Ca khúc ‘Nắng thủy tinh’ được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (28/2/1939 – 1/4/2001) viết vào năm 1963. Ca khúc ‘Nắng thủy tinh’ được cho là một cột mốc khởi điểm cuộc tình giữa Trịnh Công Sơn và Dao Ánh mà những nhà làm phim “Em và Trịnh” chuyển tải lên màn ảnh. Ca khúc ‘Nắng thủy tinh’ do diễn viên trẻ Avin Lu (đóng vai Trịnh Công Sơn lúc trẻ) song ca cùng ca sĩ Suni Hạ Linh.
Điểm độc đáo của ca khúc ‘Nắng thủy tinh’ thực hiện MV là cách thể hiện kiểu hoạt hình tĩnh vật, với hai mô hình búp bê tượng trưng cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nàng thơ Dao Ánh.
MV ‘Nắng thủy tinh’ phát hành đúng dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 83 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và nhằm đánh động đám đông cho sự xuất hiện của bộ phim “Em và Trịnh” dự kiến ra rạp ngày 1/4/2022. Chiến lược tiếp thị rất cần thiết để phục vụ tính thương mại của một tác phẩm nghệ thuật, nhưng xác định ca khúc ‘Nắng thủy tinh’ được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết riêng cho Dao Ánh thì hơi khiên cưỡng.
Không thể dựa vào ca từ “em qua công viên mắt em ngây tròn/ lung linh nắng thủy tinh vàng/ chợt hồn buồn dâng mênh mang” trong ca khúc ‘Nắng thủy tinh’ để xác lập một giai đoạn thanh xuân yêu đời tươi sáng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sự suy tư về tình yêu và thân phận vốn thường trực ở nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ thời niên thiếu bước chân vào con đường thi ca và âm nhạc, chứ không phải vì Dao Ánh khơi mở hay bóng hồng cụ thể nào đánh thức.
Ca khúc ‘Nắng thủy tinh’ được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác cùng thời điểm với ca khúc “Gọi tên bốn mùa”. Ca khúc “Nắng thủy tinh” nằm trong mạch cảm xúc với nhiều ca khúc trước đó như “Lời buồn thánh” viết năm 1959, “Diễm xưa” viết năm 1960, “Hạ trắng” viết năm 1961, “Biển nhớ” viết năm 1962.
Đồng thời ca khúc “Nắng thủy tinh” cũng nối mạch cảm xúc với nhiều ca khúc mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết năm 1964 như “Ru em từng ngón xuân hồng”, “Như cánh vạc bay”, “Tạ ơn”... Đó là tâm trạng “dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời tạ ơn ai đã đưa em về chốn này, ta xây mãi cuộc vui” nên hậu sinh không thể tùy tiện gán ghép “Nắng thủy tinh” vào một chuyện tình mơ hồ “Em và Trịnh”.
Bộ phim “Em và Trịnh” có vẻ phô diễn tham vọng lý giải những rung động trái tim nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng thực tế chỉ nhằm ăn theo tên tuổi Trịnh Công Sơn. Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn tại thế, bộ phim “Em còn nhớ hay em đã quên” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần còn chưa thể hé lộ chuyện tình Trịnh Công Sơn thuyết phục đám đông, thì bây giờ nhiệm vụ ấy càng bất khả thi đối với bộ phim “Em và Trịnh”.
Hãy nhớ rằng, nghệ thuật và đời thường rất cách xa nhau. Trong sáng tạo, tài năng càng lớn thì nhân ảnh đời thường càng nhạt nhòa khi chuyển hóa sang nghệ thuật. Gắng gượng đưa Dao Ánh hay bất cứ người đẹp nào lên màn ảnh để minh định nguyên mẫu ca khúc Trịnh Công Sơn, đều là việc làm vô nghĩa và ngây ngô.
Nếu nói ca khúc nào của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho ai hoặc viết vì ai một cách rõ ràng, thì may ra chỉ có thể kể đến 3 ca khúc dành tặng ca sĩ Hồng Nhung. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã lấy tên thân mật Bống của ca sĩ Hồng Nhung, để viết “Bống bồng ơi” vào năm 1993, “Bống không là Bống” năm 1995 và “Thuở Bống là người” năm 1998.