Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001) là một tên tuổi vượt khỏi biên giới Việt Nam. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngay trong năm tháng Việt Nam nếm trải đau thương bom đạn ở thế kỷ 20, đã có nhiều ca khúc chinh phục trái tim những ai yêu chuộng hòa bình trên hành tinh.
Bước qua thập niên thứ 3 thế kỷ 21, đối với giới mộ điệu quốc tế, những ca từ phản chiến của Trịnh Công Sơn thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ, mà nói cho sòng phẳng thì chẳng thua gì nhạc sĩ Mỹ - Bob Dylan được trao giải thưởng Nobel văn chương 2016.
Bên cạnh mảng tình ca, sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có thành tựu rất lớn ở mảng ca khúc cổ vũ hòa bình. Có nhiều ca khúc trong dòng âm thanh “Da Vàng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến bây giờ vẫn còn khá ít người biết, như ca khúc “Một ngày vinh quang, một ngày tuyệt vọng” với niềm xót xa “ngày ngày tôi nhìn mặt mày anh em/ mịt mùng như đêm như sao bạc mệnh” hoặc ca khúc “Mùa áo quan” với nỗi ám ảnh “đoàn người đi xa qua xương thịt đỏ/ ruộng vườn nhớ quá bao nhiêu cửa nhà”
Không thể nào phủ nhận, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một nhân vật đắm say hòa bình. Ca khúc “Nhân danh Việt Nam” được ông viết năm 1970: “Nhân danh hòa bình, ta chống chiến tranh/ Nhân danh cơm áo, ta chống chiến tranh/ Nhân danh xương máu, ta quyết đòi hòa bình/ Nhân danh Việt Nam, ta chống chiến tranh/ Nhân danh phú cường, ta chống chiến tranh/ Nhân danh đổ nát, ta chống chiến tranh/ Nhân danh mơ ước, ta quyết đòi hòa bình. Nhân danh tình thương, ta chống chiến tranh”.
Đứng trên quê hương chịu đựng mất mát khói lửa, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cất lên những tiếng gọi cồn cào: “Xin nối những mùa xuân xanh cho lòng tuyệt vọng/ Xin cây trái mọc ngon cho chức dân nhục nhằn/ Xin cho trường học mở lớp đêm đêm/ Xin cho ngục tù thành những công viên/ Và xin cho đứng gần một đời sống không mang thù hận”.
Khi bắt đầu nổ ra xung đột Ukraine, công chúng lại nhắc đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng tất cả sự trìu mến. Bởi lẽ, tài năng và tấm lòng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn hướng đến giá trị chung của nhân loại khao khát cuộc sống ấm êm.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng có chuyến giao lưu văn hóa tại Liên Xô vào tháng 5/1985 và viết ca khúc “Ngọn lửa vĩnh cửu ở Matxcova” nhiều gửi gắm: “Từ Matxcova có ngọn lửa ngày đêm cháy/ Từ Matxcova ngọn lửa ấy đời đời/ Lửa cháy trên nấm mộ thương nhớ/ Lửa cháy trên khăn quàng em bé/ Từ Matxcova có ngọn lửa ngày đêm cháy/ Lửa ấy trong tim hòa bình giữa lòng người”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã qua đời 21 năm. Nếu còn sống, chắc chắn ông sẽ viết ca khúc khác về Matxcova, về Kiev, về chiến dịch quân sự đặc biệt gây tổn thương không ai mong muốn.
Vì sao mạo muội đưa ra giả thuyết như vậy, vì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có ca khúc “Tự tình khúc” viết năm 1970: “Tôi như nụ cười nở trên môi người, phòng khi nhân loại biếng lười/ Tìm tôi đi nhé, đừng bối rối/ Đừng mang gươm giáo vào với đời” và ca khúc “Như tiếng thở dài” viết năm 1973: “Đường tương lai xin nhắc từ đầu, cùng anh em trên khắp địa cầu, hãy gần nhau/ Và riêng tôi xin có một ngày, ngồi thong dong trao đến mọi loài, chút tình tôi”.
Hòa bình cho mọi người luôn là thái độ được chọn lựa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông nhấn mạnh ý nghĩa hòa bình trong nhiều sáng tác của mình, như “Đồng dao hòa bình” viết năm 1968, “Cánh đồng hòa bình” viết năm 1969 hoặc “Hòa bình là cơm áo” viết năm 1972.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trân trọng hòa bình, vì ông ngậm ngùi cho từng số phận trong chiến tranh. Ca khúc “Ngày về” được ông viết năm 1970: “Một bàn cơm ngon trước ghế không người/ Mẹ bày cho con với nước mắt rơi/ Gọi hồn con thiêng hãy đến đây ngồi/ Lòng mẹ nghe như có tiếng nói cười”, và ca khúc “Xác ta xác thù” được ông viết năm 1972: "Xác ta xác thù hôm nay/ Rất nhiều trên hàng kẽm gai/ Xác ta xác thù hôm nay, rất nhiều hôm nay, rất nhiều trên thành phố ấy/ Đừng buồn chi em, ta như cỏ mọn bên đường/ Từng phe cho đấy là chiến công”.
Sau nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chúng ta chưa có nhạc sĩ nào đủ tâm và đủ tầm để nhắc nhở nhân loại phải sốt ruột mưu cầu hòa bình. Trong tiếng súng rền vang nhức nhối ở Ukraine, chúng ta lại nghe những lời thầm thì lương tri của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Đường rất mừng, một đường rất mừng/ Đường bay đầy một đàn chim trắng/ Chân thong dong không còn bước ngập ngừng, đường nối liền/ Đường nhân loại một đường rất dài/ Đường sau này một người sẽ tới/ Đường tương lai không ai thù ghét ai, đường lứa đôi”.