Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, lũ đầu nguồn sông Cửu Long trong tháng 8 dự báo ở mức thấp. Mực nước lớn nhất trong tháng 8 tại trạm Tân Châu được dự báo dao động ở mức 2,8 - 3m. So với cùng kỳ: thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,14 - 0,34m; cao hơn năm 2023 từ 0,39 - 0,59m;
Mực nước tại trạm Châu Đốc được dự báo dao động ở mức 2,5 - 2,7m. So với cùng kỳ: thấp hơn TBNN từ 0,06 - 0,26m; cao hơn năm 2023 từ 0,22 - 0,42m.
Mực nước lũ nội đồng trong tháng 8 dự báo ở mức thấp và biến đổi mạnh theo triều. Mực nước cao hơn khá nhiều TBNN, cao hơn cùng kỳ năm 2023 trên vùng thượng và vùng giữa ĐBSCL, cao hơn TBNN và thấp hơn không nhiều so với cùng kỳ năm 2023 trên vùng ven biển ĐBSCL.
Cụ thể, mực nước nội đồng vùng thượng ĐBSCL thời kỳ này chịu tác động chủ yếu bởi lũ đầu nguồn, triều cường và một phần mưa nội vùng. Dự báo mực nước lớn nhất trên các trạm vùng thượng biến đổi ở mức 0,53 - 3,70m, diễn biến mực nước có xu thế cao ở khu vực đầu nguồn ven sông chính, thấp dần về phía khu vực cuối nguồn xa sông chính và về phía bên trong nội đồng.
Mực nước ở mức cao từ 1,7 - 3,7m tập trung ở các huyện An Phú, TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc, huyện Phú Tân, TP. Long Xuyên, huyện Tịnh Biên của tỉnh An Giang; huyện Hồng Ngự, TP. Hồng Ngự, huyện Tân Hồng, huyện Tam Nông của tỉnh Đồng Tháp.
Mực nước nội đồng vùng giữa ĐBSCL thời kỳ này chịu tác động chủ yếu bởi lũ đầu nguồn, triều cường và mưa nội vùng. Dự báo mực nước lớn nhất trên các trạm vùng giữa biến đổi ở mức 0,85 - 1,95m, diễn biến mực nước có xu thế cao ở khu vực ven sông chính, thấp dần về phía khu vực xa sông chính và bên trong nội đồng.
Mực nước ở mức cao từ 1 - 1,95m tập trung ở các huyện Gò Công Đông, TP. Mỹ Tho thuộc tỉnh Tiền Giang; huyện Chợ Lách, Châu Thành, TP. Bến Tre của tỉnh Bến Tre; huyện Cao Lãnh, Lai Vung thuộc tỉnh Đồng Tháp; huyện Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn thuộc tỉnh Vĩnh Long; huyện Càng Long thuộc tỉnh Trà Vinh; các quận thuộc TP. Cần Thơ; TP. Ngã Bảy thuộc tỉnh Hậu Giang, huyện Long Phú thuộc tỉnh Sóc Trăng.
Mực nước nội đồng vùng ven biển ĐBSCL thời kỳ này chịu tác động chủ yếu bởi thủy triều và mưa nội vùng. Dự báo mực nước lớn nhất trên các trạm vùng Ven Biển biến đổi ở mức 0,48 - 1,90m, diễn biến mực nước có xu thế cao ở khu vực ven cửa sông chính và ven biển Đông, thấp dần về phía khu vực xa sông chính, ven biển Tây và bên trong nội đồng.
Mực nước ở mức cao từ 1,23 - 1,9m tập trung ở các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú thuộc tỉnh Bến Tre; huyện Châu Thành, Duyên Hải thuộc tỉnh Trà Vinh; huyện Trần Đề, Vĩnh Châu thuộc tỉnh Sóc Trăng; TP. Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải thuộc tỉnh Bạc Liêu.
Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam nhận định, lũ đầu nguồn đến cuối tháng 8 ở mức thấp, về cơ bản hệ thống ô bao, bờ bao đáp ứng bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên, các khu vực sản xuất nằm ngoài ô bao trên địa bàn các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp, Long An (đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Long An do diện tích sản xuất ngoài ô bao trên địa phương này còn khá nhiều) vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng, cần theo dõi chặt chẽ và có giải pháp ứng phó kịp thời.
Lũ đầu vụ thấp nhưng triều cường dự báo ở mức khá cao, có nhiều nguy cơ gây ra ngập úng trên các khu vực có địa hình thấp trũng thuộc các tỉnh vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL, đặc biệt trong trường hợp triều cường gặp mưa lớn, kiến nghị các địa phương cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo mưa, lũ, triều cường để kịp thời đưa ra các giải pháp ứng phó.