| Hotline: 0983.970.780

Những quy định 'gây khó' cho công tác quản lý thủy lợi ở địa phương

Thứ Năm 14/11/2024 , 21:39 (GMT+7)

Những bất cập trong quy định về bộ máy, quản lý nước sạch nông thôn, khai thác đa mục tiêu công trình thủy lợi... đang khiến các chi cục thủy lợi gặp nhiều khó khăn.

Còn nhiều bất cập

Tại Hội nghị Chi cục thủy lợi toàn quốc do Bộ NN-PTNT tổ chức chiều 14/11, đại diện nhiều địa phương cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động của các chi cục thủy lợi vẫn đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tại Hội nghị, các đại biểu nêu lên những khó khăn, bất cập trong hoạt động của các chi cục thủy lợi hiện nay. Ảnh: Trung Quân.

Tại Hội nghị, các đại biểu nêu lên những khó khăn, bất cập trong hoạt động của các chi cục thủy lợi hiện nay. Ảnh: Trung Quân.

Cụ thể, quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì lực lượng quản lý đê chuyên trách là công chức. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua các địa phương biên chế cho hạt quản lý đê điều của chi cục được giao là biên chế viên chức, nên cán bộ không được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, lương thấp, điều kiện làm việc trên địa bàn công tác khó khăn. Việc tổ chức thi nâng ngạch kiểm soát viên đê điều cho lực lượng quản lý đê chưa được thực hiện nên không thu hút được cán bộ có trình độ và tâm huyết với nghề.

Bên cạnh đó, việc xây dựng vị trí việc làm và số lượng người làm việc ở vị trí kiểm soát chính đê điều, kiểm soát viên đê điều, kiểm soát viên trung cấp đê điều phải áp dụng, vận dụng mượn mã vị trí việc làm kỹ thuật đê điều và phòng chống thiên tai (PCTT) tại Thông tư 11/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2023 của Bộ NN-PTNT cho phù hợp với loại hình biên chế viên chức được giao nhiều năm qua.

Thẩm quyền trách nhiệm của Bộ NN-PTNT và địa phương đối với các công trình được phân cấp còn chưa rõ ràng nên sự phối hợp trong quản lý công trình, đặc biệt trong thực hiện cấp giấy phép các hoạt động phải có phép chưa chặt chẽ.

Tổ chức quản lý, khai thác các đập, hồ chứa thủy lợi nhỏ và vừa được giao cho huyện, xã quản lý nhưng nhiều nơi chưa thành lập được các tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác theo quy định. Lực lượng cán bộ, công nhân quản lý, vận hành còn thiếu và năng lực còn hạn chế...

Việc đặt hàng, đấu thầu khai thác công trình thủy lợi đối với những tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đã tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định tại Điều 7, Nghị định 129/2017/NĐ-CP đang được doanh nghiệp quản lý, sử dụng theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Như vậy, đối với tài sản đã tính thành phần vốn tại doanh nghiệp là do doanh nghiệp tự quản lý, khai thác, không thể đặt hàng cho đơn vị khác để thực hiện khai thác các tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi này.

Hiện tại số biên chế công chức, viên chức được giao tại các chi cục thủy lợi còn ít so với chức năng, nhiệm vụ được giao. Ảnh: Trung Quân.

Hiện tại số biên chế công chức, viên chức được giao tại các chi cục thủy lợi còn ít so với chức năng, nhiệm vụ được giao. Ảnh: Trung Quân.

Đồng thời, chưa có hướng dẫn về nội dung ký kết hợp đồng đặt hàng quản lý khai thác công trình thủy lợi, cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi trong trường hợp này. Việc xác định kinh phí quản lý, khai thác cho mỗi đơn vị khai thác tài sản rất phức tạp, chưa có hướng dẫn cụ thể, nên chưa thể thực hiện.

Cùng với đó, phương án giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi phải xây dựng hàng năm, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá tối đa sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý sau khi được Hội đồng Nhân dân cùng cấp thông qua trên cơ sở giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định. Việc này sẽ mất rất nhiều thời gian, đặc biệt trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (xây dựng Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh).

Về an toàn đập, hồ chứa nước, tại điều 10, Nghị định 114/2018/NĐ-CP, quy định kê khai đăng ký an toàn đập, hồ chứa nước. Tuy nhiên, do việc kê khai thủ công như hiện nay gây khó khăn trong việc tiếp cận hồ sơ công trình. Bên cạnh đó, Nghị định chưa quy định đối với trường hợp kê khai mà thiếu thông số kỹ thuật công trình.

Tại khoản 2, Điều 18, Nghị định 114/2018/NĐ-CP, quy định kiểm định định kỳ 5 năm kể từ lần kiểm định gần nhất đối với đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt, lớn và vừa là khoảng thời gian ngắn, trong khi kinh phí thực hiện kiểm định đối với hồ chứa lớn khoảng 1,3 tỷ đồng/hồ. Thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác kiểm định thường kéo dài từ 1-3 năm mới hoàn thành, khó khăn cho thời gian cũng như kinh phí hoạt động của đơn vị quản lý, khai thác hồ chứa.

Tại điểm a, khoản 5, Điều 26, Nghị định 114/2018/NĐ-CP quy định: UBND cấp xã phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đối với đập, hồ chứa nước và vùng hạ du đập trên địa bàn 1 xã là chưa phù hợp vì năng lực chuyên môn của UBND cấp xã chưa đáp ứng công tác thẩm định, phê duyệt.

Theo các đại biểu, cần nghiên cứu rà soát, bổ sung điều chỉnh quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đối với các công trình, cơ sở hạ tầng để đảm bảo đáp ứng với điều kiện thực tế. Ảnh: Trung Quân.

Theo các đại biểu, cần nghiên cứu rà soát, bổ sung điều chỉnh quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đối với các công trình, cơ sở hạ tầng để đảm bảo đáp ứng với điều kiện thực tế. Ảnh: Trung Quân.

Về nước sạch nông thôn, hệ thống văn bản chưa đồng bộ về trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động cấp nước nông thôn, mô hình tổ chức quản lý, quản lý dịch vụ cấp nước, bảo đảm cấp nước an toàn và an ninh cấp nước, cấp nước giữa bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Còn thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp, tư nhân thực hiện dịch vụ cấp nước cũng như công cụ pháp lý quản lý nhà nước chưa đủ mạnh để bảo đảm cấp nước an toàn và bảo đảm an sinh xã hội.

Từ đó, dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát, mất an ninh cấp nước. Cuộc sống của người dân sẽ chịu tác động bởi hoạt động sản xuất kinh doanh, nếu doanh nghiệp, tư nhân kinh doanh thua lỗ, phá sản. Nhiều dự án đầu tư công trình cấp nước tập trung đều gặp vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất…

Đề nghị xem xét sửa đổi một số Nghị định

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Anh Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa nêu kiến nghị: Cục Quản lý đê điều và PCTT báo cáo Bộ NN-PTNT trình Chính phủ xem xét, sửa đổi bổ sung Quyết định số 17/2002/QĐ-BNN ngày 12/3/2002 về quy trình quản lý và sử dụng vật tư dự trữ phòng chống lụt bão để địa phương có đủ căn cứ thực hiện đảm bảo các quy định.

Bên cạnh đó, sớm ban hành Nghị định thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung các Nghị định 96/2018/NĐ-CP, Nghị định 114/2018/NĐ-CP và Nghị định 129/2017/NĐ-CP (đặc biệt tại điểm a, Khoản 1, Điều 14 và Điều 10 Nghị định 129/2017/NĐ-CP). Đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng nguồn kinh phí thực hiện bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đã tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và việc thực hiện mở sổ kế toán tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.

Bà Nguyễn Thị Anh Nga - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hoá đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng nguồn kinh phí thực hiện bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đã tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: Trung Quân.

Bà Nguyễn Thị Anh Nga - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hoá đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng nguồn kinh phí thực hiện bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đã tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: Trung Quân.

Ông Đoàn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Ninh cũng cho rằng, cần sớm hoàn chỉnh các văn bản pháp luật liên quan như Nghị định 78 của Chính phủ về Quỹ PCTT hướng dẫn về Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các địa phương để việc triển khai nhiệm vụ đúng luật, phát huy hiệu quả.

Nghiên cứu rà soát, bổ sung điều chỉnh quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đối với các công trình, cơ sở hạ tầng để đảm bảo đáp ứng với điều kiện thực tế (ví dụ, tại Quảng Ninh, công trình cầu Bãi Cháy là trọng điểm giao thông tuy nhiên cũng chỉ thiết kế chịu được sức gió cấp 15, các công trình đê điều trên địa bàn chỉ chịu được gió cấp 9-10. Thực tế bão số 3 vừa qua gió cấp 13-14 giật đến cấp 17).

Xem thêm
Hơn 220 đại biểu dự Đại hội các dân tộc tỉnh Yên Bái

YÊN BÁI Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh mong muốn các dân tộc tỉnh Yên Bái đoàn kết giữ gìn bản sắc văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu.

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cầu Phong Châu mới được khởi công vào tháng 12/2024

Do yêu cầu khẩn cấp về xây dựng công trình, Bộ GTVT đã quyết định thành lập tổ công tác để triển khai Dự án cầu Phong Châu mới trên QL32C, tỉnh Phú Thọ.