| Hotline: 0983.970.780

Nhiều địa bàn ở ĐBSCL có nguy cơ ngập úng trong vài ngày tới

Chủ Nhật 15/09/2024 , 14:27 (GMT+7)

Triều cường cao kết hợp mưa lũ trên các khu vực có địa hình thấp trũng có nguy cơ gây ngập úng cho nhiều nơi ở ĐBSCL từ 18 - 22/9.

Triều cường gây ngập ở thành phố Cần Thơ. Ảnh: Sơn Trang.

Triều cường gây ngập ở thành phố Cần Thơ. Ảnh: Sơn Trang.

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, số liệu dự báo triều thời kỳ nửa cuối tháng 9/2024 của Viện Kỹ thuật Biển, cho thấy, trên khu vực biển Đông, triều có xu thế tăng và đạt đỉnh vào ngày 19-21/9/2024. Đỉnh triều dự báo cao hơn khá nhiều trung bình nhiều năm (TBNN), phổ biến xấp xỉ và thấp hơn mức báo động 2 (BĐ 2), riêng trạm Gành Hào cao hơn mức BĐ 3.

Trên khu vực biển Tây, triều có xu thế tăng và đạt đỉnh vào ngày 24-25/9/2024. Đỉnh triều cao hơn khá nhiều TBNN; xấp xỉ và cao hơn mức BĐ 3.

Trong kỳ triều cường nửa cuối tháng 9/2024 kết hợp mưa lũ đầu nguồn đổ về, mực nước nội đồng các trạm vùng thượng ĐBSCL phổ biến dưới mức BĐ 1; một số trạm biến đổi từ BĐ 1 – BĐ 2; một số trạm vượt mức BĐ 2 gồm trạm Long Xuyên (An Giang) và trạm Vàm Nao (An Giang).

Mực nước các trạm vùng giữa ĐBSCL phổ biến ở mức từ BĐ 2 – BĐ 3. Một số trạm ven sông chính vượt mức BĐ 3 vào thời kỳ triều cường kết hợp lũ đầu nguồn tăng từ ngày 19-22/9/2024, gồm các trạm Cần Thơ (thành phố Cần Thơ), trạm Mỹ Thuận (Vĩnh Long), trạm Cao Lãnh, Lai Vung (Đồng Tháp) và một số trạm thuộc trung tâm vùng bán đảo Cà Mau gồm Vị Thanh (Hậu Giang), Phước Long (Bạc Liêu).

Đỉnh lũ tại trạm Cần Thơ dự báo đạt mức từ 2,05-2,15 m (cao hơn BĐ 3 từ 0,05-0,15 m), đỉnh lũ tại trạm Mỹ Thuận dự báo đạt mức từ 1,95-2,05 m (cao hơn BĐ 3 từ 0,15-0,25 m). Trong trường hợp cực đoan vào thời điểm đỉnh lũ kết hợp triều cường dâng cao xuất hiện thêm yếu tố thời tiết bất lợi mưa to gió lớn thì đỉnh lũ tại Cần Thơ và Mỹ Thuận có thể dềnh lên cao hơn so với nhận định ở trên từ 5-10 cm

Với kết quả nhận định ở trên, nguy cơ cao sẽ xảy ra ngập úng do triều cường kết hợp mưa lũ trên các khu vực có địa hình thấp trũng thuộc vùng ĐBSCL vào các ngày từ 18-22/9/2024, nhất là vùng giữa và ven biển ĐBSCL gồm Cần Thơ, Vĩnh Long; các huyện ven sông và giữa 2 sông của tỉnh Đồng Tháp; thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang; các huyện Phước Long, huyện Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu; thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Tú của tỉnh Sóc Trăng; các huyện Trần Văn Thời, huyện Thới Bình, thành phố Cà Mau của tỉnh Cà Mau và một số khu vực trên địa bàn vùng thượng ĐBSCL như thành phố Long Xuyên của tỉnh An Giang.

Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam kiến nghị các địa phương có nguy cơ xảy ra ngập úng do triều cường kết hợp mưa lũ vào đợt triều cường từ ngày 18- 22/9/2024 cần rà soát các tuyến bờ bao xung yếu, các tuyến mới đắp và xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời.

Đối với các tiểu vùng thủy lợi có cao trình bờ đê bao thấp như trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang và Kiên Giang, cần theo dõi chặt chẽ dự báo mưa và diễn biến thủy triều để có phương án vận hành tiêu thoát nước kịp thời, và chuẩn bị các phương án bơm tiêu nước khi xảy ra ngập úng

Xem thêm
Nông nghiệp - PTNT năm 2024: Vượt gian khó lập kỳ tích

14h00 hôm nay (27/12), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam xin điểm lại một số dấu ấn nổi bật của ngành trong năm 2024.

Đồng Xoài sẽ là đô thị 'hiện đại, sinh thái, thông minh'

Đó là kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Chính quyền tỉnh Bình Phước tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (26/12/1974 - 26/12/2024).

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.