Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ có 62 năm trên dương gian, nhưng ông để lại một huyền thoại cho nhiều thế hệ. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng với nhạc sĩ Văn Cao (1921-1995) và nhạc sĩ Phạm Duy (1921- 2013) là ba gương mặt nổi trội trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời, từng được lấy làm nhân vật chính cho bộ phim “Em còn nhớ ha em đã quên” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khuất núi, nhiều dự án điện ảnh được manh nha, nhưng chỉ có bộ phim “Em và Trịnh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh được khởi quay từ tháng 3/2019.
Khán giả hồi hộp đón xem, để so sánh diễn viên Lê Công Tuấn Anh đóng vai Trịnh Công Sơn trong bộ phim “Em còn nhớ hay em đã quên” và diễn viên Trần Lực đóng vai Trịnh Công Sơn trong bộ phim “Em và Trịnh”, sẽ khác nhau như thế nào. Đáng tiếc, do ảnh hưởng Covid-19, bộ phim “Em và Trịnh” không thể phát hành đúng dịp kỷ niệm 20 năm vĩnh biệt Trịnh Công Sơn vào tháng 4/2020. Và năm nay, dù trễ một năm so với kế hoạch, bộ phim “Em và Trịnh” cũng chưa thể ra rạp.
Không có bộ phim “Em và Trịnh”, công chúng tưởng niệm 21 năm chia tay nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng những hình thức khác. Ví dụ, chương trình “21 năm, nhớ Trịnh Công Sơn” được diễn ra tại Đường sách TP.HCM vào lúc 16h30 ngày 1/4, với sự góp mặt của các ca sĩ Đức Tuấn, Hiền Thục, Tấn Sơn, Duyên Quỳnh, Hà Vi.... Hoặc chương trình “Đêm thao thức cùng Trịnh” diễn ra tại Nghĩa trang Gò Dưa thuộc Thủ Đức, TP.HCM vào lúc 19h ngày 1/4.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất đúng ngày Cá Tháng Tư. Khi nghe tin buồn ấy, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết bài thơ “Sự thật của cuộc ra đi” để tiễn đưa: “Anh đi trong ngày 1 tháng 4/ Cái ngày người ta có thể đùa bỡn một chút/ Tôi phải hỏi hai lần/ Để biết cuộc đi xa của anh là sự thật/ Là sự thật/ Anh rời bỏ chúng ta trước ngưỡng của thế kỷ hai mươi mốt/ Là sự thật/ Anh đã sống, đã ca hát với chúng ta một nửa thế kỷ hai mươi/ Và chín mươi ngày của thiên niên kỷ mới/ Không có gì ngăn cản anh/ Đến với Tình yêu/ Đến với Đồng bào/ Đến với Bạn bè/ Đến với Tương lai/ Trịnh Công Sơn, từ biệt”.
Một thời điểm khó quên nhất trong cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chính là khi người cha của ông đột ngột giã biệt trần thế, để lại người mẹ góa bụa với 8 đứa con. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi đó mới 16 tuổi. Sự mất mát không thể bù đắp, khiến Trịnh Công Sơn thay đổi và bắt đầu tìm đến với âm nhạc, để lần lượt sáng tác hàng trăm ca khúc nao lòng giới mộ điệu.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: “Mười sáu tuổi, tôi đã tự lo lấy nơi ăn chốn ở của mình. Tự quyết định lấy công việc học hành, thi cử. Gia đình chỉ có việc chu cấp tiền hàng tháng và đó cũng là việc duy nhất mà bản thân mình chưa tự lo được. Một thân một mình đi vào cuộc sống nhưng dường như tôi không lo âu. Trong tôi thường trực có mặt một thứ gần như tôn giáo để định hướng cuộc sống: đó là những giá trị tinh thần gần như tuyệt đối.
Với những người bạn cùng tuổi, tôi có vẻ gần gũi với nỗi cô đơn hơn. Một thứ cô đơn bẩm sinh hoặc bất nguồn từ một thứ ý chí yếu đuối, tôi cũng không rõ. Chỉ biết rằng sau cái chết của ba tôi, xu hướng nghiêng về nỗi buồn, sự bất hạnh chiếm ưu thế trong những suy nghĩ của tôi về thân phận con người. Trên tất cả mọi nụ cười, dưới sâu thẳm mọi niềm vui, tôi chỉ là một kẻ bi quan. Một thứ người ngợm bi quan trẻ tuổi.
Tuổi mười sáu, tôi chưa hề biết và cũng chưa dám yêu. Nếu có bâng khuâng đôi khi thì đó chắc cũng chỉ là những nỗi nhớ nhung vụng trộm trước những nhan sắc của đời hoặc những rung động đầy tôn kính trước những vẻ đẹp của một thế giới hồng nhan mộng mị còn quá xa vời mà thôi. Hình như cũng đã bắt chước có một vài lá thư vụng về, những cơn địa chấn tình cảm không đi về đâu, không đến đâu. Đã xa rồi, tôi không còn nhớ. Tôi không nuối tiếc cũng không tự dày vò bởi tôi nhớ rõ vào tuổi ấy, không hiểu từ đâu, có một nhà luân lý học luôn luôn có mặt ở trong tôi và nhắc nhở canh chừng tôi”.
21 năm, không còn bóng dáng gầy gò của Trịnh Công Sơn trên đường phố Việt Nam thời hội nhập, nhưng âm nhạc của ông vẫn đồng hành cùng bao người hôm nay.
Nói về đóng góp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ngay cả những nhạc sĩ ăn khách như Thanh Tùng hay Phú Quang cũng phải kính ngưỡng.
Nhạc sĩ Thanh Tùng (1948-2016) bày tỏ: “Sự thông thái, tính bao dung, sự từng trải, tính khiêm nhường tạo nên một Trịnh Công Sơn có phong cách của một nhà hiền triết khổ hạnh, một nhân cách có cá tính độc đáo nhưng lại hòa đồng, cao siêu vời vợi nhưng lại dễ gần”. Còn nhạc sĩ Phú Quang (1949-2021) trân trọng: “Âm nhạc của anh sâu xa mà dung dị, hồn nhiên. Thường khi bình tĩnh, độ lượng như một nhà hiền triết, vậy mà cũng có khi cuống quýt như trẻ thơ được những câu hỏi ngỡ ngàng trước những va đập của cuộc đời”.