Con gà trong Tam Quốc Chí
Một hôm tướng tuần tra vào hỏi họ Tào mật ngữ cho quân đi tuần đêm hôm nay là gì. Tào đang ăn bữa tối trong quân doanh, thuận miệng trả lời: “Kê cân”. Tin ấy đến tại quan chủ bạ là Dương Tu, Tu bèn ra lệnh cho quân bản bộ thu dọn hành lý để rút quân.
Tướng Hạ Hầu Đôn đi ngang qua trông thấy bèn hỏi tại sao. Tu đáp: “Kê cân là gân gà. Đó là món ăn chẳng mấy hấp dẫn, bỏ thì tiếc, ăn thì chẳng được. Nghĩa là thừa tướng sẽ rút quân nay mai thôi. Vì thế tôi cho quân sĩ chuẩn bị trước”.
Hạ Hầu Đôn nghe theo, cũng về trại cho quân sĩ thu dọn hành lý. Không ngờ đêm ấy Tào Tháo đi tuần đêm, qua trại Hạ Hầu Đôn trông thấy, hoang mang bèn gọi Đôn ra hỏi đầu đuôi. Biết chuyện, Tháo liền gọi Dương Tu đến, quát mắng rồi quy vào tội làm loạn lòng quân, thét võ sĩ lôi Tu ra chém. Sau đó Tháo thua trận lớn, nghĩ đến Tu mà hối hận, bèn thu gom thi hài an táng trọng hậu cho Tu. Nhưng khi Tháo xét lại thì đã muộn.
Những con gà trong Tây Du Ký
Trong truyện Tây Du của Ngô Thừa Ân, may mắn thay con gà lại không phải là một trong những con yêu tinh như những con giáp “xui xẻo” khác. Chẳng nói đâu xa như Tôn Ngộ Không (con khỉ) từng là yêu hầu, Trư Bát Giới (con heo) từng là yêu quái, Ngưu Ma Vương (con trâu), con yêu Bán Triệt Quan Âm (con chuột) ở Hãm Không Động (động không đáy)... Nhưng con gà trong Tây Du lại là bậc thần tiên.
Trước hết phải nói đến Mão Nhật Kê Tinh Quân, con gà trống này vốn là vị thần được Ngọc Hoàng thượng đế cho cai quản Mặt Trời. Khi thầy trò Đường tăng gặp nạn con yêu bò cạp, Tôn Hành Giả và Trư Bát Giới đều bị con yêu nữ này chích sưng cả mặt mày. Túng thế, họ Tôn phải lên thượng giới cầu viện Mão Nhật Kê Tinh Quân.
Mão Nhật Kê Tinh Quân trong "Tây Du Ký"
Gà vốn là khắc tinh của bò cạp. Truyện kể Tinh Quân chỉ cần đối diện với yêu quái, hiện nguyên hình con gà trống và gáy một tiếng cũng đủ khiến cho nữ yêu phải hiện nguyên thân là con bò cạp và chết đứ đừ. Để chữa bệnh cho huynh đệ Hành Giả, chú gà thần chỉ cần hà hơi “tiên khí” vào chỗ bị cắn là nạn nhân hết đau ngay.
Con gà thứ hai là một con gà mái, vốn là mẹ đẻ của Mão Nhật Kê Tinh Quân, tức bà Tì Lam Bồ Tát. Bà Tì Lam xuất hiện ở hồi đoàn thỉnh kinh đụng độ phải bảy con yêu nhền nhện tại suối Trạc Cấu, bọn yêu nhện chưa lợi hại bằng ông anh kết nghĩa của chúng là một đạo sĩ, biệt hiệu Bá Nhãn Ma Quân. Kỳ thực hắn là một con yêu rết. Bạn từng xem phim Tây Du Ký phiên bản năm 1986, hẳn thấy cảnh gã đạo sĩ phanh áo ngực, để lộ ra hàng trăm con mắt. Từ những con mắt đó phát ra các tia sáng sát thương đối thủ khiến Tôn Đại Thánh phải bỏ chạy.
Một lần nữa, họ Tôn phải tìm đến Tì Lam Bồ Tát nhờ trừ yêu. Bồ Tát đến nơi, chỉ dùng một cây kim thêu quăng xuống am tu hành của yêu quái, khiến đạo sĩ hiện nguyên hình là một con rết lớn. Sau đó, bà tha không giết yêu đạo, thu phục hắn làm người gác cổng cho ngôi nhà của bà.
Những giống gà kỳ lạ trên thế giới
Cũng như mọi sinh vật khác, trong thế giới loài gà cũng có nhiều giống gà đặc thù, dị thường, khác hẳn với các đồng loại thông thường của chúng.
1. Gà Đông Tảo
Gà Đông Tảo có hình dáng khá kỳ lạ, với đôi chân to lớn khác thường. Giống gà hiếm của Việt Nam này nổi tiếng về mùi vị thịt thơm ngon, trước đây chỉ được nuôi trong hoàng gia. Những chiếc chân lớn quá khổ của nó được xem là ăn ngon miệng nhất.
2. Gà Ba Lan
Giống gà nhìn tựa như có mái tóc xù hết cỡ. Nhưng thật ra hình dáng gà Ba Lan lúc nào trông cũng như thế, với chùm lông mào gần như phủ qua hết đầu. Tuy hình thù rất ngầu nhưng chúng rất nhút nhát. Nếu lấy lược chải lại, nhìn sẽ rất đẹp. Chính vì thế mà ban đầu người Ba Lan nuôi loại gà này như chim cảnh.
3. Gà “khỏa thân”
Hay còn gọi là gà không lông. Giống gà này do các nhà khoa học tạo ra để dễ nuôi trong những môi trường có thời tiết nóng. Vấn đề là ngoại hình của gà không lông nhìn thiếu thẩm mỹ.
4. Gà Silkie
Gà silkie lông xù xuất xứ từ Trung Quốc và được du nhập vào Châu Âu từ 200 năm qua. Chúng có bộ lông xù nhiều màu sắc nên được nuôi như thú kiểng. Gọi là gà Silkie, vì chúng có bộ lông mềm như lụa (silk), tuy là thú cưng nhưng đôi khi người ta vẫn ăn thịt chúng.
5. Gà La Flèche
Đây là giống gà hiếm ở Pháp. Tên của chúng xuất xứ từ thành phố La Flèche, Pháp. Đặc điểm ngoại hình có chiếc mào chia hai nhánh thành hình chữ V, gà La Flèche từng nổi tiếng vì chất lượng thịt ngon. Sau Thế chiến II, số lượng loại gà này đang bị giảm xuống dần.
6. Gà Serama
Đây là giống gà được ưa chuộng (một số lý thuyết cho rằng gà mang tên gần giống như tên của một vì vua Thái Lan (Sri Rama), nhưng chưa có chứng cứ nào giải thích) do vóc dáng của nó, mọi người còn gọi nó là gà vương giả. Gà Serama còn được gọi là gà tre Malaysia.
7. Gà Ayam Cemani
Giống gà của Indonesia này có toàn thân đều màu đen. Nó có lưỡi đen, móng đen và da đen. Thậm chí thịt và nội tạng của nó cũng màu đen. Do màu sắc khác thường, Ayam Cemani trở thành một trong những giống gà đắt giá nhất thế giới. Một con gà loại này có giá khoảng 2.500 USD.
8. Gà Araucana
Có nguồn gốc từ Chilê, Nam Mỹ. Gà có hai má bông lên, không đuôi và đẻ ra những quả trứng màu xanh. Chúng được nuôi phổ biến ở châu Mỹ.
9. Gà cổ trụi lông
Nó không phải là gà tây, và xuất xứ từ Transylvania. Người ta lý giải hình dáng kỳ quặc này là do biến đổi gien nơi gà. Gà cổ trụi có chiếc cổ không lông và khá dài.
10. Gà Onagadori
Còn gọi là gà đuôi dài Nhật Bản. Nhờ có chiếc đuôi khá dài, nó được nuôi làm gà kiểng, đặc biệt trong những khu vườn thuộc hoàng gia.