| Hotline: 0983.970.780

Nhập khẩu thịt lợn phải cân bằng lợi ích người chăn nuôi và người tiêu dùng

Thứ Hai 02/12/2019 , 16:52 (GMT+7)

Trong họp báo Chính phủ chiều 2/12, đại diện Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề đáp ứng nhu cầu thịt lợn dịp cuối năm.

Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến trả lời về vấn đề thịt lợn trong họp báo Chính phủ chiều 2/12.

Trước tình hình giá thịt lợn đang ở mức cao và Tết nguyên đán sắp đến, trong họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, các phóng viên đặt câu hỏi về tình trạng cung cầu của mặt hàng này và khả năng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Làm rõ vấn đề này, Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trước hết thiệt hại của dịch tả lợn châu Phi ở nước ta đã được giảm đến mức tối thiểu. Cụ thể, từ tháng 6 đến nay, lượng lợn bị tiêu hủy do dịch tả giảm mạnh, trong đó tháng 11 chỉ có 152.000 con bị tiêu hủy, giảm đến 88% so với tháng 5/2019.

Đến nay, có 14 tỉnh có trên 85% số xã qua 30 ngày không có dịch, trong khi đó tỉnh đầu tiên phát hiện dịch là Hưng Yên đã hoàn toàn hết dịch. "Đây là điều kiện thuận lợn cho công tác tái đàn để cung cấp thêm thịt lợn ra thị trường", Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã có nhiều văn bản, hội nghị để chỉ đạo về vấn đề tái đàn với hướng an toàn, sử dụng các chế phẩm sinh học để nâng cao sức đề kháng cho lợn. Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng được 740 vùng an toàn dịch bệnh để có thể chống dịch một cách chủ động.

Về đàn lợn, trên cả nước hiện nay còn 25 triệu con, với 2,7 triệu lợn nái và 109.000 lợn cụ kỵ, đủ cung cấp lượng giống phục vụ tái đàn cho các địa phương.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngoài kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi, Bộ NN-PTNT cũng tập trung tái cơ cấu chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển các loại gia súc, gia cầm và thủy sản.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết 9/2019, có 4,1 triệu tấn thịt đã được cung cấp ra thị trường. Đến hết tháng 10/2019, Bộ NN-PNNT thống kê được thịt gia cầm 13,5% (150.000 tấn), thịt trâu bò tăng 4,2% (6.000 tấn), thủy sản tăng 6,12% với 50.000 tấn tôm và 80.000 tấn cá tra so với cùng kỳ 2018. Bên cạnh đó, các loại thịt dê, cừu và trứng gà cũng tăng với tỷ lệ lớn.

Số liệu này cho thấy, tổng sản lượng thực phẩm cung cấp ra thị trường so với năm 2018 đang tăng khoảng 390.000 tấn, vừa thể hiện sự tăng trưởng vừa bù đắp vào sự thiếu hụt của thịt lợn.

Đối với giá lợn, Bộ NN-PTNT đã làm việc với các địa phương trọng điểm cũng như nhiều công ty lớn để đảm bảo được duy trì xấp xỉ 70.000 đ/kg lợn hơi.

Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải trả lời về vấn đề nhập khẩu thịt lợn.

Trả lời câu hỏi về khả năng nhập khẩu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết dự báo thị trường sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn và có thể nhập khẩu từ các đối tác với Việt Nam theo phương châm cân đối được lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Bổ sung vấn đề này, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc thiếu hụt thịt lợn từ giờ đến sau Tết Nguyên đán không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà còn có thể tác động đến chỉ số CPI. Do đó, cần tính toán cụ thể nhu cầu trong thời gian tới để đưa ra số lượng cần nhập khẩu phù hợp.

"Ví dụ ở Trung Quốc, giá thịt heo tăng 100% thì CPI đã tăng 1%", ông Hải cảnh báo và đánh giá cao một số địa phương, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội đã có chương trình bình ổn và kết nối cung cầu, đảm bảo đến Tết và sau Tết mặt hàng thịt heo sẽ được ưu tiên thường xuyên.

Điều quan trọng nữa là phải kiểm soát nghiêm ngặt, không cho xuất lợn lậu qua biên giới, chủ yếu là đi Trung Quốc trong khi thị trường nội địa đang khan hiếm.

Ngoài ra, cần ngăn chặn tình trạng nhập lậu lợn từ Thái Lan và Campuchia, vì không nằm trong 24 quốc gia được phép nhập khẩu thịt lợn vào Việt Nam. Việc nhập lậu thịt lợn không chỉ tiềm ẩn nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn có khả năng lây lan mầm mống dịch tả lợn châu Phi, ảnh hưởng đến đàn lợn trong nước.

Xem thêm
Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Nhiều vùng trũng thấp ở Nha Trang bị ngập

KHÁNH HÒA Do những ngày qua có mưa lớn kết hợp hồ chứa nước điều tiết nên nước sông Cái Nha Trang dâng cao, nhiều vùng trũng thấp tại TP Nha Trang bị ngập.

68 ngày đêm thần tốc thi công khu tái định cư Làng Nủ

Lào Cai tổ chức lễ bàn giao 40 căn nhà mới ở Làng Nủ; 15 căn nhà mới ở Nậm Tông cho 48 hộ dân bị mất nhà do lũ quét, thiên tai.