| Hotline: 0983.970.780

Nhà văn Thái Vũ: Trang đời lấp lánh trang văn

Chủ Nhật 18/08/2019 , 14:10 (GMT+7)

Sinh thời, nhà văn Thái Vũ luôn lấy chữ Đức làm tôn chỉ của cuộc đời mình và nếu lấy thước đo tinh thần làm chuẩn, những tác phẩm của ông có giá trị lớn lao cho hôm nay và mai sau.

Tòng quân tuổi 16

Hình như mỗi nhà văn, nhà khoa học, hay bất kỳ người trí thức chân chính nào cũng đều phải bỏ cả cuộc đời ra, từ chối những con đường mang đến vinh hoa phú quý.

Nhà văn Thái Vũ (1928 – 2013). Ảnh tư liệu: KMS.

16 tuổi anh thanh niên Bùi Quang Đoài, vừa đỗ Thành chung đã xung phong gia nhập đoàn quân Nam tiến. Sau khi học trường Lục quân Quảng Ngãi do “Lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn làm Hiệu trưởng anh là chỉ huy cấp bậc Đại đội (lúc ấy chưa bình quân hàm sĩ quan); phụ trách văn hóa Phòng Chính trị khu V, huấn luyện viên quân sự khu V. Cuối năm 1951, Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu V Trần Lương ký lệnh đặc biệt cho Bùi Quang Đoài xuất ngũ và cử đi học Dự bị Đại học khóa I (1952- 1953)…

Mới ở bộ đội về một thời gian ngắn, theo thân phụ, Bùi Quang Đoài đến gặp GS Đặng Thai Mai, thầy khuyên “phải đi học lại”. Khóa I ĐHSP Văn khoa ngày ấy (gồm hai ban Văn khoa và Sử-Địa) đa số là anh em đó có bằng chuyên khoa Tú tài, đã đi dạy cấp II-III trong kháng chiến và học sinh vừa tốt nghiệp cấp III, một số là cán bộ các nghành đã qua Dự bị Đại học. Riêng Bùi Quang Đoài là cán bộ quân sự cấp bậc Đại đội học ngay năm thứ ba, năm cuối khóa.

Vào học ĐHSP Văn khoa, Bùi Quang Đoài được anh em bạn bè phục với kiến thức Đông Tây kim cổ thông thạo, đồng thời anh còn là một nhạc sĩ, thi sĩ tài hoa của Hội văn nghệ quân đội, có thơ và truyện ngắn đăng nhiều trên báo Độc lập (cơ quan ngôn luận của Đảng Dân chủ Việt Nam lúc bấy giờ), báo Văn nghệ Trung ương. Bài thơ “Các anh” được tuyển in trong Tuyển tập THƠ 1950-1954 đồng thời là bài giảng trong SGK từ năm 1956 đến năm 1963.

Một số tác phẩm của nhà văn Thái Vũ.

Nhà văn Thái Vũ (1928-2013), tên khai sinh là Bùi Quang Đoài, quê làng Di Luân (xứ Ròn) xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho truyền thống điển hình. Ông nội là Văn thân Cần Vương chống Pháp bị đày đi Guyane 9 năm. Cha bị Pháp bắt tù hai lần vì“tội yêu nước”…

Ba anh em trai ông, anh cả Bùi Trị, em trai út – họa sĩ Bùi Quang Ngọc và ông tham gia tòng quân, đã được Chính phủ tặng Bảng vàng danh dự về truyền thống gia đình kháng Pháp. Đó là niềm tự hào chung của cả gia đình.

Mùa hè năm 1957, Đại hội thành lập Hội nhà văn Việt Nam họp tại Câu lạc bộ Đoàn Kết, gần Nhà hát lớn Hà Nội. Đại hội đó bình chọn khá chặt chẽ lớp hội viên đầu tiên. Đồng thời tranh luận khá gay gắt vấn đề có nên công nhận những cây bút viết truyện trinh thám và truyện kiếm hiệp “ba xu” không? Cùng với thầy là nhà phê bình văn học, Giáo sư Trương Tửu - Nguyễn Bách Khoa, Bùi Quang Đoài có tên trong danh sách những hội viên sáng lập.
 

Viết tiểu thuyết về Việt Nam

Tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc, Bùi Quang Đoài được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy - Thư ký học thuật khoa văn duyệt giáo án để trình giáo sư lên bục giảng.

Cuối năm 1957, vụ Nhân văn giai phẩm diễn ra. Trước đó, Bùi Quang Đoài có viết bài cho tờ Đất Mới.

Thế hệ những sinh viên khai khoa của nước VNDCCH: Bùi Quang Đoài, Hà Thúc Chỉ, Cao Xuân Hạo, Phan Kế Hoành, Văn Tâm “mắc vạ” chỉ vì tờ Đất Mới bị coi là “đàn em” của Nhân văn Giai phẩm.

Sau “vết thương đầu đời”, danh dự bị tổn thất, mọi người xung quanh xa lánh vì sợ bị liên luỵ.

Cuộc sống trong tương lai, sinh mệnh chính trị của người trí thức trẻ sẽ ra sao nếu không có những nhà đại trí thức công tâm giàu nhân cách như Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, GS Đặng Thai Mai, GS Phạm Huy Thông… mở rộng vòng tay chào đón?

Ông kể cho tôi nghe, dù bị kỷ luật không cho dạy Đại học, ông vẫn ở Bộ Giáo dục rồi qua nhận công tác Uỷ viên phụ trách đối ngoại bên Phòng Tuyên truyền Báo chí do ông Trần Thanh Mại làm Trưởng phòng.

GS Nguyễn Văn Huyên - Bộ trưởng Bộ Giáo dục muốn cử ông vào dạy ĐHSP Vinh nhưng ông từ chối. GS Phạm Huy Thông – Giám đốc ĐHSP Hà Nội muốn nhận lại về trường, ông cũng chỉ cảm ơn thầy.

GS Đặng Xuân Thiều - thầy dạy chính trị - viết giấy nhận ông về công tác ở Đội Khảo cổ (tiền thân của Viện Khảo cổ ngày nay) do ông phụ trách, cử làm tổ trưởng nghiên cứu, ông lại cám ơn thầy vì không thích khảo cổ học.

Năm 1963, GS Đặng Thai Mai - Viện trưởng Viện Văn học có quyết định nhận Bùi Quang Đoài về viện, ông tiếp tục từ chối thêm một lần nữa.

“Con học Đại học chỉ mong có trình độ và kiến thức để viết tiểu thuyết, mà là tiểu thuyết về Việt Nam…”. Ông đã trả lời thầy Đặng Thai Mai như vậy. Trước đó, Bùi Quang Đoài bỏ theo một lớp nghiên cứu sinh để đi Liên Xô đầu tiên, cũng từ chối qua công tác hợp tác văn hóa bên Ấn Độ…

“Cách phát biểu tốt nhất của nhà văn là bằng tác phẩm. Lịch sử hào hùng của dân tộc ta là một kho báu mà các nhà văn chúng ta khai thác không cùng” - Nhà văn Thái Vũ tâm sự và ông đã tự chọn cho mình một hướng đi riêng: Tốt nghiệp hạng ưu Văn khoa, ông lại chuyển hướng nghiên cứu lịch sử để viết tiểu thuyết, không phải tiểu thuyết thông thường mà là tiểu thuyết lịch sử - lĩnh vực khó ai theo nổi.

Nhà văn Thái Vũ thăm nhà thơ Hữu Loan (1916-2010). Ảnh tư liệu: KMS.

Năm 1963, bút danh Thái Vũ ra đời theo gợi ý của hai nhà trí thức lớn: Trần Huy Liệu và Hoa Bằng với sự đồng ý của GS Đặng Thai Mai và tác phẩm đầu tay, bộ tiểu thuyết lịch sử mang tên Ba Đình dày 1200 trang ký tên Thái Vũ đã tạo được tiếng vang lớn.

Từ đó, nhà văn Thái Vũ đã cho ra đời liên bộ tiểu thuyết về đề tài chống ngoại xâm qua các thời kỳ lịch sử từ cuối đời các vua Hùng đến đầu thế kỷ XX: Mỵ Châu - nàng công chúa thành Loa (tức Tình sử Mỵ Châu - NXB Trẻ, 1988); Trần Hưng Đạo - thế trận những dòng sông (tức Hịch truyền - NXB Quân đội nhân dân, 1988); Cờ nghĩa Ba Đình (2 tập) - NXB Quân đội nhân dân, 1976-1981; Biến động (Giặc chày vôi) - NXB Thuận Hóa, 1984; Thất thủ kinh đô Huế (tức Huế 1885 - NXB Thuận Hóa, 1985); Hàm Nghi - vua không ngai (tức Những ngày Cần Vương - NXB Thuận Hóa, 1990); Thành Thái - người điên đầu thế kỷ - NXB Văn học, 1996. Và nhiều tác phẩm khác về nhiều chuyên nghành: Đường vô Huế (ký, 1972), Tuổi xanh Nguyễn Đình Chiểu (1988), Xứ Ròn-Di Luân, thời gian và lịch sử (viết chung, 1999).

“Tôi là tôi, nhưng chính ra không phải là tôi, khi tôi viết mỗi tác phẩm. Nhưng phải nói là nó tồn tại theo thời gian mà thực sự nó có tồn tại đâu trong suy tư nhất thời của tôi, vì nó từ cõi vô thức mà đến với tôi. Mỗi tác phẩm văn học đều có thể là như vậy.

Ôi cái đạo làm người chủ thể vẫn con người khi ta tư duy chính là chạy theo cái đẹp”.

(Nhà văn Thái Vũ: Suy nghĩ về nghề văn)

(Kiến thức gia đình số 33)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.