Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29/10/1924 tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Và ông đã nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng vào ngày 8/12/2015 trên chính đất đai quê nhà. Mặc dù, đồng nghiệp và công chúng không còn thấy bóng dáng gầy gò và trầm tư của ông trên cõi đời nữa, nhưng tác phẩm Trang Thế Hy và nhân cách Trang Thế Hy vẫn là câu chuyện được truyền tụng một cách trìu mến trong sinh hoạt tinh thần không chỉ riêng khu vực Nam bộ.
Vì vậy, cùng với việc trao tặng Giải thưởng Cống hiến năm 2024, Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức tọa đàm tưởng niệm nhà văn Trang Thế Hy để giới văn chương và bạn đọc có dịp cùng nhau nhớ lại: Cách đây 100 năm, từ xứ dừa có một nhà văn ưu tú đã chào đời và tận tụy làm “người bào chế thuốc giảm đau” bằng chữ nghĩa cho “những con người nghèo cực nhưng cởi mở, biết từ chối những ham muốn vô lý, dẹp bỏ những bất bình vô ích để vui cái vui khiêm nhường của cuộc sống hẩm hiu”.
Nhà văn Trang Thế Hy không phải nhân vật thành đạt sớm trong văn chương. Bút danh Trang Thế Hy cũng xuất hiện sau cột mốc 1975, còn trước đó ông dùng các bút danh Song Diệp, Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Minh Phẩm, Vũ Ái Văn…
Tác phẩm đầu tay của Trang Thế Hy là trường ca “Thanh gươm tháng Tám” in trên báo Nhân Dân Nam Bộ vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông chuyển sang chuyên chú thể loại văn xuôi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, với các truyện ngắn “Bên miệng hố bom đìa”, “Hột bụi”, “Quê hương thứ hai của người du kích”, “Vui nhỏ trên đường dây”, “Áo lụa giồng”, “Nắng đẹp miền quê ngoại”… Trong đó, đáng chú ý nhất là truyện ngắn “Anh Thơm râu rồng” được trao giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn Nghệ Giải Phóng miền Nam Việt Nam năm 1965.
Chung vai chung sức với đồng bào Nam bộ qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhà văn Trang Thế Hy đã khẳng định trên trang viết của ông: “Chiến tranh có khi là ân nhân của một dân tộc bất hạnh nào đó. Nhưng vị ân nhân khó thương đó đã đi qua rồi thì cứ để cho ổng đi qua luôn, mắc mớ gì níu áo ổng lại xin ý kiến? Lúc ổng làm ân nhân mình, ổng dạy bảo mình nhiều điều rất hay ho trong cảnh đầu rơi máu đổ. Nhưng trong hoà bình ổng không còn là một cố vấn tốt nữa đâu”. Và đồng thời, ông cũng khẳng định: “Nước mắt khóc người chết vì Tổ quốc, đâu phải là nước mắt dư, mà mình mắc cỡ”.
Nhà văn Trang Thế Hy viết không nhiều. Cả sự nghiệp của ông có khoảng hơn 50 truyện ngắn, 20 bài thơ và bốn tiểu thuyết được in nhiều kỳ trên nhật báo. Có thể nói, 15 năm sau ngày đất nước thống nhất là khoảng thời gian chín muồi của hành trình sáng tạo Trang Thế Hy, với một loạt truyện ngắn tạo được ấn tượng mạnh mẽ như “Mưa ấm”, “Nợ nước mắt”, “Nghệ thuật làm bố dượng”, “Về nhà trước cơn mưa”, “Tiếng hát và tiếng khóc”, “Vết thương thứ 13”…
Với quan niệm “trong cao hứng phóng bút, phải nghiêm cẩn tự dặn dò mình đừng bao giờ tùy tiện bịa đặt”, nhà văn Trang Thế Hy chủ động hướng tác phẩm của mình về phía những số phận lam lũ và yếu thế mà ông xác định cần bênh vực “hạng khố rách áo ôm lúc nào cũng có thể bị ức hiếp và lăng nhục”. Và ông đã tìm ra vẻ đẹp ẩn giấu bên trong những con người bình thường và bình dị. Qua văn chương Trang Thế Hy, mỗi con người đều xứng đáng được cảm thông và nâng đỡ để sống lương thiện và an lành, theo cách mà ông tự nhắc nhở bản thân: “Chính vì sợ chất đắng trên trang giấy, mà người cầm bút lại duy trì chất đắng trong cuộc sống, có nghĩa là làm ngược lại cái điều mình mơ ước”.
Đọc tác phẩm Trang Thế Hy, ai cũng dễ dàng tìm thấy sự chiêm nghiệm và sự bao dung “đối với người đau khổ có nhân cách, nỗi khổ sẽ nhỏ đi”. Đặc biệt, ông luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm của người cầm bút. Trong truyện ngắn “Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn”, ông đã xây dựng hình ảnh nhân vật Tư Chơi “tuổi già của tôi lạnh lẽo thật, nhưng tôi không muốn sưởi ấm bằng hào quang của người khác”, để gửi gắm thông điệp: “Khi nào biết mình viết hết được rồi thì phải đi chỗ khác chơi, đừng bẹo hình bẹo dạng ở chỗ trường văn trận bút và tuyệt đối đừng để những người hâm mộ mình đọc những câu lếu láo”.
Thái độ tự trọng ấy được nhất quán suốt cuộc đời Trang Thế Hy, để ông thong dong làm một “người bào chế thuốc giảm đau”, như tên gọi một truyện ngắn ông viết năm 1963: “Trong y học, khi thuốc giảm đau gây tác hại thì đó là lỗi của người sử dụng thuốc chứ không phải lỗi của người bào chế thuốc. Trong nghệ thuật, người nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm về bào chế phẩm của mình”.
Bây giờ, nhà văn Trang Thế Hy không còn nữa, nhưng tác phẩm của ông vẫn tiếp tục làm “thuốc giảm đau” cho độc giả, cho cộng đồng. Chẳng có gì nghi ngờ trước một sự thật đáng trân trọng: Nhà văn Trang Thế Hy vẫn đang hiện diện và sẽ đồng hành chúng ta đi tới tương lai./.