùa gần. Thơ cho người tin thơ và yêu thơ.