| Hotline: 0983.970.780

Những chương trình, dự án lớn về phòng chống thiên tai

Thứ Ba 18/05/2021 , 10:15 (GMT+7)

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), trong 5 năm qua, nguồn vốn ngân sách trung ương đã tập trung rất lớn cho các dự án phòng chống thiên tai.

11 cánh cửa van của cống Cái Lớn lần lượt được các chuyên gia hoàn thành, lắp ráp vào vị trí, sớm đưa công trình vào vận hành. Ảnh: Trung Chánh.

11 cánh cửa van của cống Cái Lớn lần lượt được các chuyên gia hoàn thành, lắp ráp vào vị trí, sớm đưa công trình vào vận hành. Ảnh: Trung Chánh.

Nguồn vốn lồng ghép vào các chương trình đa mục tiêu

Bộ KH-ĐT cho biết, nguồn vốn bố trí cho các dự án phục vụ đa mục tiêu. Cụ thể, Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phòng chống thiên tai và ổn định đời sống dân cư giai đoạn 2016 - 2020 được bố trí 14.882 tỷ đồng: Với các dự án phòng chống thiên tai như củng cố, tu bổ hệ thống đê sông, đê biển; công trình phòng chống úng ngập, triều cường; đảm bảo an toàn hồ chứa, khắc phục thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn và cung cấp nước ngọt trên các đảo đông dân cư; hỗ trợ ổn định đời sống dân cư bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong số đó, gần 80% kinh phí được bố trí cho các dự án phòng, chống thiên tai, tương đương khoảng 11.000 tỷ đồng.

Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được bố trí 4.350 tỷ đồng: Với các dự án phòng, chống thiên tai như hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản; hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá.

Trong 5 năm qua, Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững được bố trí 3.589 tỷ đồng: Với các dự án phòng, chống thiên tai như  phòng, chống cháy rừng, trồng rừng nhằm tăng diện tích che phủ, giảm tác hại từ mưa lũ, sạt lở đất.

Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh với mục tiêu phòng, chống thiên tai như xây dựng, nâng cấp từ 6 đến 10 công trình hồ, đập với dung tích 100 triệu m3 nhằm điều tiết lũ trong mùa mưa, chống hạn trong mùa khô ở các khu vực có mức độ hạn hán gia tăng; Xây dựng, nâng cấp từ 6 đến 8 hệ thống kiểm soát mặn, giữ ngọt phù hợp với kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long; từ 2 đến 3 hệ thống kiểm soát mặn, giữ ngọt tại các khu vực ven biển; Xây dựng, nâng cấp 200km đê, kè sông, biển xung yếu những khu vực có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến sản xuất, tính mạng và đời sống của trên 3 triệu người dân ở những khu vực ven sông, ven biển giai đoạn 2016 - 2020 được bố trí 15.866 tỷ đồng, trong số đó gần 60% số vốn bố trí cho các dự án phòng, chống thiên tai, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng.

Chương trình chống hạn và xâm nhập mặn vùng Nam Trung bộ và Tây Nam bộ có số vốn bố trí là 5.000 tỷ đồng. Vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư cho các dự án thủy lợi tập trung đầu tư các công trình thủy lợi lớn do Bộ NN-PTNT quản lý là 36.800 tỷ đồng.

Huy động 28.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA

Ngoài ra, còn có các dự án sử dụng nguồn vốn ODA do Bộ NN-PTNT quản lý với tổng nguồn vốn được bố trí là 35.823 tỷ đồng, trong đó khoảng 80% số vốn bố trí cho các dự án phòng, chống thiên tai tương đương khoảng 28.000 tỷ đồng.

Theo Bộ KH-ĐT, các dự án sử dụng nguồn vốn dự phòng từ ngân sách Trung ương hằng năm nhằm khắc phục khẩn cấp hậu quả do thiên tai gây ra trung bình khoảng 4.000 tỷ đồng/năm, cả giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 20.000 tỷ đồng.

Các dự án phòng, chống thiên tai được đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 góp phần nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước; tạo điều kiện phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.

Cụ thể, đối với lĩnh vực thủy sản, nhờ đầu tư vào cảng cá, bến cá, khu neo đậu, hạ tầng nuôi trồng thủy sản, giống: Công suất cảng cá tăng thêm khoảng 620 lượt tàu/ngày, công suất neo đậu tránh trú bão tăng thêm khoảng 3.700 tàu.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, diện tích rừng đặc dụng tăng thêm 100.000ha; trồng rừng tập trung khoảng 1,1 triệu ha, độ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%, góp phần lớn giảm thiệt hại kinh tế - xã hội phía hạ nguồn do mưa bão, lũ quét và sạt lở đất.

Đối với lĩnh vực thủy lợi, đã củng cố, tu bổ khoảng 1.320km đê sông, đê biển; Năng lực tích trữ nước các hồ tăng thêm khoảng 1,4 tỷ m3, năng lực tưới, tiêu năm 2016 là 151.000ha, đến cuối năm 2019 tăng thêm khoảng 402.000ha; kiểm soát mặn, giữ ngọt cho khoảng 1,1 triệu ha.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 16, Luật Phòng, chống thiên tai “Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước, địa phương, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành phải có nội dung phòng, chống thiên tai phù hợp với đặc thù thiên tai của từng vùng, địa phương để bảo đảm phát triển bền vững”.

Cống Cái Bé - Cái Lớn dự kiến sẽ được vận hành trước mùa khô 2021.

Cống Cái Bé - Cái Lớn dự kiến sẽ được vận hành trước mùa khô 2021.

Bộ NN-PTNT đang xây dựng các quy hoạch liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai theo Luật Quy hoạch như Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi; Quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê; Quy hoạch đê điều; Quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai để các bộ, ngành và địa phương có định hướng và cơ sở để xây dựng Chương trình, dự án phòng, chống thiên tai trong giai đoạn tới. Các dự án đầu tư phải phù hợp với nguyên tắc và quan điểm đầu tư các công trình phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai là: “Chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết: Hiện nay, nguồn lực khu vực tư nhân đầu tư các công trình phòng tránh sạt lở còn hạn chế, do đó cần hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư xây dựng hoặc hợp tác đầu tư xây dựng công trình sạt lở theo hình thức đối tác công tư. Do đó, cần bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thúc đẩy hợp tác công tư trong đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Quy định về các quỹ phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai

Theo Bộ Tài chính, tại Điều 10 Luật Ngân sách Nhà nước có quy định: Mức bố trí dự phòng từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách mỗi cấp để chi phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói; nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh…

Về thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng ngân sách Nhà nước: Chính phủ quy định thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương, định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; Ủy ban nhân dân các cấp quyết định sử dụng dự phòng ngân sách cấp mình, định kỳ báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

Tại điều 11 Luật Ngân sách Nhà nước quy định: Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập quỹ dự trữ tài chính từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách, bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm và các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật, số dư của quỹ dự trữ tài chính ở mỗi cấp không vượt quá 25% dự toán chi ngân sách hàng năm của cấp đó. Quỹ dự trữ tài chính được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh trên diện rộng, với mức độ nghiêm trọng, nhưng mức sử dụng trong năm tối đa không quá 70% số dư đầu năm của quỹ.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.